Nhắc đến họa sĩ Vĩnh Thuận, nhiều người nhớ ngay những bức tranh ký họa ghi chép sống động về đất nước và con người suốt từ nhiều thập niên qua, cả thời kỳ chiến tranh lẫn hòa bình.
Họa sĩ Vĩnh Thuận tham gia một trại sáng tác. |
Họa sĩ Vĩnh Thuận tên thật là Nguyễn Vĩnh Thuận, sinh năm 1937 tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ông tốt nghiệp Trường CĐ Mỹ thuật Hà Nội, là hội viên Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng. Nhiều năm qua, ông được giới mỹ thuật tại miền Trung và cả nước biết đến với những tác phẩm hội họa phản ánh về đề tài lịch sử cách mạng và đấu tranh giải phóng dân tộc của quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước. Ông vừa ra đi trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Tỵ.
Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng, cho rằng: “Cùng với các họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh, Mai Ngọc Chính…, họa sĩ Vĩnh Thuận thuộc thế hệ những họa sĩ trưởng thành từ thời chiến tranh chống Mỹ, chỉ với một cây bút chì. Nhưng bằng bàn tay tài hoa, họ đã để lại cho chúng ta những tài liệu quý giá mà lớp trẻ hiện nay không thể nào có được…”.
Tranh sơn dầu: Bảo vệ bầu trời bình yên của họa sĩ Vĩnh Thuận. |
Mặc dù tốt nghiệp ngành mỹ thuật tại Hà Nội, nhưng sau 1975, khi về Đà Nẵng, Vĩnh Thuận lại công tác trong ngành thể dục thể thao. Mãi đến lúc về hưu, ông mới có điều kiện toàn tâm toàn ý sống với công việc hội họa. Số tranh của ông tham gia các cuộc triển lãm Trung ương và địa phương không nhiều, nhưng phần lớn đều để lại ấn tượng đặc sắc, bởi lối diễn đạt hiện thực, chân chất, đặc biệt là về đề tài lịch sử cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc như: bảo vệ bầu trời bình yên, ông Đinh Sạp diệt đại tá Mỹ trên đường 14, Thanh Hùng diệt ác ôn...
Mỗi một đề tài thực hiện tác phẩm, họa sĩ Vĩnh Thuận thường phác thảo rất công phu, chi tiết. Thậm chí, có nhiều bức tranh đã vẽ xong, nhưng vài năm sau, vẫn còn trăn trở, ông hủy, vẽ lại. Có lần một đồng nghiệp nói đùa rằng, tranh của ông có bức vẽ y như thật, thôi thì nên chuyển sang nhiếp ảnh. Vĩnh Thuận chỉ cười vui và vẫn quyết đeo đuổi đến cùng con đường đã chọn.
Cách đây 3 năm, trong một dịp gặp ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, họa sĩ Vĩnh Thuận bộc bạch ý tưởng sáng tác về đề tài cuộc đấu tranh nổi dậy của quân dân Đà Nẵng trong 76 ngày đêm (năm 1966) và Tết Mậu Thân 1968… Ý tưởng này được vị lãnh đạo thành phố chia sẻ, động viên. Và ông nhanh chóng bắt tay thực hiện tác phẩm.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, sự kiện 76 ngày đêm ở Đà Nẵng (10-3-1966 – 24-5-1966) và Tết Mậu Thân là hai cột mốc quan trọng đánh dấu tinh thần đấu tranh anh dũng của đồng bào Đà Nẵng. Lúc đầu, cuộc nổi dậy đó không phải do ta chủ động, mà nhân cơ hội nội bộ địch chống đối lẫn nhau, ta biết tập hợp, phát động quần chúng đứng lên làm chủ thành phố…
Tranh sơn dầu: Phố cổ Hội An của họa sĩ Vĩnh Thuận. |
Sau thời gian nghiên cứu sách, báo và gặp gỡ nhiều nhân chứng thực tế, bức tranh chính thức có tên “76 ngày đêm nhân dân Đà Nẵng làm chủ thành phố - năm 1966” của họa sĩ Vĩnh Thuận, với kích thước 2m x 1,5m, chất liệu sơn dầu được hoàn thành vào dịp Xuân Canh Dần 2010 và được UBND thành phố “cấp kinh phí mua tranh lịch sử của họa sĩ Vĩnh Thuận” với giá 50 triệu đồng để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau...
Ngay khi chuyển giao bức tranh cho UBND thành phố, họa sĩ Vĩnh Thuận ủng hộ Quỹ Vì người nghèo của Đà Nẵng 5 triệu đồng. Đó cũng là một trong những lần họa sĩ Vĩnh Thuận cảm thấy hạnh phúc nhất, bởi theo ông: “Cuộc đời làm nghệ thuật của tôi chỉ theo đuổi duy nhất một đề tài lịch sử về cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc”.
Họa sĩ Phạm Hồng cho rằng, đức tính nổi bật của Vĩnh Thuận là sự đam mê, cần mẫn, chịu khó bám sát đời sống thực tế… Bên cạnh đó, nhiều năm liền gắn bó với CLB họa sĩ người cao tuổi, Vĩnh Thuận đã trực tiếp vận động tổ chức thực hiện thành công nhiều cuộc triển lãm dành cho các họa sĩ cao tuổi. Sự ra đi của ông để lại khoảng trống đáng kể không những ở mảng tranh truyền thống cách mạng, mà còn việc xây dựng phong trào chung của mỹ thuật Đà Nẵng.
TRẦN TRUNG SÁNG