.

Hoạt động âm nhạc ở Đà Nẵng: Chưa có sự chuyển động lớn

.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, “âm nhạc thị trường” gần như thao túng và làm đảo lộn nhận thức về âm nhạc của đa số giới trẻ. Nhưng đó chỉ là thực trạng của hai đầu đất nước.

Môi trường âm nhạc ở Đà Nẵng hiện vẫn khá trong lành, yên ả, từ hoạt động sáng tác đến ca hát, không có hiện tượng a dua, chạy theo những thị hiếu tầm thường…

Cần những chính sách hỗ trợ thiết thực, cụ thể để hoạt động âm nhạc ở Đà Nẵng có thể vươn cao, vươn xa. 						Ảnh: THANH TÂN
Cần những chính sách hỗ trợ thiết thực, cụ thể để hoạt động âm nhạc ở Đà Nẵng có thể vươn cao, vươn xa. Ảnh: THANH TÂN

Bản lĩnh vững vàng

Nhạc sĩ Trương Duy Huyến cho rằng, trước những biến thiên của thời cuộc, của hoạt động âm nhạc, những tác phẩm hay, được chắt chiu từ cảm xúc chân thật của các nhạc sĩ Đà Nẵng vẫn xuất hiện đều. Không ít sáng tác đã thực sự tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng yêu nhạc như: Đà Nẵng tình người (nhạc: Đình Thậm, thơ: Ngân Vịnh), Nhịp điệu thành phố (nhạc và lời: Trần Ái Nghĩa), Thành phố đầu biển cuối sông (nhạc: Minh Đức, thơ: Nguyễn Văn Soong), Đà Nẵng thành phố tôi yêu (nhạc và lời: Thanh Anh)… Gần đây nhất, tuyển tập Tác phẩm mới từ trại sáng tác âm nhạc Đà Nẵng do Hội Âm nhạc thành phố phối hợp với NXB Âm nhạc ấn hành giữa năm 2012 với hàng chục ca khúc viết về Đà Nẵng đã tạo hiệu ứng tốt trong dư luận. Có thể kể đến các sáng tác tiêu biểu như: Hát về thành phố quê hương (Phan Huỳnh Điểu), Về thăm thành phố quê hương (nhạc: Thanh Anh, lời: Vạn Lộc), Tình yêu Hoàng Sa (Phan Ngọc), Bà Nà nhớ (Duy Thanh)…

Những nhạc sĩ lớn tuổi như: Phan Ngọc, Thanh Anh, Trương Đình Quang, Trần Hồng, Minh Đức… tuy không còn sáng tác đều đặn như trước nhưng vẫn đầy trách nhiệm với nghề, với đời. Mỗi ca khúc được viết ra với họ bao giờ cũng là sự chắt chiu, thăng hoa của cảm xúc thật, vẫn căng tràn, chan chứa tình yêu, niềm tự hào về thành phố quê hương như: “Đà Nẵng bây chừ xinh đẹp quá!/ Như cô gái trẻ lứa tuổi đôi mươi… Yêu sao đất mẹ khát vọng vươn xa…/ Đi qua cầu quay về An Hải/ San sát nhà cao bừng nắng xuân…” (trích Về thăm thành phố quê hương, nhạc: Thanh Anh, lời: Vạn Lộc)…

Bên cạnh đó, các nhạc sĩ đang ở độ chín của nghề như: Nguyễn Duy Khoái, Trần Ái Nghĩa, Phạm Quang Trung, Nguyễn Đức, Đình Thậm, Hoàng Dũng, Quang Thành vẫn sáng tác rất sung. Các nhạc sĩ trẻ như: Thái Phú, Phan Thanh Trường, Mai Danh… đã cho thấy những tiềm lực sáng tác dồi dào và đặc biệt là bản lĩnh âm nhạc vững vàng trước những cơn lốc xoáy của âm nhạc thị trường. Các nhạc sĩ Đà Nẵng có viết theo đơn đặt hàng, hay còn gọi là “viết thuê”, nhưng với họ đó chỉ là “cứu cánh”, là công việc để lấy ngắn nuôi dài. Và ngay viết theo đơn đặt hàng thì bao giờ cái tình, cảm xúc thật vẫn được các nhạc sĩ đặt lên trên hết. “Dù được trả cao đến đâu, nếu mình không có được sự thấu cảm sâu sắc với đối tượng cần viết, không tìm được thông điệp hay, ý nghĩa thì tuyệt đối mình không nhận”, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa khẳng định. Ở Đà Nẵng vì vậy tuyệt đối không có hiện tượng nhạc sĩ, ca sĩ ồ ạt như “nấm mọc sau mưa”…

Cần được đầu tư, chắp cánh

So với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động âm nhạc ở Đà Nẵng vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là nhận định và cũng là trăn trở của những người tâm huyết. Các tác phẩm của các nhạc sĩ ít được nhiều người biết đến, các ca sĩ trẻ dù hát hay vẫn rất khó nổi tiếng… Theo cách lý giải chung, nguyên nhân chính do các tác phẩm thiếu kinh phí dàn dựng, không có điều kiện để phổ biến, để phát trên truyền hình… chưa tạo được sức lan tỏa lớn.

Theo nhạc sĩ Đình Thậm - Giám đốc Đoàn ca múa nhạc thành phố, ở Đà Nẵng, ngoài những chương trình mang tính phong trào nhỏ lẻ, hầu như không có những show diễn, chương trình truyền hình lớn do các nhạc sĩ, ca sĩ ở Đà Nẵng tự đứng ra tổ chức thu hút công chúng; không có diễn đàn âm nhạc thường niên, chương trình tác giả - tác phẩm của Hội Âm nhạc hằng tháng, hằng quý… Vì vậy, nhạc sĩ không có điều kiện “khoe” ca khúc, các ca sĩ dù hát hay cũng không có đất diễn. Đó cũng có thể là lý do để các tài năng ra đi như: Mỹ Tâm, Kasim Hoàng Vũ, Hoàng Hà, Phi Thúy Hạnh, Vũ Bảo… Họ phải tìm đến những miền đất hứa khác để phát triển sự nghiệp. Ngay cả những giọng ca trẻ mới nổi từ các show ca nhạc tên tuổi gần đây như The Voice (Giọng hát Việt), Vietnam Idol, Vietnam’s Got Talent… thì khi về Đà Nẵng, họ cũng không được mấy người biết đến.

Theo nhạc sĩ Thái Nghĩa, Chủ tịch Hội Âm nhạc Đà Nẵng, hiện ở Đà Nẵng, không nhiều nhạc sĩ sống được bằng nghề. Họ phải làm đủ nghề để mưu sinh. Điều này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức sáng tác, nếu không nói là sẽ làm “thui chột” các tài năng, rất nguy hiểm cho tương lai nền âm nhạc Đà Nẵng.

Mong rằng, trong tương lai gần, hoạt động âm nhạc ở thành phố sẽ được chắp cánh bằng những chính sách, chế độ thiết thực để có thể vươn cao, vươn xa.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.