.

Trần Hùng John: Xuyên Việt với chiếc ví rỗng

.

Không mang theo tiền, vốn tiếng Việt không nhiều, nhưng chàng trai sinh năm 1989 đến từ nước Mỹ Trần Hùng John vẫn hai lần đi dọc đất nước hình chữ S để sống, trải nghiệm và cảm nhận về quê cha đất tổ.

Điều thú vị là anh quyết định xuyên Việt “không một xu dính túi” vì muốn “đo” lòng tốt của người Việt hiện nay.

Trần Hùng John trong buổi giao lưu với độc giả Hà Nội.  Ảnh: MAI HOÀNG
Trần Hùng John trong buổi giao lưu với độc giả Hà Nội. Ảnh: MAI HOÀNG

“Tôi là người Việt”

Sinh ra và lớn lên ở Mỹ trong gia đình gốc Việt, tuổi thơ của Trần Hùng John trôi qua thật nhanh. Khi mới 10 tuổi, Hùng John chứng kiến những cuộc cãi vã của cha mẹ, rồi đỉnh điểm là chuyện ly hôn. Từ đó, anh sống với bà ngoại, trải qua biết bao khó khăn, nhìn thấy nhiều cảnh buồn gia đình, đặc biệt là sự bê tha của người cha. Vì vậy, Hùng John phải làm nhiều nghề để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý học (ĐH Berkeley, Mỹ), tháng 8-2010, Hùng John sang Việt Nam du học theo chương trình trao đổi văn hóa. Đây là lần đầu tiên anh đặt chân đến Việt Nam.

Trước khi sang Việt Nam, hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam trong anh đều qua những lời kể của bà và mẹ. “Bố mẹ tôi sang Mỹ từ nhỏ nên trong gia đình không dùng tiếng Việt. Chỉ những khi đi thăm bà ngoại, tôi mới được nghe tiếng mẹ đẻ. Bà tôi kể nhiều về tình yêu quê hương, lòng tốt của người Việt. Và thực sự, khi du học ở Việt Nam, cảm nhận của tôi vẫn giống những câu chuyện của bà”, Hùng Jonh tâm sự.

Tháng 7-2011, anh trở lại Việt Nam, làm MC truyền hình chương trình “Góc nhìn Việt Nam”, “Một ngày làm người Việt” trên VTC10 và VTV4. Sau gần hai năm sống ở Việt Nam, tiếp xúc với nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, tháng 10-2012, Trần Hùng John khẳng định: “Dù sinh ra ở Mỹ nhưng Việt Nam chính là quê hương tôi, dòng máu của tôi là dòng máu Việt, tôi là người Việt”. Anh quyết định đi bộ xuyên Việt không mang theo tiền để tự mình cảm nhận và trải nghiệm về đất nước, con người Việt Nam. Đặc biệt, qua chuyến đi, anh còn mong muốn: “Tôi đi từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh với không một xu dính túi, chỉ đem theo niềm tin rằng lòng tốt của người Việt Nam sẽ đưa tôi tới nơi. Mục đích của tôi rất đơn giản: tôi muốn khám phá đất nước này và tìm cho ra phần “Hùng” trong con người John Hùng của tôi”.

Chuyến đi kéo dài 80 ngày. Anh học theo triết lý trong câu danh ngôn “Đừng nói với tôi bạn giỏi như thế nào, hãy kể cho tôi nghe bạn đã đi được những đâu”. Theo anh, một người đi nhiều nơi sẽ có nhiều cơ hội nhìn thấy những điều mà không cuốn sách hay bức tranh nào có thể kể và tả được, và những trải nghiệm đó có thể làm thay đổi một con người. Cuốn sách John đi tìm Hùng là kết quả của chuyến đi này.
Ngày 21-4-2013, anh tiếp tục hành trình đi bộ xuyên Việt lần thứ hai để quyên góp tiền cho các tổ chức từ thiện.

Hành trình bền bỉ đong đầy yêu thương

“Tôi mang theo một ba lô, một cái lều, một cái mũ và một chai nước (cả mũ và nước đều bị mất trên đường đi) cùng một túi đeo ngang bụng. Trong ba lô tôi mang theo ba bộ quần áo, bộ sơ cứu, một bật lửa, dao, kem chống nắng, bản đồ, sổ tay, sạc điện thoại, một đôi giày, dép tông, bàn chải đánh răng, đèn pin... Tôi không mang theo tiền vì nghĩ tiền bạc luôn làm mọi việc thêm rắc rối. Nếu mang theo tiền, tôi sẽ không thể kiềm chế và thuê phòng tại khách sạn hoặc ăn trong nhà hàng thay vì xin được chia đồ ăn cùng người khác...”, Hùng John đã bắt đầu chuyến đi như thế.

