.
10 NĂM ĐÀ NẴNG ĐÔ THỊ LOẠI 1 (15-7-2003 - 15-7-2013)

Sống động văn nghệ Đà Nẵng

.

Nhớ lại một buổi sáng, mười năm trước

Buổi sáng của một ngày bình thường, ngày 19-9-2003, lại là buổi sáng có ý nghĩa đối với sự phát triển của thành phố Đà Nẵng. Đó là sự kiện tập thể Bộ Chính trị vào làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng sau hơn 5 năm thành phố trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương để nghe báo cáo, trực tiếp thị sát thực địa và chuẩn bị ban hành nghị quyết chuyên đề về thành phố Đà Nẵng. Hôm ấy có mặt gần như đông đủ các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước. Mọi người đều rất vui. Những vẻ mặt hồ hởi, những cái bắt tay thân tình chào hỏi, động viên khen ngợi về những thành công và chia sẻ những khó khăn sau 5 năm Đà Nẵng vận hành cỗ máy kinh tế- xã hội vốn là của một địa phương nông nghiệp, bắt đầu từ dịch chuyển theo hướng xây dựng một đô thị văn minh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tiết mục văn nghệ trong Chương trình “Đà Nẵng cất cánh bay”. 			Ảnh: THANH TÂN
Tiết mục văn nghệ trong Chương trình “Đà Nẵng cất cánh bay”. Ảnh: THANH TÂN

Không đầy một tháng sau buổi làm việc lịch sử ấy, ngày 16-10-2003, Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” về đến Đà Nẵng. Cuộc sống thành phố đã đi vào Nghị quyết của Trung ương Đảng, và, đến lượt mình, Nghị quyết lại trở về với cuộc sống thành phố.

Như một hiệu ứng năng động và phấn chấn, ngày 5-11-2003, Thành ủy Đà Nẵng ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 33, và tiếp đó, ngày 19-11-2003, Chương trình hành động của Thành ủy ra đời với 12 chương trình trọng tâm nhằm tập trung sức triển khai toàn diện các nội dung được đề ra trong Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị.

Cũng trong năm 2003, đúng vào thời điểm kết thúc trọn vẹn một năm công tác, ngày 30-12, tại quảng trường Nhà hát Trưng Vương, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ công bố Quyết định số 145 của Thủ tướng Chính phủ công nhận Đà Nẵng là đô thị loại 1. Đà Nẵng được định danh không chỉ là một trong 4 thành phố lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm ấy, mà còn là đô thị hạt nhân của miền Trung trong thời kỳ phát triển mới.

Những dấu mốc ấy trở thành “cú hích” cho chặng đường 10 năm phát triển đầy ấn tượng mà ngày hôm nay người dân thành phố đang chứng kiến. Đó là 10 năm phấn đấu nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân thành phố quyết tâm xây dựng Đà Nẵng thành một đô thị văn minh, hiện đại. Cùng với môi trường kinh tế, môi trường đầu tư phát triển năng động, thông thoáng, môi trường văn hóa cũng phát triển lành mạnh, sôi nổi, đều khắp trên các địa bàn. Trong nỗ lực chung đó, văn học nghệ thuật thành phố cũng đã phát huy vai trò của mình trong đời sống tinh thần của nhân dân, tạo điều kiện để nâng cao đồng đều mức hưởng thụ văn hóa-văn nghệ của công chúng các khu vực, nhất là đồng bào vùng nông thôn, miền núi.

