.
LỄ HỘI QUÁN THẾ ÂM

Nét đẹp văn hóa tâm linh

.

Sáng 19-3 (nhằm ngày 19-2 năm Giáp Ngọ), du khách nườm nượp kéo về tham gia lễ chính của Lễ hội Quán Thế Âm- Ngũ Hành Sơn 2014. Tham dự lễ hội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh.

Dòng người đông đúc tham gia lễ hội.
Dòng người đông đúc tham gia lễ hội.

Đúng 7 giờ, lễ chính thức diễn ra và được thực hiện nghiêm trang: Cung nghinh Chư Tôn Đức giáo phẩm Việt Nam, Đoàn Chư tăng Phật giáo Vương quốc Thái Lan; thuyết giảng về Bồ tát Quán Thế Âm và cầu nguyện cho dân tộc an bình, thịnh vượng. Đặc biệt, cảnh tái hiện hình tượng Quán Thế Âm lung linh, huyền bí, thiêng liêng có sức lôi cuốn mạnh mẽ các phật tử và chúng sinh từ khắp nơi trên cả nước. Ngoài lễ chính thức, nhiều phần lễ trước đó được thực hiện đúng theo tinh thần thuần túy của đạo Phật như: lễ tế xuân cầu quốc thái dân an; Pháp đàn, đọc kinh cầu nguyện theo Phật giáo Nam tông; lễ gia trì và ý nghĩa ngọc Xá Lợi Phật… Đặc biệt, lễ thuyền đăng với khá đông phật tử tham gia và lễ thuyết giáo Quán niệm hơi thở do nhà sư Thái Lan dẫn chúng mang đến lễ hội năm nay những nét mới mẻ.

Theo cụ bà Nguyễn Thị Lên (phật tử đến từ tỉnh Quảng Nam), nhiều người hành hương về lễ hội Quán Thế Âm để hòa mình vào không gian Phật pháp. Trước đây, lễ hội Quán Thế Âm chỉ dành riêng cho những người theo đạo Phật, nhưng những năm gần đây thì có nhiều người thuộc các tôn giáo khác tham dự hơn. “Dù là người theo đạo Phật hay không, nhưng khi đến đây ai cũng đều có lòng thành kính, muốn cầu mong một cuộc sống bình an, may mắn. Nét văn hóa tâm linh này góp phần làm cho tốt đời, đẹp đạo. Ý nghĩa của lễ hội Quán Thế Âm đẹp là ở đó”, bà Lên tâm niệm.

Sản phẩm văn hóa - du lịch đặc sắc

Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, có hàng vạn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Họ không chỉ thưởng thức nét đẹp văn hóa tâm linh mà còn tham quan cảnh trí, tham dự phần hội sôi động, hấp dẫn, gắn liền với thế mạnh văn hóa của Đà Nẵng như: hát bài chòi, đua thuyền trên sông Cổ Cò, biểu diễn trống hội và múa trình tường. Bên cạnh đó, các hoạt động triển lãm tranh, ảnh du lịch - thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, thư pháp - thiền trà, biểu diễn của 10 nhà thư pháp Nhật Bản Koichi Sakamoto cùng các nhà thư pháp Việt Nam… cũng thu hút khá đông khách đến xem.

Du khách Trần Văn Tuấn (đến từ thành phố Hồ Chí Minh) nhận định: Nằm trong quần thể Ngũ Hành Sơn, cùng với làng nghề đá mỹ nghệ, lễ hội Quán Thế Âm thật sự là điểm đến thu hút khách du lịch, là dịp để tìm về thưởng thức văn hóa đặc sắc và tham gia vào dòng người nô nức trẩy hội, một hành trình du lịch khá thú vị. Còn đối với anh Phan Văn Hùng (ở tỉnh Quảng Nam), ấn tượng về lễ hội chính là không có hiện tượng nhếch nhác của hàng rong, ăn xin, chặt chém của các dịch vụ… Các hộ dân buôn bán dọc lối vào chùa rất trật tự với nhiều mặt hàng ý nghĩa như: tranh Phật, thư pháp, kinh kệ, đồ trang sức bằng đá… “Du khách có thể mua về làm quà tặng cho bạn bè, người thân”, anh Hùng chia sẻ.

Thượng tọa Thích Huệ Vinh, Trụ trì chùa Quán Thế Âm, cho rằng sự tham dự của đoàn sư Thái Lan, các nhà thư pháp Nhật Bản không chỉ đơn thuần là hoạt động giao lưu văn hóa Phật giáo mà còn là cơ hội để quảng bá lễ hội Quán Thế Âm của Việt Nam ra thế giới. Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Đức - Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, Trưởng ban tổ chức lễ hội Quán Thế Âm năm 2014 nhấn mạnh: “Đây là một trong 15 lễ hội lớn nhất nước, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, tín ngưỡng tôn giáo của người dân, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ; đồng thời là dịp để quảng bá sâu rộng hình ảnh và sản phẩm du lịch của thành phố đến du khách trong và ngoài nước. Vì thế, chúng tôi sẽ cố gắng phát triển, nâng tầm lễ hội để thực sự trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo của Đà Nẵng”.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.