Trong chiến tranh, nhiều anh chị em văn nghệ sĩ Khu V đã ngã xuống trong những chuyến đi công tác, trong những trận chiến đấu sống mái với quân thù. Mà lạ thay, khi ngã xuống, các anh các chị đều chọn cho mình nằm lại ven những bãi phù sa dọc sông Thu Bồn. Đôi lúc tôi cứ nghĩ, các anh các chị như những hạt giống ươm cho những mùa sau.
Nghệ sĩ múa Phương Thảo |
Tác giả bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” Nguyễn Mỹ đã viết về người vợ tiễn đưa chồng ra trận nhưng họ không bao giờ chia ly vì chung quanh họ mọi cảnh sắc, mọi sự việc đều gợi đến ngày sum họp… Anh đã ngã xuống bên dòng Đak Ta, một con suối nhỏ chảy về sông Tranh, ngọn nguồn của dòng sông Thu Bồn trìu mến. Bây giờ vẫn chưa tìm được hài cốt của anh, chỉ có nấm mộ tượng trưng được dựng lên ở Nghĩa trang liệt sĩ Trà My. Người thân của anh từ mảnh đất Phú Yên xa xôi, lâu lâu ra ngồi khóc bên mồ anh mà tưởng tượng bóng dáng anh về. Nhiều người chồng trong thơ anh đã trở về sum họp với vợ con, còn anh, tác giả bài thơ không bao giờ về nữa, anh cùng với dòng máu đỏ của anh ở lại với lòng đất mẹ Quảng Nam.
Khi sông Tranh xuôi về tới Hiệp Đức, nó được gọi tên là sông Thu Bồn. Tại đây, một con sông nhỏ mừng rỡ a vào ôm chặt mẹ Thu Bồn: Sông Trà Nô. Bạn tôi, họa sĩ Hà Xuân Phong, một cây cọ có những bức tranh sống động về các bà mẹ trụ bám, các em thiếu nhi giao liên, đã băng qua dòng Trà Nô nước lũ để đi họp và anh không trở về. Anh người quận Ba, Đà Nẵng, khi anh đi tập kết, quê anh chỉ là những ngôi nhà tôn trên cát, những ngôi nhà chồ nghiêng ngả ven bờ sông Hàn. Anh đã qua tận xứ Nga giá rét để học hội họa và trở về quê mong tái hiện cuộc chiến đấu của bà con quê mình. Chắc bây giờ trở lại bến Hà Thân nước xanh như tàu lá, Hà Xuân Phong sẽ ngạc nhiên trước bao nhiêu ngôi nhà cao tầng mọc trên đất quê mình. Nhưng Hà Xuân Phong đâu còn trở về nữa. Anh nằm xuống bãi cát cuối sông Trà Nô đổ vào sông mẹ Thu Bồn.
Dòng sông Thu Bồn vẫn đổ về xuôi. Tại vùng đất ngày nay bà con ta thường tổ chức lễ hội “Bà Thu Bồn”, ở bên một dòng suối có những hàng tre tỏa bóng mát đổ ra sông Thu, vào năm 1971, có một chiếc hầm bí mật. Nơi đây, nhà văn Chu Cẩm Phong, tác giả hai tập truyện và ký “Mặt biển mặt trận”, “Rét tháng giêng” và tập “Nhật ký chiến tranh” đồ sộ và giàu xúc động, cùng đồng đội đội tung nắp hầm bí mật, xông lên chiến đấu quyết liệt với quân thù.
