.

ABCD với Y Ban

.

A con tôi ra rồi. Tôi nghe có tiếng reo văng vẳng đâu đây, trong một chiều Hà Nội mưa bụi lây phây. Hình như là tiếng Y Ban. Phải rồi. Giọng của Y Ban, lẫn với ai vào đây được.

Tiểu thuyết ABCD dày 296 trang, do NXB Trẻ ấn hành.
Tiểu thuyết ABCD dày 296 trang, do NXB Trẻ ấn hành.

Tôi vẫn còn nhớ bữa đó, buổi sáng, ngồi quán cà-phê quen trên một vỉa hè quen. Hà Nội trời không gió. Cây cối nín lặng, chả có chiếc lá vàng nào rơi. Ầm ầm xe cộ chạy ngang. Giữa ồn ĩ giọng nói cười, Y Ban bảo chị đang viết một cuốn sách mới. Tôi hỏi sách gì? Tiểu thuyết nhé, Y Ban nói. Rồi chị kể vanh vách, rằng viết về đủ những thứ chuyện, nhưng chủ yếu vẫn là chuyện gia đình. Hằng ngày, chứng kiến những câu chuyện vừa sống động, vừa thê thảm diễn ra xung quanh, chị cảm thấy hoang mang. Nhà văn vốn đã có trí tưởng tượng phong phú, nhưng cuộc sống bây giờ phong phú hơn. Nhà văn có tưởng tượng trên trời cũng không tưởng tượng nổi lòng bất trắc của con người trong đời sống hôm nay. Sẽ có đứa con gái tên Phũ, và một thằng đàn ông tên Phàng. Kể một thôi dài, tôi hỏi tên sách. Y Ban bảo, ABCD. Hỏi tiếp viết được bao nhiêu trang rồi. Tám chục.

Hóa ra là Y Ban nói phét. Hơn chục ngày sau gặp lại, chị mới thú thật là bữa cà-phê lần trước, chị nói viết được 80 trang để tự “đôn đốc” mình, kỳ thực là chị chưa đặt bút viết được chữ nào. Ngay cả cái tên sách với 4 chữ cái giản đơn kia, cũng chưa nốt. Tức là trong máy tính của chị, cả trên cơ quan lẫn ở nhà, chưa hề có một cái file nào cho tiểu thuyết mới.

Lúc đó, cái “đứa con” ấy mới được chị nghĩ mông lung trong đầu. Với Y Ban, dù truyện ngắn hay tiểu thuyết, thậm chí một bài báo cho đủ “định mức” cơ quan, chị cũng nghĩ hết trong đầu. Từng nhân vật. Từng tính cách. Từng con đường. Từng căn nhà. Từng câu nói. Tất cả cứ như hiện ra như một thước phim câm trong đầu Y Ban. Đến một lúc cảm thấy không thể chịu được nữa, nếu cứ để đầu sẽ… vỡ, Y Ban mới ngồi xuống và tất cả những nhân vật bắt đầu hiện ra. Những đối thoại xuất hiện…

Hôm đặt dấu chấm cuối cùng cho ABCD là lúc 16 giờ 30 một ngày cuối tháng 11-2013. Viết xong, Y Ban thở phào, đi nấu cơm cho chồng cho con.

Sau đúng 4 tháng 10 ngày, đứa con mang tên ABCD của chị chào đời. Nó sinh ra ở thành phố Hồ Chí Minh vào một ngày nắng nóng, được gửi máy bay ra Hà Nội, nhưng 6 ngày sau mới tới tay Y Ban. Đó là 6 ngày Y Ban ăn cũng nghĩ về ABCD, ngủ cũng mơ thấy ABCD, đến cơ quan cứ bần thần chờ để được “bế” ABCD trên tay... Chiều đó, cũng khoảng 16 giờ 30 thì phải, đợi mãi không thấy ABCD đâu, Y Ban rời cơ quan về nhà. Về gần đến nhà thì được thông báo là ABCD đã về đến “trạm xá” ở khu Đầm Trấu, Y Ban reo lên: “A con tôi ra rồi”. Chị quay ngoắt xe máy, phóng bạt mạng qua chục cây số đường đông như kiến, đến đón con. Hà Nội hôm đó bất ngờ trở rét.

Nhà văn Y Ban. 		                 Ảnh: N.T.BÌNH
Nhà văn Y Ban. Ảnh: N.T.BÌNH

Bây giờ Y Ban đang trống rỗng. Lạ thế. Cứ viết xong một cuốn sách mới là Y Ban cảm thấy cơ thể mình cứ rỗng tuếch. Người ta xong xuôi thì bắt tay vào cuốn khác được ngay. Y Ban thì không. Chị phải chờ được nhìn mặt con cái đã. Mọi chuyện, để mai tính.

