Có những lúc chúng ta không biết nương tựa vào điều gì, ta thường nương tựa vào một cái vỉa hè. Nơi đó không thuộc về ai, nên an nhiên vỗ về cho tất cả. Ngoài phố xe vẫn chạy, người hối hả. Chỉ có bạn dừng lại, nghỉ mệt và nhìn ngắm. Vỉa hè bao dung cho mọi kiếp người…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
1. Ở Sài Gòn có một quán cà-phê vỉa hè giàu có. Ngọc, bà chủ quán, bán ở đường Nguyễn Huệ dễ cũng hai chục năm. Trên là những tòa cao ốc tài chính, ngân hàng, khách sạn, shop hàng hiệu của khu phố trung tâm, dưới có quán cà-phê của Ngọc.
Ngọc cùng chồng có một chiếc xe hơi 16 chỗ để đựng đồ đạc và những món thức uống dự trữ, như chiếc kho di động. Nhờ cái quán cà-phê vỉa hè này mà Ngọc mua được nhà ngang dãy dọc, cho thuê kiếm tiền, còn hằng ngày vẫn ra vỉa hè bán cà-phê cóc. Quán của Ngọc bán cà-phê, các loại nước đóng chai, và cả thuốc lá, mì gói, thường trên dưới 10.000 đồng/món. Khách nước ngoài đi qua quán Ngọc thường ghé lại, chỉ trỏ hỏi han. Ngọc hay giơ những chai rượu rắn ngâm ra và nói tiếng Anh bồi “snake wine, good sex, buy it” (tạm dịch rượu rắn, cường dương, mua đi). Khách Tây cười rũ, khách ngồi quán cũng cười rũ. Nhưng lâu ngày thì thành quen, vắng cái giọng khàn đặc của Ngọc lại rất nhớ. Chúng tôi vẫn hay ngồi ở quán này, có khi là ban sáng, khi những nhân viên ngân hàng hối hả vào ca, có khi là ban chiều, khi những bà mẹ rời sở hối hả đi đón con, và có khi là lúc giữa khuya, cả đám đi làm ra ngồi đó bàn luận về đủ thứ trên đời và kê ghế húp xì xụp một tô mì gói không người lái.
Phước, nhà biên kịch, có thâm niêm lâu năm với mái hiên này, ăn đến cả ngàn gói mì lúc khuya ở quán của Ngọc. Phước là một con nghiện phim ảnh, có thể nhịn ăn nhưng không thể nhịn xem phim. Phước sống chủ yếu trên những vỉa hè Sài Gòn, tìm bạn tâm giao cũng từ đó. Phải ai hiểu và sẻ chia lắm mới chấp nhận được tính cách dị thường của Phước. Tóc để dài, râu cũng dài, hay mặc áo cổ Tàu cài khuy gỗ, trong ba lô của Phước không có gì ngoài báo và những đĩa phim. Phước tròn 40, chưa lập gia đình, sống trong căn nhà trọ bề bộn sách và phim, toàn những món mà mở cửa cả ngày kẻ trộm cũng không hề muốn lấy. Phước bỏ quên vỉa hè quán của Ngọc hai tháng, vì bận làm phó đạo diễn cho một phim lớn. Ngày trở lại, Phước và Ngọc tay bắt mặt mừng rơm rớm lệ, như thể bạn lâu năm chưa gặp mặt. Mỗi năm, Phước nhập thất một lần, theo chu kỳ là nhịn ăn cả tháng, chỉ uống nước suối thôi. Những dịp đó, Ngọc thường bán nước chanh cho Phước uống cầm hơi, đồng thời tặng thêm một ly nước lọc... Cũng từ Phước, mà chúng tôi thành thói quen ngồi quán của Ngọc. Không phải chỉ những món đồ uống rẻ tiền, mà vì một cảm giác đô thị lượt qua nhịp chân mình, tưởng vội mà thanh thản…
2. Người ta có thể yêu nhau, cưới nhau và rồi bỏ nhau, nhưng người ta sẽ không thể bỏ được quán xá vỉa hè mà mình quyến luyến. Sài Gòn có những quán cà-phê như thế. Trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3 có quán cà-phê vỉa hè, trong hẻm vào nhà Trịnh Công Sơn. Buổi sáng ở đó có đủ loại người. Ai đến đó cũng có một tờ báo để đọc, hoặc Ipad để lướt. Chủ quán lạnh lẽo, pha cà-phê tính tiền với đôi mắt không biểu hiện tức giận hay vui mừng. Nhưng không ai quan tâm tới ông hay đôi mắt ấy, bởi những người đến quán như một cái cớ hội ngộ mà thôi.