Không khí sinh hoạt văn hóa, văn học-nghệ thuật sôi động

Đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật đô thị ngày càng yêu cầu cao, buộc các nhà văn, nhà thơ, các tác giả sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa và đội ngũ văn nghệ sĩ nói chung không thể dừng lại ở cách làm cũ, cách tiếp cận hiện thực như trước mà phải luôn cập nhật năng động. Nhiều tiết mục, chương trình mới đã được dàn dựng với các loại hình ngày càng phong phú, đa dạng, đòi hỏi kỹ thuật ngày càng cao. Anh chị em diễn viên thành phố phối hợp với các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung ương và thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội tham gia biểu diễn những chương trình nghệ thuật có quy mô lớn và các loại hình nghệ thuật tổng hợp. Những năm gần đây, những sự kiện có tầm cỡ của thành phố đã được giới văn nghệ tham gia đông đảo và tạo nên những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật lớn như các Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, các cuộc thi ảnh và triển lãm ảnh nghệ thuật, triển lãm mỹ thuật, ngày hội sách, v.v… Một hoạt động đáng lưu ý và cần được tiếp tục phát huy, đó là sự kiện âm nhạc đường phố, đưa sinh hoạt âm nhạc đến với công chúng rộng rãi, góp phần tạo không khí sinh hoạt văn hóa, văn học-nghệ thuật sôi động trên toàn địa bàn thành phố.

Anh chị em nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Ca múa nhạc thuộc Nhà hát Trưng Vương, các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã góp phần tích cực trong việc tạo không khí nghệ thuật sôi động không chỉ vào các dịp lễ, Tết mà cả những sinh hoạt thường xuyên, trong đó có cả việc phục vụ quảng bá du lịch thành phố.

Các phương tiện truyền thông đại chúng trên địa bàn thành phố, nhất là Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng, Báo Công an thành phố Đà Nẵng đã kết hợp khá chặt chẽ với Liên hiệp các hội Văn học-nghệ thuật thành phố và các Hội chuyên ngành nhằm quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, đưa văn học nghệ thuật đến với công chúng.

10 năm qua, các đội thông tin tuyên truyền lưu động của một số cơ quan doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, nhất là các quận, huyện, các đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở đã thực sự nuôi dưỡng sức sống của phong trào văn nghệ quần chúng, góp phần tích cực động viên nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Phấn đấu xây dựng những tác phẩm có giá trị về thành phố Đà Nẵng

Chương trình hành động của Thành ủy Đà Nẵng về thực hiện Nghị quyết 33 có nhận định hoạt động văn hóa-văn nghệ phát triển chưa mạnh, chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế, và yêu cầu phải có những tác phẩm có giá trị tư tưởng nghệ thuật tương xứng với bề dày truyền thống và thực tiễn phát triển sôi động của thành phố. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 33, văn nghệ sĩ thành phố lại được tiếp sức thêm bởi Nghị quyết 23 năm 2008 của Bộ Chính trị (khóa X) “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo thành phố, văn học-nghệ thuật của thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đúng hướng và có những bước chuyển mình toàn diện. Đề tài lịch sử chiến tranh cách mạng được đi sâu khai thác với cách nhìn mới; đặc biệt là từ khi thành phố trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, tiếp đó là trở thành đô thị loại 1 cấp quốc gia; đề tài xây dựng quê hương mới được thể hiện khá đồng đều trên các loại hình nghệ thuật. Các tác phẩm đã bám sát thực tiễn sinh động của thành phố, phản ánh đậm nét bước khởi sắc của thành phố đồng thời khắc họa những giá trị truyền thống lịch sử và cách mạng của thành phố Đà Nẵng nói riêng và Quảng Nam-Đà Nẵng nói chung. Bên cạnh bút pháp truyền thống, nhiều tác giả đã mạnh dạn đào sâu nghiên cứu thể nghiệm phong cách mới, đáp ứng thị hiếu thưởng thức nghệ thuật được nâng cao của một bộ phận công chúng. Lĩnh vực lý luận phê bình được chú ý đi sâu nhằm đúc kết và định hướng sáng tác. Công tác nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian được chú ý. Nhiều công trình nghiên cứu sưu tầm khá đồ sộ của tập thể và cá nhân được ra mắt độc giả. Công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ trong và ngoài nước cho hội viên được quan tâm. Văn học-nghệ thuật ngày càng hiện diện trong đời sống tinh thần của thành phố, nhất là các sự kiện chính trị, xã hội, văn hóa lớn như những ngày kỷ niệm lịch sử, những lễ hội lớn như lễ hội du lịch, những cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, v.v… Vai trò người nghệ sĩ và trách nhiệm công dân ngày càng được xác định rõ.

