.
Cafe Sáng

Nhà văn & nhà sách

.

1. Nhà văn còn gọi là người viết. Nhà sách còn được ví là đầu nậu. Tiếng Việt rất hay và lạ! Anh cũng chưa hiểu rõ từ “nậu” lắm! Chỉ hơi manh nha cảm giác “treo đầu dê bán thịt chó” hay “mượn đầu heo nấu cháo”. Không biết hiểu vậy có đúng không? Dê, chó hay heo đều không đúng với một trường hợp. Đó là người bạn anh viết trong chuyện này. Bởi y rất người, thậm chí là quá người. Y mê sách đến độ nghiện. Lại nữa, y cũng nhấm vào cái độ viết lách từ khi còn trẻ, rất trẻ. Yêu văn đến mức độ tôn thờ và thành kính. Nói chung, nếu chích máu đem đi xét nghiệm thế nào cũng nhiễm virus văn chương. Mà virus này biểu hiện thế nào nhỉ? Người lờ đờ, phẳng lặng, như một con sông trôi nghiêng bình thản. Chỉ khi nào bàn đến, đụng đến chuyện sáng tạo, viết lách, chữ nghĩa... mới thức tỉnh, sôi trào, lăn tăn, lấp lánh từng con sóng to, nhỏ. Càng nói, càng say, càng tập kích những mũi vu hồi, phản công rất có đỉnh và có nghề. Văn chương đã làm y tươi tỉnh như một súc gỗ bỗng nở hoa. Như một gã hấp hối muốn chết vì cuộc đời nhạt nhẽo, buồn thảm bỗng nhiên được uống nước thánh. Y là thế!

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

2. Và trớ trêu thường xảy ra trong tình yêu. Thứ gì mê quá lại hóa thành nô lệ. Như y, tên bạn anh, đọc nhiều, có ngoại ngữ - đặc biệt giỏi tiếng Pháp, viết văn có cá tính, đời sống thăng trầm nhiều trải nghiệm nhưng khi cầm bút lại rất dè dặt, cảnh giác. Đó là nghịch lý, nhưng lại rất thường thấy đối với những tín đồ chữ nghĩa. Khi yêu một cái gì đó quá mức, ta đâm ra có một khoảng cách thành kính với nó. Ví như người con gái mình yêu quá thì xem nàng châu ngọc. Và y, mon men vào chốn xuất bản như tìm một hương liệu cho chính mình. Đỡ đầu những tác phẩm của anh em, bạn bè văn chương viết mà y đọc thấy hay, thấy thích. Âu đó cũng là một dạng của tình yêu.

3. Không thể kể hết tên những tác phẩm và tác giả y đã chăm sóc tận tình cho tác phẩm đầu tay. Với sự tinh nhạy, một cảm quan chữ nghĩa đặc biệt, y đã đánh hơi được mùi văn, ước tính được sự tỏa hương cũng như sức lan xa, ảnh hưởng của tác phẩm. Thường đối với một người làm sách, thụ cảm được vấn đề này cực khó. Nó như người đi biển với con thuyền nhỏ ra giữa đại dương nhìn màu nước, nền trời, bọt tăm, rong rêu để đánh hơi từng luồng cá, và phải hết sức tinh nhạy nếu không muốn về không. Văn chương cũng mù tăm, đường chim bóng cá như thế. Và thật ngạc nhiên, những tác phẩm qua tay y sau khi kiểm nghiệm, xuất bản đều là những hiện tượng, thành công vang dội. Có nhiều cuốn sách đã lăn lóc qua không biết bao nhiêu nhà xuất bản, nhà sách bị vứt long lóc tưởng là giấy vụn khi đến tay y bỗng nở hoa trên tay. Một đời văn bỗng phát sáng như ngọc bội trong khi trước tối đen như ổ khóa đeo trước hầm mộ.

Cái nghề chữ cũng đặc biệt như vậy! Cả nhà văn và nhà sách. Hình như đều phải có duyên. Nó cần một con mắt xanh của kẻ đọc nhà nghề và cả bàn tay mát vía của bà đỡ. Khi cả hai tìm thấy nhau vừa vặn và tương hợp, sẽ kéo theo những trận núi lở.

4. Và nghề nào cũng lắm nhiêu khê. Không phải cuốn sách nào y cảm nhận hay là hay! Đôi khi y phải tự cắn vào chính đuôi mình. Nhiều cuốn sách y chăm chút, đầu tư rất nhiều lại chẳng ai thèm đọc. Và cái nghề nhà sách này càng đi càng thấy chông chênh. Tất nhiên, chỉ chông chênh, chống chếnh khi anh ôm ấp mãi tình yêu nồng nàn với văn chương, với những trang viết đầu tay, với ước mơ đưa ra ánh sáng những viên ngọc. Khi ném lao phải theo lao. Phải đuổi theo doanh thu, lời lỗ, y bỗng hóa “nậu” lúc nào không hay! Càng sống càng giản đơn và bạc bẽo hằn đi! Phải có chiêu chước, tí ma, tí điếm mới đi ngỏ đón tắt được. Tóm lại là mưu mô và thủ đoạn. Nó giết chết trái tim văn nhân hậu trong tâm hồn y từ bao giờ... Khi y nhận ra thấy thời gian xoáy trên đầu như núi lở...

5. Cũng rất lâu bọn anh mới có dịp ngồi lại với nhau. Trên tay những ngọn gió và tâm hồn cũng đầy gió. Đến một tuổi nhìn thấy thứ gì cũng huyền hồ, ảo mộng. Nhưng cũng chính vì thế mà “về thu xếp lại”.

Y muốn chấm dứt nghiệp “nhà sách” của mình để quay lại với “nhà văn”. Một cách nào đó trước đây “buôn chữ”, bây giờ “viết chữ”. Việc đổi vai nhiều khi cũng như đổi những ngọn gió trong cuộc đời vậy. Thành hay bại đều cơ duyên.

Anh lại nhớ những truyện ngắn hồn vía, những trang dịch tài hoa của y. Những cuộc rượu cách đây mười năm uống nghiêng đêm để chỉ bàn cho ra nhẽ cái hay của một câu thơ.

Người như thế làm gì cũng khó ra khỏi vận chữ, nghiệp chữ...

Đêm đã quá khuya. Bọn anh rời quán rượu đi tìm một ly đen. Màu cà-phê và màu gót giày thẫm vào nhau. Mòn vẹt. Tâm hồn vỡ nhiều góc và trái tim cũng sứt mẻ vì đạn đời và đạn chữ!...

Anh nhìn lên bầu trời. Thấp thoáng một vì sao đổi ngôi. Tan vụn vào bóng đêm. Sao lạc...

Vũ trụ còn thế huống hồ sách, văn...

ĐÔNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.