Tôi có hai người bạn, quen nhau qua việc trao đổi thư từ từ lúc sinh viên, cũng hay gửi thơ cho nhau ở quán cà-phê này. Bạn gọi là cà-phê hẻm Trịnh. Hai đứa yêu nhau lắm, tình cảm cuồng nhiệt và dường như khi yêu không sợ đất cũng chẳng sợ trời. Ra trường, họ đi làm rồi nhưng hằng sáng vẫn cố qua đây gặm bánh mì và uống cà-phê đọc báo. Hai đứa chăm sóc cho nhau theo kiểu sinh viên thêm hai năm nữa thì cưới. Đám cưới độc đáo, cô dâu chú rể thay vì nổ sâm banh đã cụng nhau hai ly cà-phê mua từ hẻm Trịnh. Câu chuyện về “cặp đôi hoàn hảo” bạn tôi được đồn thổi rất nhiều, với những dị bản khác nhau. Và thường thì người khác kể lại họ như những kẻ biến thái. Nhưng với tôi, đó là hai con người hồn nhiên còn sót lại của Sài Gòn.
Có lẽ vì quá hồn nhiên và không chấp nhận được ràng buộc, mà cưới nhau hai năm, họ không kèn không trống ra tòa để bỏ nhau. Lại ai ở nhà đó, cơm ai nấy ăn, nhưng sáng sớm chàng vẫn chở nàng ra hẻm Trịnh, uống với nhau một ly cà-phê, rồi ai đi đường áo cơm của người ấy. Cho đến một ngày, nàng theo gia đình qua Mỹ định cư. Quán cà-phê chỗ ngồi vắng người. Chàng ngồi buồn mắt xa xăm, như đánh mất một cuộc tình trăm năm…
3. Vỉa hè Sài Gòn cái gì cũng có, từ kim khâu đá lửa cho đến… kim cương. Ngay bên hông những khu mua bán cao cấp luôn là những tiệm đồ nhỏ xíu nhưng chứa vàng ròng dành cho những khách sành chơi. Ở bên hông khu mua sắm Vincom, có một tiệm chuyên bán những cặp kính hàng hiệu cao cấp, được bán với giá bằng một nửa trong cửa hàng. Được “điểm chỉ” từ mạng Internet, rất đông khách Tây tìm đến cửa tiệm này tìm kính. Chủ tiệm tên Toàn, sành thời trang hơn cả giám đốc công ty phân phối hàng hiệu, bán hàng không cho trả giá, biết lựa khách mới đem hàng ra. Ngay góc Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn có một tiệm sách báo ngoại văn. Ông chủ tên Đức, có nguồn mua phong phú đến mức tất cả các tiệm sách báo ở Sài Gòn không thể bì được. Dường như bất cứ cuốn tạp chí nào nổi tiếng, những ấn phẩm đặc biệt, hay những cuốn sách quý và mới, Đức đều có thể kiếm được. Và những mối ruột mua sách báo của Đức đều thuộc diện “đầu có sỏi”, luôn tìm kiếm những thứ mới mẻ mà Internet chắc chắn không bao giờ kiếm ra…
Trên vỉa hè đường Pasteur, quận 3 có quán cà-phê dành cho những người mất ngủ. Quán tên Thức. Cà-phê ngon, giá bèo, không bao giờ đóng cửa. Rất nhiều tay cá độ đá banh cũng ngồi thiền ôm Ipad, nhiều ông lại mang sách ra đọc, mà là sách tiếng Anh dạy chuyện thánh hiền. Sẽ rất khó phân loại khách vào những quán cà-phê đặc biệt như thế này. Nhưng nó lại là một dấu ấn đáng nhớ.
