Đà Nẵng cuối tuần

Đệ nhất khoa bảng Quảng Nam

14:19, 24/07/2010 (GMT+7)

Tiến sĩ Phạm Như Xương được thờ tự tại Nhà thờ tộc Phạm Như ở làng Ngân Câu, xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: VTL)

Trong các khoa thi diễn ra trong suốt 100 năm tại trường thi Thừa Thiên dưới triều Nguyễn, Quảng Nam có 39 đại khoa và 254 trung khoa gồm 15 Tiến sĩ, 24 Phó bảng và 254 Cử nhân. Tuy nhiên, trong số 15 Tiến sĩ, Quảng Nam chỉ có duy nhất một Đình nguyên (người đỗ đầu kỳ thi Đình tại sân vua) đó là Hoàng giáp Tiến sĩ Phạm Như Xương.

Phạm Như Xương tự là Phồn Sanh, hiệu là Hành Sơn, sinh ngày 22 tháng 6 năm Giáp Thìn (5-8-1844) tại làng Ngân Câu, tổng Thanh Quýt, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Năm 24 tuổi, đỗ Cử nhân khoa Mậu Thìn (1868), năm Tự Đức thứ hai mươi mốt. Năm Ất Hợi (1875) ông đỗ Tiến sĩ, sau đó vào thi Đình đỗ Đình nguyên nên được gọi là Hoàng giáp Tiến sĩ.

Tuy học giỏi đỗ cao nhưng con đường hoạn lộ của ông lại hết sức gập ghềnh. Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông được bổ làm Phó lãnh sự Chính phủ Nam Triều tại Nam Kỳ thuộc Pháp, giữ việc giao thương với Pháp. (Lúc nầy, một người Quảng Nam khác là Nguyễn Thành Ý, quê làng Túy La, Điện Bàn, giữ chức Chánh lãnh sự). Năm 1883, khi vua Tự Đức băng hà, quan tài còn đang quàn tại điện Càn Thành thì giặc Pháp tấn công vào cửa biển Thuận An (Huế), triều đình phải cử ông cùng Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Thành Ý ra tận tàu của tướng Courbet để thương nghị. Khi vua Kiến Phước lên ngôi năm 1883, ông được đổi vào làm Bố chánh tỉnh Phú Yên (vì vậy người ta thường gọi Phạm Như Xương là ông Bố Ngân Câu).

Năm 1885, cuộc binh biến ở Huế bất thành, kinh đô thất thủ, Văn thân và nghĩa quân ở Phú Yên nổi lên chiếm thành. Phạm Như Xương bị bắt, sau đó ông được trả tự do ngay vì cho là “bắt nhầm”. Tuy vậy, Viện Cơ mật đã tâu lên Đồng Khánh đòi làm án ông vì đã để mất thành tỉnh Phú Yên, nhưng đặc cách không thi hành án nhằm “ban ơn để mưu dùng về sau”.

Chán ngán cảnh quan trường, Phạm Như Xương bỏ về quê. Lúc này ở Quảng Nam, Nguyễn Duy Hiệu đã được Nghĩa hội cử làm Hội chủ thay thế cho Trần Văn Dư đã bị giết. Nguyễn Duy Hiệu đã đích thân đến làng Ngân Câu để mời vị Hoàng giáp duy nhất của tỉnh - nổi tiếng hay chữ, yêu nước, lại là người thấy rất rõ dã tâm xâm lăng của thực dân Pháp và sự hèn yếu của triều đình Đồng Khánh - thảo hịch kêu gọi sĩ phu tham gia kháng chiến. “Hịch Văn thân Quảng Nam” của Phạm Như Xương, một áng văn bất hủ ra đời vào cuối năm 1885 đã trở thành tuyên ngôn chính trị của phong trào Cần vương ở Quảng Nam và có tác dụng như “liều thuốc hồi dương trước bầu không khí u trầm của Nghĩa hội từ sau cái chết của Tiến sĩ Trần Văn Dư và ma lực huyễn hoặc của Dụ Đồng Khánh” (Nguyễn Sinh Duy, Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam, NXB Đà Nẵng)

Trong phong trào Nghĩa hội, Phạm Như Xương chỉ làm Dinh điền sứ phụ trách nguồn hậu cần. Khi Nghĩa hội tan rã, ông bị bắt ở nguồn Lỗ Đông, thuộc huyện Hòa Vang cùng các con trai. Ông bị áp giải về Huế, các con ông bị đày vào Quảng Ngãi, làm dân công. Chính vì sự kiện này mà ông bị đục tên khỏi bia Tiến sĩ ở Văn miếu Huế.

Sau thời gian an trí ở Huế, dưới triều Thành Thái, ông vua yêu nước của nhà Nguyễn, Phạm Như Xương được bổ làm Tri huyện Anh Sơn rồi Đốc học Quảng Trị. Có tài liệu cho rằng năm 1900, ông được cử làm Chánh chủ khảo khoa thi Hương ở Vinh (Nghệ An). Với con mắt tinh đời, quan Chánh chủ khảo họ Phạm đã chấm cho thí sinh Phan Văn San (Phan Bội Châu) đỗ đầu khoa thi này.

Năm 1916, trong cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân, các con trai của ông là Phạm Như Chương, Phạm Như Đỉnh đã tham gia phong trào, vì thế ông bị bãi chức, đuổi về quê.

Cuối đời, ông sống nghèo khó trong tuổi già nhưng lòng rất thanh thản vì đã giữ vững khí tiết một “đệ nhất khoa bảng” của đất học Quảng Nam. Chuyện kể, khi tri phủ Điện Bàn là Nguyễn Tiến được triều đình sai đến tịch biên gia sản của Phạm Như Xương thì thấy hai vợ chồng ông đang ăn khoai lang thay cơm trưa trong một túp lều xiêu vẹo. Vì thế, thay vì tịch biên gia sản như lệnh trên thì quan tri phủ đã ra lệnh cho hương lý trong làng sửa lại căn nhà cho ông, thể hiện sự tôn trọng nhân cách một sĩ phu yêu nước.

Ngân Câu quê của Phạm Như Xương có nghĩa là “ngòi nước bạc”, Thanh Hà quê Nguyễn Duy Hiệu có nghĩa là “ngọn ráng xanh”. Hai làng cách nhau khoảng 5km. “Ngòi nước bạc” Phạm Như Xương âm thầm chảy giữa lòng đất cùng với “ngọn ráng xanh” Nguyễn Duy Hiệu rực rỡ trên bầu trời Diên Phước, Điện Bàn, đã góp phần làm rạng rỡ thêm cho mảnh đất Quảng Nam “hiếu học và anh hùng” dù trải qua bao nhiêu hưng phế của thời gian.

LÊ THÍ

.