.

Khu vui chơi, giải trí dành cho trẻ em: Khuyến khích tư nhân đầu tư

.

Các khu vui chơi, giải trí dành cho trẻ em trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả trong khi mùa hè đang đến gần. Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi bàn tròn với các nhà quản lý văn hóa về vấn đề đang được dư luận quan tâm này.

Khu vui chơi dành cho trẻ em ở phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) xuống cấp. Ảnh: Trọng Huy
Khu vui chơi dành cho trẻ em ở phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) xuống cấp. Ảnh: Trọng Huy

- Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố:

Sở đang tiến hành tổng kết, báo cáo, đề xuất lên lãnh đạo thành phố. Chủ trương chính của Sở VH-TT&DL là nếu các khu vui chơi bị xuống cấp nặng nề, không duy tu được nữa thì chuyển đổi thành công viên mini. Trước mắt, tạo không gian cho người dân tập thể dục, dạo chơi, sau này có điều kiện sẽ lắp đặt các thiết bị vui chơi cho trẻ em tại đây và giao cho Công ty Công viên-Cây xanh quản lý.

Thứ hai, tiến hành xã hội hóa các khu vui chơi. Có nhiều luồng ý kiến cả đồng tình lẫn phản đối về giải pháp này, vì khi xã hội hóa, nhà đầu tư tính toán đến việc thu hồi vốn nên sẽ chọn những vị trí trung tâm, những trò chơi giá vé cao. Vậy trẻ em vùng ven, trẻ em gia đình khó khăn có thể tham gia vui chơi được hay không?

Tôi cho rằng, xã hội hóa các khu vui chơi, giải trí là giải pháp hợp lý trong tình hình hiện nay. Nhưng đã xã hội hóa thì khu vui chơi phải ở vị trí thuận lợi, đã xã hội hóa thì khu vui chơi sẽ bán vé. Tuy nhiên, chúng ta phải có giải pháp đồng bộ. Đó là các nhà đầu tư sẽ phải dành một tỷ lệ trò chơi nhất định trong khu vui chơi, thực hiện không thu phí để phục vụ cộng đồng. Hướng đi này giải quyết được vấn đề kinh phí đầu tư, người quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng và đa dạng hóa trò chơi.

Thứ ba, Sở VH-TT&DL đề xuất giải pháp về công tác quản lý các khu vui chơi, giải trí. Hiện nay, các khu vui chơi, giải trí giao cho phường quản lý nhưng bất cập về cơ chế, chính sách nên Sở VH-TT&DL phối hợp với Sở Nội vụ và Thành Đoàn lập dự án giao Đoàn Thanh niên cơ sở quản lý, vận hành. Hướng đi này nhằm sử dụng lực lượng tuổi trẻ tại địa phương và ít nhất tìm ra được người quản lý khu vui chơi, giải trí.

Theo đó, dự án đề ra hai hướng: Đoàn Thanh niên có thể kêu gọi nhà đầu tư cùng làm, lợi nhuận để trang trải cho vấn đề duy tu, sửa chữa; Nhà nước đầu tư và giao cho Đoàn Thanh niên quản lý, họ có thể bán vé một số trò chơi, còn lại cho các em vào chơi miễn phí, lấy lại một phần kinh phí để duy tu, bảo dưỡng khu vui chơi, giải trí.

Thứ tư, nên khuyến khích, phát huy các khu vui chơi, giải trí do tư nhân làm. Cách đây hơn 10 năm, việc đầu tư khu vui chơi, giải trí trẻ em chỉ có Nhà nước thực hiện, dân chưa tham gia. Trong giai đoạn hiện nay, với chính sách thông thoáng, các doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư hàng trăm khu vui chơi, giải trí cho trẻ em (cả trong nhà lẫn ngoài trời) trên khắp địa bàn thành phố, giải tỏa những bức xúc về nhu cầu vui chơi cho trẻ em thời gian qua. Đây có lẽ là một hướng đi đúng. Chúng ta chỉ có vài chục khu vui chơi, giải trí nhưng không hiệu quả trong khi có hàng trăm khu vui chơi, giải trí hoạt động tốt thì nên để họ làm.

