Văn hóa - Giải trí
Giải Cánh diều vàng 2014: Thiếu vắng phim nghệ thuật
Phim “Những người viết huyền thoại” được nhiều nhà phê bình cũng như công chúng đánh giá cao về yếu tố nghệ thuật. |
Với sự tham gia của hơn 160 tác phẩm điện ảnh thuộc nhiều lĩnh vực, ban tổ chức Giải Cánh diều vàng 2014 đang trong giai đoạn nước rút để tìm ra chủ nhân cho những giải thưởng nhằm tôn vinh các bộ phim đặc sắc, những cá nhân, tập thể có đóng góp cho điện ảnh nước nhà.
Nhưng có điều, giải thưởng này đang dần mất sức hút, khi thiếu vắng những bộ phim đạt chất lượng nghệ thuật và khi cả công chúng lẫn nhà sản xuất đều tỏ ra thờ ơ.
Thiếu vắng phim chất lượng
Giải Cánh diều vàng 2014 có sự tham gia của hơn 160 tác phẩm điện ảnh thuộc 7 lĩnh vực: Phim truyện điện ảnh, phim hoạt hình, phim tài liệu điện ảnh-truyền hình, phim ngắn, phim khoa học, phim truyện truyền hình, công trình nghiên cứu-lý luận phê bình điện ảnh.
Ở thể loại phim truyện điện ảnh - thể loại quan trọng nhất, đánh giá sự thành công của một mùa giải - theo đại diện ban tổ chức, năm nay có 13 tác phẩm dự tranh giải gồm: Những người viết huyền thoại, Tèo em, Săn đàn ông, Và anh sẽ trở lại, Sau ánh hào quang, Thần tượng, Hiệp sĩ guốc vông, Âm mưu giày gót nhọn, Cô dâu đại chiến phần 2, Đường đua, Tiền chùa, Gác kiếm, Tía ơi.
Trong những phim dự tranh giải phim truyện điện ảnh, có 9/13 phim nặng về yếu tố giải trí. Ngoại trừ Những người viết huyền thoại được nhiều nhà phê bình cũng như công chúng đánh giá cao về yếu tố nghệ thuật, thì những phim khác được nhiều người cho rằng nặng về yếu tố giải trí, thương mại, thiếu tính nghệ thuật. Thậm chí, nhiều tác phẩm sau khi vừa ra mắt đã được liệt vào danh sách những bộ phim thảm họa.
Những người viết huyền thoại của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã từng đoạt tới 6 giải thưởng trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18. Bộ phim được dàn dựng công phu, nội dung cảm động về ý chí của những người lính nơi chiến trường và những người thân ở hậu phương. Những người viết huyền thoại thành công trong mảng phim nghệ thuật bởi mặc dù làm phim về đề tài cách mạng nhưng bộ phim lại không bị… cứng và có nhiều cảnh quay đẹp.
Một số phim khác đạt được mức doanh thu “khủng” tại các phòng vé như "Tèo em", "Cô dâu đại chiến phần 2", nhưng ngay từ khi công chiếu đã gặp phải luồng ý kiến trái chiều từ dư luận, nhiều ý kiến chê hơn là khen.
Tèo Em từng tạo cú sốt tại các rạp. |
Nói về sự thiếu vắng những bộ phim chất lượng, được đánh giá cao về yếu tố nghệ thuật trong mùa giải 2013 và những mùa giải gần đây, đạo diễn Vinh Sơn - thành viên BGK phim truyện điện ảnh - lý giải: Trong hoàn cảnh VN có sự trộn lẫn nhiều dòng phim, loại phim, nhà nước, tư nhân, phim thị trường, phim nghệ thuật thì không nên quá chú ý phim này thuộc dòng phim gì và cũng khó để tìm ra một bộ phim hội tụ đủ các tiêu chí ban tổ chức đề ra để trao giải. Nhưng mỗi phim cũng có mặt này mặt khác thú vị và có những đóng góp riêng cho điện ảnh nước nhà.
Nhà sản xuất lẫn công chúng thờ ơ
Một vài ngày trước, có một số thông tin cho rằng, bộ phim được coi là hiện tượng của điện ảnh Việt “Quả tim máu” của đạo diễn Victor Vũ và một số bộ phim khác có dự tranh ở hạng mục phim truyện điện ảnh, nhưng đến phút chót lại thôi. Lý giải điều này, ông Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức giải cho hay: Hội Điện ảnh Việt Nam đã gửi thư mời đến tất cả các hãng phim, các nhà sản xuất để họ chủ động tham gia. Nhưng nhiều hãng từ chối với lý do rằng phim họ không phù hợp với tiêu chí nên không dự giải hoặc còn khai thác ở rạp nên “khất” sang giải năm sau.
Cũng như mùa giải năm ngoái, năm nay mặc dù Hội Điện ảnh Việt Nam đã nhiệt tình gửi giấy mời tất cả các hãng phim, thậm chí gọi điện thuyết phục rất nhiều nhưng một số nhà sản xuất phim tư nhân vẫn không trả lời và không tham gia.
Mùa giải năm nay cũng được đánh giá là một nỗ lực của Hội Điện ảnh Việt Nam, khi ban tổ chức chỉ lo được 600 triệu đồng để làm lễ trao giải Cánh diều vàng. Kinh phí eo hẹp, vận động tài trợ khó khăn, ban tổ chức cũng hạn chế việc mời các nghệ sĩ trong Nam ra Hà Nội dự giải.
NSƯT, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết: “Số tiền eo hẹp 600 triệu đồng bao gồm cả trang trí sân khấu, dàn dựng, ghi hình… sẽ khó có được cái gì ấn tượng, hoành tráng mang dấu ấn”. Sự đơn giản trong tổ chức ngày hội nghề nghiệp của những người làm điện ảnh như vậy không khỏi khiến công luận băn khoăn về sự ảm đạm, thiếu sức “bay” của Cánh diều vàng 2014.
Theo Lao động