Khi đón được ABCD rồi, Y Ban cũng chỉ xem mặt mũi nó ra sao. Sáng sủa đấy. Nặng cân đấy. Thế rồi lại về nhà, đứng vào vị trí của mình trong căn bếp trên tầng 2 lo cơm nước cho chồng.

Y Ban bảo, từ lúc quyết định gửi ABCD cho NXB Trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh, không bao giờ chị mở ra đọc lại. Chỉ đến bây giờ, khi cơm nước xong xuôi, khuya, chị mới đọc lại để xem đã được/bị cắt gọt ra sao. Và nhận ra vài chi tiết “cài cắm” cuối cùng cũng bị cắt, dăm ba chỗ thì “lọt”; vài đoạn nhỏ có thể sửa lại, viết lại. Nhưng rồi chị lại tặc lưỡi, dẫu sao nó vẫn là con mình. Y Ban là thế. Viết xong là đóng máy. Đóng hẳn. Chị rất quan tâm con mình, nhưng không thích mỗi ngày lại mở ra một lần, rồi mân mê, rồi trau chuốt, “tự sướng”.

Chị đặt tên cho đứa con mới nhất của mình bằng 4 chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái tiếng Việt. Một cái tên lạ. Có chủ đích gì không? Tôi đồ rằng đó là một cuộc chơi với chữ của Y Ban. Mấy năm nay, trong mỗi cuốn sách mới, chị đều cố tạo ra một nét riêng, một dấu ấn khó lẫn. Tỉ như mấy năm trước, chị ra mắt cuốn tiểu thuyết Xuân từ chiều, dày 250 trang nhưng không một lần xuống dòng.

Nói là cuộc chơi, e rằng sẽ bị mắng. Chơi gì. Chơi thế nào được. Đó là cuộc vật lộn với chữ đấy. “Đứa con” ABCD này cũng thế. Mất một tháng để Y Ban viết xong ABCD. Nhưng khi viết được chừng một nửa, đến đoạn gay cấn và rùng rợn nhất, Y Ban thấy tự nhiên rùng mình một cái. Thế là ốm mất 10 ngày. Đoạn ấy là đoạn nào? Độc giả nào phát hiện, cứ liên hệ với Y Ban, xấu đẹp gì cũng… có quà.

Hầu như chỗ nào có Y Ban, ở đó xôn xao. Ồn ào. Huyên náo. Như chợ. Chợ cười. Chợ chuyện. Đủ thứ chuyện. Từ chuyện văn chương, bồ bịch đến chuyện cơ quan đoàn thể. Từ chuyện diễn viên Chánh Tín vỡ nợ, đến chuyện phận người trong vụ máy bay mất tích… Trên trời dưới biển, chuyện Đông chuyện Tây, chuyện gì qua lăng kính của Y Ban cũng vừa bi vừa hài, vừa hồn nhiên vừa cực đoan.

Nhưng tôi biết, đó là những lúc trong người chị đang diễn ra một cuộc “nghiền nát” cực kỳ vất vả. Những lúc ấy, Y Ban như một cái máy. Chị phải làm việc hết công suất để nghiền vụn những câu chuyện đời ấy ra. Phần lớn sẽ bị thải loại, chỉ còn một phần rất nhỏ, phù hợp với cơ địa của chị, sẽ được giữ lại, nâng niu, ấp ủ thành những mầm thai mới. Dần dà sẽ phát triển thành những “đứa con” mà chị tự tin ký đánh xoẹt: Y Ban.

Dại gì mà hỏi Y Ban vì sao trong ABCD của chị còn có cả GFIK. Rồi bỗng dưng các đoạn A, B đang tuần tự lại nhảy cóc sang đến Z. Xen kẽ còn chơi mập mờ D, D hay ba đoạn F, F, F liền nhau. Tiểu thuyết gì mà phân chia “chương hồi”. Chả hiểu mô tê, chả rõ chủ ý vì sao thế nào, như đánh đố người đọc. Nhưng tôi biết, có hỏi, chính Y Ban cũng không lý giải được. Chị là người viết chứ không phải nhà phê bình. Việc phân tích, bình phẩm, xếp vào “văn học nữ” hay “văn học nam”, hiện đại hay hậu hiện đại, đó không phải là điều Y Ban quan tâm. Bởi với chị, văn học là phi giới tính.  

Y Ban chỉ quan tâm đến cái viết, viết tận cùng cái ác để mong muốn đánh thức lòng yêu thương của mỗi con người. Lúc viết, Y Ban như bị “nhập đồng”, như bị ma ám. Có lần ngồi cà-phê, chị bảo đêm qua ngồi viết mà như mình đang dạo chơi trong một khu vườn hoang vắng, có nhiều đom đóm bay. Đến khi tắt máy, đi ngủ mà mãi vẫn không ngủ được. Nhìn lên trần nhà, thấy có một con đom đóm đang lập lòe chao liệng…

NGUYỄN THANH BÌNH

;
.
.
.
.
.