Qua 40 năm góp nhặt, sưu tập trên chặng đường làm phim tài liệu truyền hình khắp các vùng, miền, nhà thơ - đạo diễn, NSƯT Đoàn Huy Giao hiện sở hữu bộ sưu tập có giá trị về lịch sử và khảo cổ học.
NSƯT Đoàn Huy Giao (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Khi mới chập chững vào nghề báo, tôi đã vài ba lần theo các đồng nghiệp đi trước tới nhà đạo diễn Đoàn Huy Giao ở cuối con hẻm đường Lê Đình Lý. Nhưng thú thật lúc đó, Đoàn Huy Giao dưới góc nhìn của tôi là một ông già nhỏ nhắn, lụng thụng trong bộ áo quần cũ. Mãi đến khi ông nhắn tin mời tôi đến dự lễ khai trương Bảo tàng Đồng Đình - bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Đà Nẵng, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra một Đoàn Huy Giao khác: một Đoàn Huy Giao đam mê cổ vật, dành tâm huyết cả đời cho việc sưu tầm cổ vật. Qua 40 năm góp nhặt, sưu tập, ông hiện sở hữu bộ sưu tầm khá đồ sộ các cổ vật có niên đại từ 100 - 2.500 năm thuộc các nền văn hóa Chămpa, Sa Huỳnh, Đông Sơn, Óc Eo, Đại Việt...; bộ sưu tập dân tộc học từ các buôn làng dân tộc thiểu số miền Trung-Tây Nguyên, như chiếc trống bằng da voi của một thủ lĩnh Mơ Nông, chim thần, áo vỏ cây...; hay con thuyền độc mộc và chiếc cà ràng được tìm thấy dưới lòng sông Đồng Nai Thượng; hàng loạt công cụ và linh khí thuộc nền văn hóa rừng thiêng của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên; ngôi nhà làm toàn bằng các vật liệu từ hai chiếc thuyền đi biển của một trong những làng ngư dân cổ nhất Đà Nẵng: Làng chài Nam Thọ - được đặt tên “Nhà ký ức làng chài”...
Đoàn Huy Giao kể rằng, thuở nhỏ, ông đặc biệt say mê sưu tầm cổ vật. Niềm đam mê đó cháy bỏng trong huyết quản từ khi Đoàn Huy Giao còn học cấp II trường làng, khi vô tình đào vườn bắt gặp những cổ vật bằng gốm sứ của nền văn hóa Chăm, Sa Huỳnh. Cái thú đó theo suốt cuộc đời ông cho đến bây giờ, và hiện vẫn còn háo hức, rạo rực, nguyên sơ như thuở ban đầu.
Cả một đời gắn với nghề sưu tầm cổ vật, với những giá trị xưa cũ nhưng vô giá, Đoàn Huy Giao đúc kết rằng, người sưu tầm cổ vật phải có đam mê, có kiến thức, có tâm... Đi nhiều nơi, qua nhiều vùng, miền, ông dành khá nhiều thời gian lê la khắp hang cùng, ngõ hẻm, thấy cái gì là lạ, cái gì hay hay, cũ cũ, ông cũng tìm hiểu cho bằng được. Có được đồng nào, ông đổ vào mua cổ vật. Theo ông, đã là người sưu tầm cổ vật, có tâm huyết và đam mê với cổ vật thì rất hiếm người bán đi niềm đam mê, tâm huyết của mình.
10 năm trước, để chuẩn bị ý tưởng cho ra đời một bảo tàng tư nhân và khi Sơn Trà còn hoang vắng với “ba không”: không điện, không nước, không đường, cứ cuối tuần, ông lại một mình qua bán đảo trồng cây, dời đá, xây xây đắp đắp. Để đến hôm nay cả một không gian ngồn ngộn truyền thuyết lẫn đầy ắp khát vọng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên dọc dãy Trường Sơn, những cổ vật đa dạng được tìm thấy dưới đáy Biển Đông, hay trong lòng đất miền Trung, hiển hiện nơi đây, vẽ ra bức tranh về sự nhộn nhịp của con đường gốm sứ kéo dài trong nhiều thiên niên kỷ. Mỗi hiện vật như còn phảng phất hơi thở các triều đại đã qua...