Về thành tựu, có thể nói qua 10 năm phấn đấu cần mẫn, nghiêm túc trong công việc sáng tác, hầu hết anh chị em văn nghệ sĩ thành phố đều có những thành phẩm cụ thể để “trình làng”, không phải chỉ là những dự định và những lời hứa suông. Trong một bài viết gần đây, nhà thơ Thanh Quế, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam-Đà Nẵng đã làm một bản “thống kê” khá toàn diện về thành tựu sáng tạo của văn nghệ sĩ Đà Nẵng: “Tôi đã được đọc, được xem hàng trăm tác phẩm thuộc các thể loại văn học-nghệ thuật của anh chị em văn nghệ sĩ Đà Nẵng trong mười năm qua. Đến nay, tôi vẫn còn nhớ đến nhiều tác phẩm và tác giả. Đó là tiểu thuyết Kỳ nữ họ Tống của Nguyễn Văn Xuân; Trùng tuMinh sư của Thái Bá Lợi; Nội tôi của Bùi Tự Lực; Chớp mắt đời người của Đoàn Xoa. Các tập thơ: Nỗi lan tỏa của ngày của Nguyễn Kim Huy; Khúc hồi âm của lá của Nguyễn Nhã Tiên; Chân trời của Nguyễn Minh Hùng; Động và Tĩnh của Bùi Công Minh; Nắng trên đồi của Nguyễn Nho Khiêm; Lặng lẽ tường đá ong của Ngân Vịnh; Dệt của Nguyễn Thị Anh Đào. Các tập lý luận phê bình văn học: Cảm nhận văn chương - Ngôi thứ tư số ít của Nguyễn Minh Hùng; Thu Bồn, nhà thơ trữ tình đất Quảng của Nguyễn Kim Huy... Những tác phẩm tranh, tượng: Chung sức sau bão của Hồ Đình Nam Kha; Bản sắc Nam miền Trung và Tây Nguyên của Nguyễn Tường Vinh; Ngày mùa của Vũ Dương; Phút nghỉ bên suối của Mai Ngọc Chính; Khát vọng mùa xuân của Phạm Hồng... Các bản nhạc: Sông Hàn của Phan Ngọc; Tình yêu Đà Nẵng của Trần Ái Nghĩa; Sông Hàn trong tôi của Thái Nghĩa; Đà Nẵng tình người của Nguyễn Đình Thậm. Các tác phẩm nghiên cứu âm nhạc: Nhạc đàn kịch dân ca của Trần Hồng; Ca nhạc bài chòi - Ca nhạc kịch hát bài chòi của Trương Đình Quang. Kịch bản sân khấu: Đất thì thầm của Hồ Hải Học. Kịch bản múa Một thời và mãi mãi của Lê Huân, Hồng Hà, Bá Thái. Các bức ảnh: Nắng chiều của Hồ Xuân Bổn; Tiếng trống khai hội của Phùng Đức Dũng; Tình mẫu tử của Phạm Huy Đằng; Lung linh sông Hàn của Ông Văn Sinh; Nâng cấp đường làng của Thân Nguyên. Kịch bản phim Người giữ thành Hà Nội của Huỳnh Hùng; Mẹ rừng của Trương Vũ Quỳnh - Hoàng Tùng; Nhớ đảo của Huỳnh Yên Khê; Trang đời huyền thoại của Huỳnh Hùng, Trí Trung, Rạng Đông. Các tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm văn học dân gian: Văn nghệ dân gian đất Quảng của Võ Văn Hòe, Hoàng Hương Việt, Bùi Văn Tiếng; Chuyện làng nghề đất Quảng của Phạm Hữu Đăng Đạt. Tác phẩm: Quy hoạch thiết kế cảnh quan đường Bạch Đằng Đà Nẵng của Nguyễn Văn Chương. Những tác phẩm của các văn nghệ sĩ tôi vừa kể trên cùng với nhiều tác phẩm mà tôi không nhớ hết đã được trao giải trong các cuộc thi ở Trung ương và địa phương, của các hội chuyên ngành và Liên hiệp các hội Văn học-nghệ thuật Đà Nẵng, của UBND TP. Đà Nẵng (5 năm 1 lần), của các hội chuyên ngành Trung ương, của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam”. Đó là những thành quả sáng tạo cá nhân. Đáng chú ý là những công trình tập thể có giá trị như Tổng tập văn hóa, văn nghệ dân gian đất Quảng (5 tập), Nhà văn Đà Nẵng đương đại, Thơ Đà Nẵng 1997-2012, Mỹ thuật Đà Nẵng 1997-2007, Nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng 10 năm, các tác phẩm sân khấu tiêu biểu, các tác phẩm điện ảnh được giải, các tuyển tập thơ, ca khúc và tác phẩm khí nhạc, các tuyển tập sáng tác và lý luận phê bình trên các loại hình văn học và nghệ thuật, các đồ án kiến trúc có tầm cỡ, v.v... Gần đây, văn nghệ sĩ đã sôi nổi hưởng ứng cuộc vận động “Sáng tác và quảng bá tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh” và “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh” thông qua các chuyến đi thực tế, tham dự nhiều cuộc thi sáng tác, xuất bản tập thơ, xây dựng kịch bản múa...

