.
Cafe sáng

Biển sẽ bình yên

.

Những ngày biển bão giông, nghe một câu hát, đọc một dòng thơ về Hoàng Sa, Trường Sa cũng khiến em nao lòng. Xem MV “Tiến quân ca” với sự tham gia của 1.300 người, trong đó có khoảng 300 nghệ sĩ và cả thiếu nhi, em thấy có lẽ chưa bao giờ Quốc ca Việt Nam trở nên hào sảng và thiêng liêng đến thế! 1.300 người mặc áo đỏ, có ngôi sao vàng, đặt tay lên ngực và hát vang “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc...”.

Các nghệ sĩ, cá nhân tham gia MV “Tiến quân ca”.     (Ảnh do ca sĩ Lê Anh Dũng cung cấp)
Các nghệ sĩ, cá nhân tham gia MV “Tiến quân ca”. (Ảnh do ca sĩ Lê Anh Dũng cung cấp)

Nhiều người bình luận trên trang YouTube rằng, họ quá xúc động, thậm chí đã khóc khi xem MV này. Có những người Việt Nam sống ở nước ngoài từ nhỏ, phát âm tiếng Việt không chuẩn nhưng vẫn tập hát “Tiến quân ca” theo clip. Em tin họ nói thật. Và em hiểu, hàng triệu triệu người dân Việt Nam đang hướng ra Biển Đông, hướng về “Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả/ Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn”.

Bạn em bảo, sao trên trang facebook chỉ thấy em đăng tải ảnh gặp gỡ, uống cà-phê cùng bạn bè, mà rất ít thấy thể hiện lòng yêu nước trong những ngày tháng 5 nóng bỏng. Còn em nghĩ, lòng yêu nước vốn tự cháy trong trái tim của mỗi người dân Việt, được thể hiện bằng nhiều cách, bởi thế hệ của em về sau, từ nhỏ, hầu như ai cũng được học “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”.

Cũng chính vì “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” mà trong lịch sử, biết bao người mẹ đã âm thầm tiễn con đi, dâng con cho Tổ quốc. Áo mẹ bạc sờn nhưng tình yêu dành cho quê hương thì không phai nhạt. Và cũng chính vì “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” mà khi “đất nước lâm nguy/ những bàn tay siết chặt”, nhất là khi giàn khoan Hải Dương-981 được cắm ngay ngực biển, làm thắt lòng bao trái tim Việt.

Nhà văn quân đội Nguyễn Đình Tú kể rằng, giữa tháng 5 vừa qua, anh đã chia tay một người bạn lên tàu ra khơi làm nhiệm vụ. “6 năm trước, bạn mang ba lô từ một đơn vị Cảnh sát biển về dự trại viết của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Khi ấy, bạn làm thơ còn vụng, viết văn còn dở nhưng ai cũng quý mến bạn vì bạn “có nhiều chuyện lạ về biển đảo” để kể cho mọi người nghe. Bây giờ bạn đã là một cây bút “cứng” của lực lượng, và lần này bạn ra đi... ”, nhà văn Nguyễn Đình Tú kể.

Đêm trước lúc người Cảnh sát biển ấy lên đường làm nhiệm vụ, vợ của anh không nói gì, cứ trở mình, cũng không nỡ mở lời với chồng, có lẽ sợ nói chuyện “xa cách nghìn trùng” sẽ không tốt cho người đi xa. Hai cô con gái biết bố đi “công tác đặc biệt”, nhưng không dám hỏi bố đi lâu hay mau, về có quà cho con như mọi khi...

Trước giờ lên đường, người Cảnh sát biển đã hí hoáy những dòng thơ trên trang sổ nhỏ:

“Tổ quốc ơi,
Có thể con sẽ là ngôi mộ gió
Bạc phếch chân nhang nơi trảng
                cát quê nhà
Hay chỉ là một con sóng nhỏ
Hằng đêm thức cùng trùng khơi...
Một ngôi mộ gió
Trăm ngôi mộ gió
Ngàn ngôi mộ gió
Và nhiều hơn thế nữa
Bên nhau khẽ hát
Khúc tráng ca biển Việt suốt
                                                    bao đời... ”

Câu chuyện được đăng tải trên facebook với hàng trăm lượt “like”. Có bình luận rưng rưng rằng: “Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”, một ngày gần nhất trời sẽ lặng, biển sẽ yên và các anh sẽ trở về; hay: Một khúc ca bi tráng! Rồi tất cả sẽ trở về chốn cũ. Cầu mong...

Hơn lúc nào hết, biển đảo đang đi vào những bữa cơm của gia đình, trong những buổi chuyện trò bên ly cà-phê. Già hay trẻ, hễ là người dân Việt thì không thể không thao thức với Hoàng Sa, Trường Sa; không thể không thao thức về những người nơi đầu sóng ngọn gió và mong trời sẽ lặng, biển sẽ bình yên.  

Nhà văn Nguyễn Đình Tú cũng viết rằng, những người cũ chưa về, những người mới lại ra đi, để “Tổ quốc sẽ cao hơn và trời xanh thẳm mãi/ Mộ gió ru hời bên con sóng tuổi đôi mươi…!”.

TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.