Một góc bảo tàng tư nhân Đồng Đình. |
Nhìn cách ông thuyết trình các cổ vật sưu tầm được, lúc sôi nổi, hào hứng, khi trầm lắng, suy tư, khiến tôi hiểu ông mang nhiều trăn trở với nghề sưu tầm của mình. Câu đề dẫn trong khu vực bảo tàng cổ vật Chăm của ông “Cho dù thời gian và thời thế đã bào mòn hoặc hủy hoại khá lớn các giá trị nghệ thuật kiến trúc rất riêng của người Chăm cổ ở miền Trung Việt Nam, nhưng những gì còn lại từ đất nung (và đá) đều gắn liền với vẻ huyền bí được họ xưng tụng là vùng đất thiêng...” cũng đủ cho thấy niềm đam mê của ông hơn đối với cổ vật. Với ông, làm nghề sưu tầm cổ vật thì ai cũng phải tự trang bị những kiến thức về văn hóa, lịch sử sâu rộng. Thiếu điều đó, người sưu tầm không thể là người giỏi nghề. Niềm đam mê cổ vật, đam mê giá trị văn hóa, lịch sử ẩn sâu trong những đồ vật xưa cũ cứ ngấm dần vào máu của ông như thế.
Đoàn Huy Giao kể, năm 1998, trong lúc thực hiện tập phim Trên cao nguyên M’Nông ở Đắc Nông, ông đã đến nhà một người dân địa phương và xin mua lại chiếc trống bằng da voi của Nơ Trang Lơng, một thủ lĩnh đồng bào Mơ Nông thời kháng chiến chống Pháp. Trong một chuyến đi khác, ông mua chiếc thuyền độc mộc của người Mạ (thế kỷ XIV) - chủ nhân của Thánh địa Cát Tiên Vương quốc Phù Nam xưa… Năm 2008, khi làm phim tài liệu Tây Nguyên miền hoang tưởng (36 tập) ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, dự lễ hội đâm trâu, ông Giao thấy đồng bào dùng những mặt nạ bí ẩn, chiếc áo vỏ cây của người Ba Na. Thấy độc đáo nên ông cất công sưu tầm với hy vọng bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc các bản làng của Tây Nguyên.
Bộ sưu tập gốm cổ của Đoàn Huy Giao được các chuyên gia đánh giá là có một không hai hiện nay, với một số tiêu bản quý nhìn thấy lần đầu ở Việt Nam như: chiếc đĩa gốm men lam đắp nổi hình cá chép tìm thấy ở khu vực tháp Đồng Dương có niên đại thế kỷ thứ XVI (triều Mạc); một Kosa Linga bằng bạc tìm thấy ở kinh thành Trà Kiệu... Suốt hơn 40 năm tỉ mỉ với từng món đồ cổ nhỏ nhất, đến bây giờ ông đã hoàn thành được ước mơ của mình.
Đoàn Huy Giao tên thật là Nguyễn Trì. Lúc mới làm thơ, làm báo, ông lấy bút danh Trình - NH (trừ NH đi thì còn Trì). Một hôm tình cờ ăn bánh mì, thấy tờ giấy gói bánh mì là bảng lương của những nhân viên ngành quét dọn phố phường, kiểu như công nhân môi trường đô thị bây giờ. Thấy trong danh sách có cái tên Đoàn Huy Giao hay hay, lại trùng với họ mẹ mình, ông lấy luôn làm bút danh từ đó... Không chỉ được biết đến là nhà sưu tầm cổ vật, Đoàn Huy Giao còn là nhà thơ, đạo diễn phim tài liệu truyền hình khá nổi tiếng với những bộ phim Lá hát, Trở về, Gặp lại mùa cúc quỳ, Tâm tình Xuman... Ông cũng là bạn của Trịnh Công Sơn, Đoàn Thạch Biền, Đynh Trầm Ca, Lưu Xuân Vũ... |
PHƯƠNG UYÊN