.

Nhiều bất cập trong quản lý, phát huy giá trị di tích

.

Sáng 11-6, Bộ VH-TT&DL tổ chức Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Nâng cao chất lượng công tác quản lý và phát huy giá trị di tích” tại 3 điểm cầu Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề: mô hình ban quản lý di tích, bài trí tại di tích, ứng xử đối với di tích và khi tham gia hoạt động lễ hội, tín ngưỡng tại di tích...

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng hơn 40.000 di tích được kiểm kê, trong đó có 7 di sản vật thể được UNESCO vinh danh, 34 di tích quốc gia đặc biệt, 3.168 di tích quốc gia, 7.484 di tích cấp tỉnh và thành phố.

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên, công tác trùng tu, tôn tạo di tích trong thời gian qua còn nổi lên nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết, như: vi phạm luật về trùng tu, tôn tạo, đặc biệt là mốc giới; mô hình quản lý di tích bộc lộ nhiều bất cập; công tác tuyên truyền giáo dục tu bổ di tích còn nhiều hạn chế; thái độ ứng xử với di tích chưa văn minh, đặc biệt là lễ hội; đội ngũ cán bộ làm văn hóa còn mỏng, yếu; bộ máy quản lý di tích chồng chéo...

Ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa ghi nhận, trong 5 năm gần đây, việc xếp hạng di tích được đặc biệt đẩy mạnh, có nhiều danh hiệu hơn tất cả các năm trước đó cộng lại. Tuy nhiên, việc cắm mốc giới là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn xâm hại di tích nhưng chỉ mới được thực hiện ở một số địa phương.

Vấn đề mô hình quản lý di sản, nhiều ý kiến cho rằng, không nên đưa ra mô hình quản lý duy nhất cho tất cả các địa phương. Công tác bảo tồn, phát huy di tích trong giai đoạn mới đòi hỏi dung hòa tính xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa. Bởi, nếu chuyên nghiệp hóa quá sẽ tách rời quần chúng, nếu xã hội hóa hết có thể ảnh hưởng đến di sản. Mỗi địa phương nên đưa ra một mô hình phù hợp, nhưng phải bám các tiêu chí chung, bảo đảm quyền lợi di tích.

Các đại biểu cũng cho rằng, nguyên tắc bảo tồn và phát triển không mâu thuẫn nhau. Tuy nhiên, ý thức và tri thức bảo vệ di sản của cả cán bộ và nhân dân là điều đáng bàn. Phần lớn số vụ việc phát hiện di sản bị xâm phạm không xuất phát từ đơn vị quản lý. Vấn đề mấu chốt cần giải quyết là phải làm sao phải để nhân dân tham gia bảo vệ di sản.

THANH TÂN
 

;
.
.
.
.
.