* Thưa ông, đời sống mỹ thuật vẫn chứng kiến nhiều triển lãm cá nhân và nhóm, nhưng dường như chưa tạo thành khuynh hướng mới để mở ra những trang mới của mỹ thuật Việt Nam?
“Đời sống văn nghệ cần sự trung thực, sòng phẳng của luật pháp chứ đừng biến thành cách cư xử cảm tính, ăn xổi, đuổi theo vụ việc để quản lý. Cho nên, theo tôi, đã đến lúc chúng ta cần một luật chung cho văn học nghệ thuật”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, nguyên phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương nói. |
- Sự xuất hiện những câu chuyện mới của đời sống nghệ thuật cho chúng ta cảm giác nhanh hơn, nhưng sự bền vững của nó làm chúng ta băn khoăn hơn. Nếu trong giây khắc ta có thể thích một bức tranh, nhưng không bền, thậm chí ngay ngày hôm sau đã không còn thích bức tranh đó nữa. Bởi bản thân những người nghệ sĩ mà ta hy vọng, họ cũng chỉ cố sức lên được một chút như thế, rồi khựng lại. Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, các họa sĩ thông qua các triển lãm mỹ thuật vẫn chưa đủ sức mở ra trang mới của mỹ thuật Việt Nam. Tôi cho rằng, điều đó cũng là… đương nhiên. Nếu không có bức tranh ảm đạm thế này của mỹ thuật thì không bao giờ có sự lật trang ngoạn mục. Tiếc là giờ nó vẫn chưa tới đáy, hiện nay nó vẫn mù mờ. Tôi nghĩ bây giờ vẫn chưa hội đủ nội lực để tạo nên sứ mệnh mới của những người trẻ tuổi.
* Bức tranh ảm đạm của mỹ thuật đã góp thêm vào sự ảm đạm của đời sống văn nghệ Việt Nam. Người ta thấy cần phải thay đổi, giờ ông lại cho đó là sự đương nhiên và cần phải tiếp tục bế tắc hơn để… chạm đáy?
- Đúng vậy. Tôi cho là phải có sự bế tắc và khủng hoảng ấy để cho thấy đã đến lúc phải đọc vị lại bức tranh toàn cảnh văn nghệ nước nhà một cách chuẩn xác nhất. Tôi thích nó xuống tới đáy, phải chạm đáy, bởi nếu không xuống tới đáy thì chúng ta không có cách gì để giải quyết triệt để.
* Nhưng thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, bức tranh văn nghệ ảm đạm như hiện nay có một phần trách nhiệm của các nhà phê bình?
- Chúng ta đang quá thiếu vắng phê bình. Đây là căn bệnh chung của tất cả các ngành nghệ thuật. Nhiều năm nay, rõ ràng tiếng nói phê bình quá trống vắng, khiến đời sống nghệ thuật cũng bất ổn theo. Nghệ thuật khi có những cái mới thì phải có tiếng nói của những nhà phê bình. Sự đồng hành cùng nghệ sĩ của nhà phê bình, sự chia sẻ, cảm thông của họ khiến người sáng tạo tự tin hơn khi được đánh thức.
Nếu trước đây đời sống mỹ thuật còn may mắn có được “3 ông Tam đa” là các nhà phê bình mỹ thuật như Thái Bá Tân, Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, thì bây giờ các nghệ sĩ trẻ thiệt thòi hơn. Hơn thế, ngày nay, vẫn len lỏi thứ “phê bình đao phủ”, “phê bình tìm diệt”. Điều đó làm triệt tiêu một số mầm mạnh khỏe cho sự thay đổi. Tôi cho rằng, bản thân sự ấu trĩ đã đành, nhưng đến lúc chúng ta cũng phải nhìn lại, bởi lý luận văn nghệ Việt Nam cũng đã quá cũ rồi. Những người mà cứ cũ như thế để nhìn cái mới thì rõ ràng làm tổn thương không ít những cơ thể khỏe mạnh trong đời sống văn nghệ nói chung. Tôi thấy đó là tín hiệu không vui.
* Vậy ngoài việc ngồi chờ sự “chạm đáy” của nền văn nghệ để lật mở trang mới, chúng ta cần phải làm gì thưa ông?
