.

Mê tiếng trống lân

.

(ĐNĐT) - Những ngày này, không khí “trông trăng, phá cỗ” đã rộn ràng trên khắp các khu phố của Đà Nẵng. Đây đó tiếng trống múa lân vang lên báo hiệu Tết Trung thu đã gần kề. Các đội lân trên địa bàn Đà Nẵng cũng gấp rút tập luyện, chuẩn bị phục vụ ngày Tết của thiếu nhi.

Thành viên đội Vương Anh Đường đang sửa soạn lại dụng cụ múa lân.
Thành viên đội Vương Anh Đường đang sửa soạn lại dụng cụ múa lân.

Đam mê

Nhắc đến đội lân với niềm tự hào hiện rõ trên khuôn mặt, anh Hoàng Linh, đội trưởng đội lân Vương Anh Đường, cho biết đội lân này có thâm niên gần 20 năm, thành viên lên đến 40 người. Vào những ngày Tết Trung thu, anh còn thuê thêm từ 20 đến 30 người mới đủ để đội lân hoạt động. “Chúng tôi tập hợp nhau vì đam mê. Mê lân lắm! Trung thu chỉ 3, 4 ngày mà chúng tôi phải tập luyện trước cả 3 tháng để mang đến màn trình diễn ngoạn mục nhất, ấn tượng nhất, phục vụ cho các em thiếu nhi”, anh Linh nói.

Cùng đam mê như anh Linh, anh Ngô Quang Minh, đội trưởng đội lân Tam Quốc Chí cũng chia sẻ: “Anh em trong đội lân mỗi người một nghề nhưng cứ gần đến Tết Trung thu là chúng tôi tụ tập để tập luyện, rồi đi biểu diễn. Tập 1 tháng ròng, nắng mưa đủ cả nhưng ai cũng vui. Thỏa đam mê trong mấy ngày Trung thu, rồi mỗi người lại quay về với công việc của mình”.

Đến “đại bản doanh” - nơi các đội lân “gạo cội” tập luyện - chúng tôi mới thấy hết nỗi khó khăn, vất vả của các thành viên trong đội. Sân bãi không có, họ tự thuê chỗ tập và thường phải tập ở những bãi đất trống ngoài trời. Một thành viên trong đội Vương Anh Đường cho biết, màn trình diễn chỉ trong vòng khoảng 15 phút nhưng các anh phải bỏ rất nhiều công sức, múa trên dàn sắt cao 2 mét, rất mạo hiểm, nhiều hôm tập về cả người trầy xước, có khi bong gân là chuyện thường.

Hầu hết các đội đều đầu tư vào lân vì đam mê môn nghệ thuật truyền thống này, chứ lập đội lân để làm kinh tế thì không thể. “Mỗi năm tôi đầu tư vào đội lân gần 100 trăm triệu đồng nhưng thu lại có khi không đủ vốn. Tuy đội lân của tôi có tiếng tại Đà Nẵng nhưng điểm biểu diễn ở đây không nhiều, một năm chỉ 4 ngày dịp Trung thu. Thỉnh thoảng chúng tôi nhận thêm “show” khai trương, động thổ của doanh nghiệp nhưng “cát xê” chủ yếu chỉ đủ liên hoan, anh em hầu như không được đồng nào. Năm nào có thu nhập kha khá, chúng tôi cũng mua quà cho con em của anh em trong đội để động viên”, anh Linh chia sẻ. Đội lân Tam Quốc Chí cũng gặp vấn đề tương tự nhưng vì đam mê lân nên năm nào đội cũng đầu tư lân mới, quần áo mới, chi phí rất tốn kém, quần áo năm cũ chỉ dành để mặc lúc tập luyện.

Lưu giữ nét đẹp truyền thống

“Chúng tôi muốn vào những ngày Tết Trung thu, không chỉ con em cán bộ công chức Nhà nước, lao động ở các doanh nghiệp được xem múa lân mà cả trẻ em nghèo, trẻ em đường phố cũng được xem chúng tôi biểu diễn. Mong muốn là vậy, nhưng không có sân trình diễn nên đành chịu, đây là điều khó khăn nhất. Chúng tôi rất mong được cơ quan chức năng địa phương tạo điều kiện để có một nơi biểu diễn miễn phí cho các em”, anh Linh cho biết.

Các anh còn cho hay, nơi tập luyện không có thì họ khắc phục được, còn không có chỗ biểu diễn đành… "bó tay". Một số đơn vị, gia đình muốn mời đội lân đến biểu diễn nhưng vì không có mặt bằng nên đành chịu, hoặc biễu diễn trên vỉa hè trước nhà thì người dân đến xem rất đông, gây ách tắc giao thông nên chắc chắn Công an đến không cho diễn. Các đội còn mong muốn ngành văn hóa tạo điều kiện để họ phát huy môn nghệ thuật truyền thống này như: tổ chức biểu diễn ngoài trời hoặc tại Cung Thể thao Tiên Sơn (có thể thu phí giá rẻ) nhiều đêm trong dịp Trung thu nhằm phục vụ nhu cầu của khán giả “nhí”; hỗ trợ về kinh phí để một số đội lân đầu tư bài bản cho trang phục và luyện tập nhiều tiết mục mới lạ; hợp đồng dài hạn với các doanh nghiệp du lịch phục vụ du khách nước ngoài…

Múa lân là một trong những nét văn hóa đẹp mỗi dịp Tết Trung thu, vì thế, mong sao nét văn hóa này sẽ được gìn giữ và phát huy, để tiếng trống lân mãi là ký ức đẹp với mỗi người.

Bài và ảnh: Quỳnh Trang

;
.
.
.
.
.