- Ông Nguyễn Nhẫn, Giám đốc Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng:

Nhu cầu vui chơi của trẻ em rất lớn nhưng các thiết chế khu vui chơi, giải trí cho trẻ em hiện nay hoạt động không hiệu quả. Theo tôi, nếu không hiệu quả thì không làm như cách cũ nữa mà phải tìm ra hướng mới. Thay vì xây dựng các khu vui chơi, giải trí ngoài trời cho trẻ em mà không có ai quản lý để dẫn đến tình trạng xuống cấp thì chúng ta nên xây dựng nhà thiếu nhi tại các quận, huyện, trong đó có bố trí các khu vui chơi, giải trí cho trẻ.

Theo thiết kế mô hình hoạt động của nhà thiếu nhi khép kín, trong đó có khu học tập; khu vui chơi, gồm khu vui chơi trong nhà (nhà thi đấu tư nhân, hồ bơi, nhà đa năng…), khu vui chơi ngoài trời (xích đu, cầu bập bênh, thú nhún…). Hơn nữa, nếu nằm trong khuôn khổ của nhà thiếu nhi thì chúng ta có thể giải quyết được công tác quản lý các khu vui chơi, giải trí mà lâu nay không hiệu quả.

Tôi đề xuất xây dựng một số nhà thiếu nhi ở các quận, huyện xa trung tâm thành phố như Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Hòa Vang để các em thiếu nhi vùng ven có thể hưởng thụ về mặt văn hóa tinh thần, vừa học tập, vừa vui chơi.

Nếu chúng ta xã hội hóa các khu vui chơi cho trẻ em càng tốt vì Nhà nước không thể bao cấp mãi được. Xã hội hóa thì cả hai bên cùng có lợi. Nhà nước tạo điều kiện mặt bằng cho nhà đầu tư; nhà đầu tư có kinh phí, có vốn nên sẽ đầu tư cơ sở vật chất, các thiết bị hiện đại, phong phú. Họ biết cách quản lý, biết làm thế nào để thu hút người dân, trẻ em đến vui chơi. Chúng ta đừng ngại xã hội hóa sẽ mang đến bất lợi cho người dân, vì sẽ có cam kết với nhà đầu tư về việc miễn, giảm cho từng đối tượng. Xã hội hóa là con đường tốt nhất để phát triển các khu vui chơi và vì mục đích cuối cùng là tạo sân chơi cho trẻ.

- Ông Lê Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Hải Châu: Đã xây dựng khu vui chơi cho trẻ em thì phải làm cho tới. Nếu vẫn cứ mấy trò đu quay sắt, cầu chui, cầu trượt, bập bênh… thì trẻ con đến vài lần sẽ chán và không đến nữa. Hãy học cách xây dựng mô hình vui chơi của nhiều doanh nghiệp tư nhân để thu hút trẻ. Hơn nữa, diện tích đất dành cho khu vui chơi, giải trí phải rộng để ngoài các trò chơi phong phú, cần tạo không gian đầy màu sắc tuổi thơ, sân bóng mini…

- Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Liên Chiểu: Khu vui chơi, giải trí cho trẻ em nên ở các vị trí trung tâm, mặt tiền để thuận lợi cho người dân đưa con em đến vui chơi. Các khu vui chơi phường Hòa Minh, Hòa Hiệp thuộc quận Liên Chiểu nằm trong kiệt, hẻm, gần miếu thờ nên dẫn đến tình trạng không hiệu quả. Hơn nữa, chúng ta đi theo xu hướng xã hội hóa các khu vui chơi dành cho trẻ em, nếu không nằm ở vị trí thuận lợi sẽ khó khăn trong việc kêu gọi nhà đầu tư. Tôi đề xuất lãnh đạo thành phố xem xét hoán đổi vị trí khu vui chơi ở các phường Hòa Minh, Hòa Hiệp.

- Ông Trần Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Ngũ Hành Sơn: Hiện trên địa bàn quận chỉ có một khu vui chơi, giải trí nhưng đã xuống cấp, trong khi không còn quỹ đất để xây mới thêm các khu vui chơi. Vì thế, giải pháp tốt nhất hiện tại là đầu tư, nâng cấp cái đang có (khu vui chơi, giải trí Bình Kỳ, phường Hòa Quý). Ngoài trang bị lại các trò chơi, chúng tôi đề xuất xây sân bóng, trồng cây xanh… để tạo ra sân chơi bổ ích, lý thú cho trẻ em trên địa bàn quận.

NGỌC HÀ thực hiện

;
.
.
.
.
.