- Tôi cho rằng căn tính nông dân chi phối chúng ta nhiều thứ. Cứ nhìn vào từng gia đình, qua cách ứng xử giữa cha mẹ con cái thì vẫn thấy tính cách làng, theo kiểu nông dân. Giữa một xã hội đang thay đổi nhanh, chính những cái cố hữu trong cách hành xử của người Việt cũng kìm hãm lại sự phát triển chung. Chính những người quản lý hiện nay còn nhiều hạn chế văn hóa, và vẫn hành xử theo cảm tính.
Gần đây có vị đại biểu Quốc hội còn đề xuất luật nhà văn, thấy hơi buồn cười. Đời sống văn nghệ cần sự trung thực, sòng phẳng của luật pháp chứ đừng biến thành cái cách cư xử cảm tính, ăn xổi, đuổi theo vụ việc để quản lý. Vì vậy, theo tôi, đã đến lúc chúng ta cần một luật chung cho văn học nghệ thuật. Cũng như cái luật thứ hai mà tôi kiến nghị, đó là luật hành nghề tự do mà ở ta chưa có. Chính luật hành nghề tự do nó khẳng định cái tư cách pháp nhân của người nghệ sĩ, ví dụ như sinh viên mới tốt nghiệp chưa làm ở bất cứ cơ quan nào nhưng họ vẫn có quyền công bố tác phẩm…
Ca sĩ Trọng Tấn vừa xin ra khỏi biên chế Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Trong ảnh: Trọng Tấn trong chương trình “Hà Nội… còn mãi một tình yêu” diễn ra vào tháng 8-2013. Ảnh: tienphong.vn |
* Chứng kiến sự rạn vỡ hằng ngày của nền văn nghệ, người ta không thể không cảm thấy buồn phiền, thậm chí xót xa. Ngày càng thiếu vắng những nhân cách lớn, thế vào đó là quá nhiều những scandal, quá nhiều sự ảo tưởng và ăn xổi của người làm nghề. Mới đây nhất, việc Trọng Tấn - nghệ sĩ của dòng nhạc đỏ - nộp đơn xin ra khỏi biên chế Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng khiến dư luận cảm thấy có điều gì bất ổn?
- Quyết định của Trọng Tấn là một ví dụ rất hay của cái phẩm cách nghệ sĩ. Trọng Tấn ý thức được cái cá nhân của mình, nếu làm cả hai - vừa đứng lớp giảng dạy, vừa nhận show thì nhiều lúc không thể làm “tròn vai”. Nhưng bên cạnh đó, một người có phẩm cách cá nhân và tài năng rút khỏi môi trường giảng dạy sẽ thiệt cho cái chung, cho các thế hệ sinh viên. Nếu càng ngày càng có nhiều người giỏi rút khỏi cái môi trường đào tạo nghệ thuật thì chắc chắn sẽ dẫn tới bi kịch cho thế hệ trẻ chứ không còn là chuyện bình thường, chuyện cá nhân nữa. Điều này dần dần sẽ góp phần biến thành một bi kịch cho nền văn nghệ. Khi Trọng Tấn rút khỏi Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam thì có thể nó tốt hơn cho cái cá nhân người nghệ sĩ. Và chắc rằng, có ra ngoài làm độc lập thì Trọng Tấn vẫn bảo trọng được cái phẩm cách nghệ sĩ của mình, vẫn không hề suy suyển.
Từ điều đó để nói, xã hội Việt Nam đang thay đổi rất nhanh. Đời sống nghệ thuật cũng đang có những biến động nhanh. Nếu ở góc độ quản lý mà anh không đủ sự nhạy cảm, nếu chúng ta vẫn tư duy theo lối cũ, vẫn khăng khăng cách quản lý cũ thì chắc sẽ có những cái “vỡ” ra của đời sống nghệ thuật. Mặt bằng ấy sẽ là của từng cá nhân chứ không phải là của “bầy đoàn” làm nghệ thuật. Cho nên, cái tập thể làm nghệ thuật chỉ là khái niệm hết sức mơ hồ, mà không có thật. Chúng ta chăm chú nhìn thì thấy nghệ thuật Việt Nam đang phát triển hay không thì cứ nhìn vào từng cá nhân thì sẽ thấy khá rõ.
* Xin cảm ơn ông!
MAI HOÀNG thực hiện