Điều cần khẳng định sau 10 năm, đó là sự trưởng thành và lớn mạnh về tổ chức và đội ngũ.  Sau ngày chia tách từ Hội Văn học-nghệ thuật tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Hội Liên hiệp Văn học-nghệ thuật thành phố Đà Nẵng (nay là Liên hiệp Hội) đã không ngừng phát triển về tổ chức với việc hình thành đủ 8 hội chuyên ngành vào năm 2001. Và đến năm 2007, với sự ra đời của Hội Điện ảnh, văn học nghệ thuật Đà Nẵng có đầy đủ 9 Hội chuyên ngành: Văn học, Âm nhạc, Sân khấu, Múa, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Điện ảnh, Kiến trúc, Văn nghệ dân gian. Số hội viên các hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp Hội hiện nay là trên 930 người, trong đó có 337 hội viên thuộc các hội chuyên ngành Trung ương, có 3 NSND và 35 NSƯT. Bên cạnh số hội viên đã trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến và hơn 30 năm xây dựng hòa bình, đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ sinh sau 1975, kể cả thế hệ sinh những năm 80, 90 thế kỷ trước cũng đã dần khẳng định mình và tham gia các tổ chức hội, tạo nên sức trẻ cho văn học nghệ thuật thành phố. Họ cũng sẽ là những người chủ công bước tiếp những chặng đường 10 năm tiếp theo.

Những điều còn trăn trở

Trở lại với những nội dung được đề ra trong Chương trình 6 của Thành ủy Đà Nẵng (trong Chương trình hành động chung nhằm thực hiện Nghị quyết 33) về Phát triển văn hóa, văn học-nghệ thuật và xây dựng nếp sống văn minh đô thị phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội và vị thế mới của Đà Nẵng,  giai đoạn 2005-2010, có thể thấy chúng ta đã làm được nhiều việc nhưng cũng còn rất nhiều việc phải làm.

