Đà Nẵng cuối tuần
Điện ảnh trực tiếp, câu chuyện kể bằng cảm xúc
Trao đổi kinh nghiệm làm phim tài liệu theo phong cách điện ảnh trực tiếp. |
Ở đó ta chia sẻ với người làm bộ phim sự chấp nhận rủi ro, nguy hiểm, dám đánh cược, dám tin tưởng vào linh cảm của bản thân để quyết định chọn vào phim những tình tiết đúng với bản chất thật của cuộc sống, không màu mè, tô vẽ, đón nhận vào phim những hiện thực không ngờ tới.
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê sau 6 năm làm quen với điện ảnh trực tiếp của Varan giảng dạy, đã suy nghĩ về loại phim thú vị này như thế. Chị dành nhiều thời gian, bỏ công sức và tiền bạc để thực hiện những bộ phim mới và đã có tác phẩm “Đất đai thuộc về ai” thu hút sự chú ý của công chúng tại Pháp trong năm 2009. Hiện nay, chị đã bắt tay vào bộ phim thứ ba theo phong cách này. Đạo diễn trẻ này tâm sự, điện ảnh trực tiếp là thứ ngôn ngữ đặc biệt cho phép đi sâu vào đời sống mà những thể loại phim tài liệu truyền thống trước đây không làm được. Nó đòi hỏi tìm tòi những điều ẩn chứa bên trong, những khoảnh khắc trung thực và tinh tế nhất mà người xem không ngờ đến. Nó thú vị và luôn nhạy cảm! Vừa làm phim, chị vừa tham gia vào công tác tổ chức các khóa đào tạo đạo diễn của Varan.
Và cũng như Hồng Lê, nay khá nhiều đạo diễn tiếp tục đến với điện ảnh trực tiếp qua những Trại sáng tác Varan Việt Nam tổ chức hằng năm, tạo ra một dòng phim có phong cách mới do các đạo diễn Việt Nam sản xuất. Loạt phim mới của Varan giới thiệu ngày 2-7 vừa qua của các đạo diễn quay tại khu vực miền Trung càng khẳng định sự hấp dẫn của thể loại này. Không gì thú vị hơn khi được nghe những câu chuyện thật bằng điện ảnh khi đạo diễn Nguyễn Minh Kỳ đưa người xem bước xuống một con thuyền của hai vợ chồng ở một làng quê Quảng Nam vì không có ruộng đất phải mua một con thuyền để làm nghề chài lưới ở ngay bến sông Hàn Đà Nẵng, để lại hai đứa con ở quê nhà. Tưởng như đạo diễn thử thách lòng kiên trì của khán giả khi mô tả những cảnh thường nhật vợ chồng sống trên con thuyền xa nhà thế nào, cảnh ghen tuông hờn dỗi vì người chồng ham chơi, ăn nhậu, rồi họ đi về nhà thăm con cái kiểm tra bài vở. Nhịp sống thường nhật ấy kéo đến cuối phim khi vợ chồng bàn nhau bán con thuyền quay về nhà để bố mẹ, con cái ở gần nhau. Không có kịch tính, không cốt chuyện, cái gì níu được người xem? Cái đó chỉ có thể là cảm xúc về một cuộc sống không dàn dựng và sự sâu sắc của đạo diễn khi chọn cách “tường thuật” lại những khoảnh khắc đó. Đạo diễn Dương Mộng Thu với “Thầy mõ” đã bóc tách một nhân vật mà không có bộ phim của chị, ta có thể không bao giờ nhớ đến họ. Một người suốt cuộc đời sống bằng nghề treo khẩu hiệu, ông đọc những khẩu hiệu và đặt hết niềm tin vào đó. Ống kính quay phim theo ông ngày ngày trên các nẻo đường, quan sát ông ngẫm nghĩ về nội dung của nó và say sưa tin vào sự tốt đẹp đó sẽ nảy nở. Một niềm tin tưởng mãnh liệt vào tương lai của một ông già đã tác động mạnh đến người xem và chiều sâu của nhân vật làm chúng ta suy nghĩ tùy xem chúng ta đang đứng ở góc nào của cuộc sống.
Hãy thử nghe những câu chuyện mà tôi không chắc bạn có thể quan tâm đến. Đạo diễn Trương Vũ Quỳnh, một người không còn quá trẻ, trong nghề nghiệp đã hình thành những thói quen, nhưng đã không ngần ngại để cho linh cảm dẫn dắt anh đi trong mạch phim tựa đề “Người đưa linh”. Một người hát bội trong các đám ma. Đám ma của một cựu chiến binh với đội quân nhạc và lá cờ phủ trên quan tài. Rồi đám ma một Việt kiều với những nghi thức truyền thống. Những câu chuyện trong các đám ma về người cha của ông Tổng là một liệt sĩ chưa xác định được nơi hy sinh. Người xem đột nhiên cảm nhận được ý nghĩa rằng trước cái chết, mọi người đều bình đẳng. Một chủ đề cũ đã được làm cho sinh động, cách khai thác đặc biệt của điện ảnh trực tiếp này nó như “bẩy” hết những nhàm chán, thói quen cũ và khán giả lại bắt đầu cảm xúc và suy ngẫm về những điều mà đáng lẽ ra họ biết từ lâu! André Van In, Giám đốc Varan Việt Nam, một người mà tất cả các đạo diễn làm phim theo phong cách điện ảnh trực tiếp ở Việt Nam gọi là “thầy”, thường nói với các học trò của mình rằng: “Kỹ thuật không phải là điều quan trọng nhất, chúng tôi không có công thức làm phim mẫu nào hết để mở cánh cửa vào thị trường nghe nhìn. Chấp nhận làm phim này là chấp nhận sự thử nghiệm. Những thói quen nghề nghiệp bị xô đẩy, những cái gì bạn tin chắc có thể bị lung lay, có khi bạn thấy mệt mỏi. Nhưng các bạn hãy cố hết mình để trải nghiệm, đó là điều duy nhất để đạt được điều bạn muốn đem lại cho người xem”.
Với người xem , điện ảnh trực tiếp giúp khơi gợi suy nghĩ cảm xúc. Đừng nghĩ rằng với câu chuyện nhỏ nhặt về một hay vài con người, tính chất xã hội, tính logic cuộc sống , tính phê phán bị yếu đi trong phim tài liệu. Trái lại nó khá nổi trội, đậm đặc. Tính chất không dàn dựng ấy cũng sẽ để lại cho mai sau những thước phim thật về một cuộc sống đang trôi qua.
THIÊN THANH