Bìa cuốn sách John đi tìm Hùng.                                               Ảnh: MAI HOÀNG
Bìa cuốn sách John đi tìm Hùng. Ảnh: MAI HOÀNG

Trong cuốn sách John đi tìm Hùng (NXB Kim Đồng, tháng 6-2013), Trần Hùng John đã kể lại chi tiết và sinh động hành trình 80 ngày xuyên Việt của mình. 13 chương sách là những câu chuyện, những trải nghiệm vô cùng thú vị mà chỉ có người trải qua mới có thể hiểu, ngấm và mô tả lại một cách sâu sắc đến vậy. Bắt đầu từ Hà Nội và đích cuối là thành phố Hồ Chí Minh, hành trình ngàn dặm với biết bao nụ cười, nước mắt, những rủi ro không mong muốn, những chuyện may mắn hiếm có, rồi cả tai nạn, sự cố và những mối hiểm nguy, hay những ngã rẽ bất ngờ đem đến những cuộc gặp gỡ kỳ lạ, đầy cảm xúc khác thường... Không chọn cách “cưỡi ngựa xem hoa”, Trần Hùng John đã hòa vào cuộc sống với người dân khắp đất nước, cùng ăn, cùng ở, sinh hoạt, lao động như một người dân Việt thực sự. Anh đã làm ruộng ở Thái Bình, Quảng Bình; làm cói ở Thanh Hóa; cắm trại ở Mũi Điện (Phú Yên)... Có những lúc không may mắn, anh cũng phải nhịn đói, nhịn khát... Thậm chí, “khi John đến Nha Trang, John bị một người đi theo rất lâu, rồi bắt ép uống phải một thứ nước có độc. Đến 2 giờ hôm sau, John sốt 40 độ và phải nhập viện làm xét nghiệm. Bệnh viện là nỗi ám ảnh, nỗi sợ phi lý nhất của John. Không những thế, John còn bị người khác nói xấu ngay trước mặt mình vì tưởng rằng John không hiểu tiếng Việt. Nhưng chuyện gì cũng đều có nhiều mặt cả. John gặp phải những người như vậy nhưng cũng có người khác xuất hiện giúp đỡ John. John muốn nói rằng, chúng ta đừng vội đánh giá ngay mà hãy tiếp xúc người ta đã”, Hùng John chia sẻ.

Đọc những điều Trần Hùng John kể lại trong cuốn John đi tìm Hùng, người đọc không chỉ được cùng anh du hành trên những nẻo đường đất Việt, với ngập tràn niềm vui, phong cảnh đẹp, con người thân thiện cùng hội ngộ với những số phận, mà còn cùng nếm trải nỗi sợ hãi trước bóng đêm mịt mùng, rơi vào cảnh không nhà không cửa để thấm thía không khí đoàn tụ, ấm áp của gia đình hạnh phúc. Hơn tất cả, người đọc sẽ thấy rằng mình phải sống sâu sắc hơn, nghị lực hơn, hữu tình hơn và trân trọng hơn cuộc sống giản dị, bình yên mà mình đang có.

Hành trình “John đi tìm Hùng” là hành trình bền bỉ nhưng đong đầy yêu thương của một chàng trai Mỹ trên đất Việt, đồng thời là hành trình tìm kiếm chính mình của một chàng trai dù được sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng không thôi tự hào về họ Trần của mình. Bởi thế, ở những dòng cuối của cuốn sách, Hùng John thốt lên: “Việt Nam giờ là quê hương, là nhà của tôi, và những con người ở đây là anh, là chị, là chú, bác, cô, dì, là bạn của tôi. Đây là nơi tôi thuộc về. Hùng đã tìm được nhà”.

Sau hai buổi giao lưu ra mắt sách tại thành phố Hồ Chí Minh (ngày 1-6) và Hà Nội (ngày 2-6), Trần Hùng John bay về Mỹ thăm gia đình. Dự kiến chuyến đi kéo dài một tháng; và tại Mỹ, anh sẽ tiếp tục vận động một số cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ dự án của anh về phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam.

Trả lời câu hỏi rằng sau khi về Mỹ thăm nhà, Hùng John cho biết sẽ quay lại Việt Nam để sống và làm việc lâu dài. Vậy khi trở lại Việt Nam, anh sẽ bắt tay làm gì? Hùng John nói: “Tôi đang làm việc với một giảng viên tại ĐH Nông - Lâm Huế để tìm cách giúp đỡ nông dân Việt Nam, như hướng dẫn họ cách chăn nuôi bò… Khi trở lại đây, tôi sẽ tập trung hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vì tôi nghĩ 70% người dân Việt Nam là nông dân, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là nông nghiệp. Tôi rất muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế những sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Tôi và nhiều người bạn đang kêu gọi sự đóng góp của những tấm lòng hảo tâm trên một trang web để có nguồn tài chính giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Việt Nam”.

Cụ thể hơn, Hùng John cũng quan tâm đến cây chè. Vì khi anh tới huyện Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), thấy giá chè ở đây rất rẻ so với ở Mỹ. Trong khi đó, việc chế biến chè lại do những công ty nước ngoài thu mua, sản xuất và đem ra nước ngoài bán với giá cao. Vì vậy, ước mơ của Hùng John là muốn cải thiện tình trạng này.

MAI HOÀNG

;
.
.
.
.
.