Về phía lãnh đạo, phải nói rằng mối quan tâm đối với văn nghệ ngày càng cụ thể hơn, bớt chung chung, hiểu thấu đáo hơn lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ. Có nhiều chính sách đề ra chứng tỏ sự “mạnh tay” của thành phố, như việc tăng thêm 50% giá trị giải thưởng cho các tác giả đạt giải quốc gia quốc tế; một số hoạt động có tính thường xuyên hằng năm như gặp mặt văn nghệ sĩ, thăm hỏi động viên các văn nghệ sĩ lão thành được nhận các danh hiệu cao quý và giải thưởng Nhà nước; việc đầu tư cho hoạt động sáng tạo và đi thực tế của các hội chuyên ngành cũng được quan tâm hơn. Cơ quan thường trực của Liên hiệp hội được đầu tư cải tạo khang trang hơn…

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra sau 10 năm là nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng của thành phố về vị trí, vai trò và những đóng góp của văn học-nghệ thuật trong toàn bộ hoạt động của thành phố chưa thật đúng tầm. Trong 3 “chân kiềng”: kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, xem ra nhận thức chưa được đồng đều, đồng bộ. Một số chế độ chính sách còn cũ kỹ, lạc hậu, chậm điều chỉnh, chậm đổi mới, chưa tương xứng với đổi mới tư duy về phát triển kinh tế thành phố. Có những đề xuất hoạt động rất có lợi cho việc quảng bá hình ảnh thành phố thông qua con đường văn học-nghệ thuật rất hữu hiệu nhưng chưa được xem xét giải quyết. Chương trình 6 cũng đã đề ra nhiều chỉ tiêu và mục việc rất cụ thể. Đến nay có việc đã hoàn thành, có việc đang tiếp tục, có việc còn xa xôi. Một số thiết chế văn hóa có tầm cỡ để Đà Nẵng xứng đáng là đô thị hạt nhân như: Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng dân tộc học, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh của Đà Nẵng và khu vực miền Trung-Tây Nguyên đặt tại Đà Nẵng, đến nay vẫn dừng ở ý tưởng. Ngay như quy định “hằng năm thành phố cần đầu tư một khoản kinh phí thích đáng để chọn mua các tác phẩm nghệ thuật có giá trị để lưu giữ, tránh thất thoát” cũng thể hiện sự “sốt ruột” của các đồng chí lãnh đạo, nhưng kinh phí khó khăn hạn hẹp cũng làm cản trở rất lớn mục tiêu mà chúng ta đặt ra. Những vấn đề khác được nêu trong Chương trình hành động như xây dựng Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học-nghệ thuật của thành phố, đề án Xây dựng Nhà sáng tác cho văn nghệ sĩ thành phố, v.v… cũng chưa thực hiện được. Trong vấn đề đào tạo tài năng văn học-nghệ thuật, thành phố cũng cần quan tâm cho chỉ tiêu ngân sách thành phố đào tạo  trong nước và nước ngoài đối với các em có năng khiếu về văn học nghệ thuật (như với các ngành kinh tế xã hội khác)

Đối với bản thân văn học-nghệ thuật, mỗi kỳ đại hội, mỗi dịp tổng kết, nhất là những dịp tổng kết lớn như lần này, anh chị em văn nghệ sĩ luôn cảm thấy còn nhiều “món nợ” lớn đối với thành phố đã quan tâm đầu tư, động viên mình, thậm chí là nguồn nuôi dưỡng tinh thần, nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo cho mình. Sau hơn gần 40 năm xây dựng quê hương, với những biến đổi to lớn, vẫn chưa có những tác phẩm xứng đáng với tầm vóc truyền thống hào hùng của thành phố trong lịch sử đấu tranh cách mạng và trong sự nghiệp đổi mới, nhất là giai đoạn từ sau chia tách 1997 đến nay. Tác phẩm thì vẫn có nhiều, nhưng để đứng vào “bảng xếp hạng” của cả nước thì còn là cả một chặng đường dài phấn đấu.

Thời gian không chờ đợi một ai. Mới đó mà đã 10 năm trôi qua. Và những-mười-năm tới lại chờ đợi, lại hy vọng. Tất cả phụ thuộc vào sức mạnh của khối óc, trái tim và nhiệt huyết của con người, vì một thành phố văn minh, thân thiện, đáng sống.

BÙI CÔNG MINH

Chủ tịch  Liên hiệp các Hội VH-NT thành phố Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.