Lan man chuyện vỉa hè làm tôi nhớ tới Toại Nguyễn, cậu sinh viên báo chí năm nào, nay đã là Giám đốc công ty truyền thông Nhịp sống Sài Gòn tâm sự, anh lấy tên công ty như thế này vì anh yêu cuộc sống của Sài Gòn, mọi việc xuất phát từ một lần anh đi làm phóng sự ảnh về cuộc mưu sinh trên vỉa hè. Lần đó, qua con đường Nguyễn Thị Nghĩa, ngay bên hông khách sạn 5 sao New World và tòa tháp tài chính AB, anh gặp một ông già ngủ gục trên chiếc xe xích lô, người đắp nhẹ một chiếc áo mỏng. Bức ảnh ghi lại hình ảnh tương phản sắc nét đó đã được đăng trên Báo Tuổi Trẻ, cùng những góc cạnh khác về nhịp sống trên vỉa hè Sài Gòn. Không ngờ đó cũng là lần cuối cùng anh gặp ông già chạy xích lô trong tấm ảnh đó. Lần sau anh ghé lại Nguyễn Thị Nghĩa, chỗ chiếc xích lô trống huơ rồi. Người ta nói, đó cũng là ngày cuối cùng ông già sống trên đời. Toại nói, đó là những kỷ niệm anh không bao giờ quên, để yêu nhiều hơn thành phố của mình…
Đường Nguyễn Thị Nghĩa về đêm bây giờ vẫn mang một sắc thái tương phản rõ nét. Đối diện quán cà-phê Starbucks nổi tiếng và quán bar lưng chừng trời Chill Sky là dãy vỉa hè bán buôn ồn ã. Bên cạnh những nhà hàng đắt giá của khách sạn New World là những quán ăn giá bình dân, có món lẩu cua ngon thắc thỏm, nơi tụ hội của giới nghệ sĩ, đặc biệt là những cô gái “chân dài”…
4. Người Sài Gòn mưu sinh ở vỉa hè và đặt niềm tin tâm linh ở chính nơi mình làm việc. Vào ngày cúng ông địa, đi bất cứ đâu cũng sẽ gặp những mâm cúng thần tài. Sang thì có bàn thờ, mâm trái, nghèo thì bày ngay trong quầy hàng, khấn vái rất thành tâm. Vỉa hè đường Nguyễn Trãi, quận 1, ngay đầu hẻm của Báo Cảnh sát toàn cầu, có một chú thợ may. Chú này làm việc cần mẫn không quản nắng mưa. Chú đặt chiếc máy may bên cạnh gốc cây, sửa những chiếc quần jean cho khách hàng, kiếm vài chục bạc lẻ mỗi ngày. Hiếm khi thấy chú vắng mặt, trừ mấy ngày Tết. Chú cúng ông địa bằng một chiếc lư hương bé xíu được đính chặt bằng keo trên chiếc máy may. Ngày mùng hai, mười sáu, mùi hương chú thắp nồng cả một góc phố. Thoạt đầu thấy dị dị, nhưng lâu dần thấy ấm áp, thân quen…
Có những câu chuyện vỉa hè Sài Gòn kể hoài không hết. Vỉa hè là nơi tôi đã sống, đã lê lết cùng nó nhiều ngày, nơi tôi bỏ trốn những bữa tiệc buffet 5 sao để ra đó ăn mì gói, nơi tôi trốn những ồn ào hò hẹn để được nhìn mọi thứ chậm lại, nơi tôi và bè bạn gặp nhau chỉ để kể những chuyện khiến nhau ấm lòng. Vỉa hè Sài Gòn, nơi tôi từng chứng kiến cảnh người ta vác dao rượt nhau rùng rợn như trong phim. Nhưng cũng vỉa hè Sài Gòn, tôi thường gặp nhiều hơn hình ảnh cần lao thanh thản. Một Sài Gòn tất bật, nhưng cũng thật nhẹ nhàng.
Vỉa hè Sài Gòn, nơi nương tựa của những tâm hồn đi lạc…
DƯƠNG BÌNH NGUYÊN