Quyển sổ viết nhật ký cuối cùng anh mang theo ở đây được một sĩ quan Sài Gòn nhặt được và đem về cho bạn mình. Sau này, anh bạn đã tìm trao lại cho đồng đội Chu Cẩm Phong. Đồng đội anh đã ghép tập này (tập thứ 5) cùng 4 tập trước (do đồng đội giữ) thành tập Nhật ký chiến tranh mà ta đã biết. Hiện nay, Chu Cẩm Phong đã được Nhà nước trao “Giải thưởng Nhà nước” về văn học nghệ thuật và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Ngôi mộ anh nằm ở Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hội An, trên bia ghi dòng chữ: Trần Tiến (nhà văn Chu Cẩm Phong) sinh 1941, hy sinh 1971. Tại đây, hằng năm, có một người phụ nữ bay từ Hà Nội vào thắp nhang bên mộ rồi vịn tay vào tấm bia lặng lẽ khóc…
Chếch về phía nam bến đò La Tháp, thuộc xã Duy Châu là nơi nghệ sĩ múa Phương Thảo nằm lại. Người ta kể rằng, có một cụ già thương chị quá đã trồng bên mộ chị những cây hoa đồng. Mùa xuân hoa nở rộ, mộ chị biến thành một vồng hoa. Người con gái đẹp người đẹp nết này đã được nhiều người biết đến từ thời chị còn ở miền Bắc: trong một tờ lịch năm ấy có in ảnh chị kiêu sa và lộng lẫy. Người ta cho chị đi nước ngoài để học. Nhưng chị không đành lòng ra đi, các em nhỏ, các bạn gái quê hương đang nóng lòng chờ chị trở về. Và trong những căn hầm dưới lòng đất, sát bên đồn giặc, chị dạy cho các em, các bạn múa hát những bài ca cách mạng. Chị đã ngã xuống trong một đêm mưa tầm tã trên đất Duy Châu… Một quả cối từ đồn Kiểm Lâm nã tới trong tiếng hát đồng ca chưa dứt của các em…
Nhà văn Chu Cẩm Phong |
Dòng sông Thu Bồn chảy qua mảnh đất Điện Bàn, nơi một nhà thơ có lần phải thốt lên: “Cầm mảnh đất trên tay. Mảnh bom nhiều hơn đất”. Nhạc sĩ Văn Cận, nhà thơ Nguyễn Trọng Định và nhà văn Nguyễn Hồng đã lần lượt ngã xuống nơi đây.
Nhạc sĩ Văn Cận quê ở Gò Nổi, Quảng Nam, sinh ra tại Đà Nẵng. Trong kháng chiến chống Pháp anh sáng tác bản nhạc Đánh giặc-tăng gia rất nổi tiếng:
- Nếu tăng gia mà không đánh giặc
Thì thằng giặc nó cướp của ta
- Nếu đánh giặc mà không tăng gia
Lấy gì đâu nuôi ta đánh giặc
Tập kết ra Bắc, anh công tác ở Đoàn văn công Liên khu V. Năm 1957, anh sáng tác ca khúc “Giữ trọn tình quê” làm xúc động trái tim hàng triệu người, nhất là cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết:
Xin gửi về Nam
tấm lòng vàng đá
Thủy chung này, nguyện giữ trọn tình quê
Nhớ khi cắt tóc ăn thề
Có ta có bạn tình quê mặn nồng
Năm 1966, anh về Nam, công tác ở Hội Văn nghệ giải phóng Khu V. Ngày 24-1-1968, Văn Cận ngã xuống trong một trận bom tọa độ của giặc Mỹ khi đang đứng tập hát cho Đoàn văn công Quảng Đà tại Gò Nổi quê anh. Nấm mộ của anh sau này bị giặc cày ủi nhiều lần, đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt…
Nhiều người còn nhớ một chàng trai Hà Nội nho nhã: Nhà thơ Nguyễn Trọng Định. Anh làm phóng viên Báo Nhân Dân, say mê đi cùng bộ đội, du kích ghi và viết. Người ấy còn là một nhà thơ viết nên những câu thơ cảm động về Sắc cầu vồng tuổi thơ, về một người mẹ trao cho anh bát nước vối quê hương ngọt mát trên đường anh hành quân ra trận. Trong một ngày mưa lũ, dòng sông Thu Bồn sục sôi sóng, anh đã bơi qua sông tránh trận càn của địch và anh ở lại với dòng sông…
Một chàng trai khác, người Hà Tĩnh, nói giọng oang oang, phong cách như một quân nhân rất quyết liệt đã từ khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội ra chiến trường. Anh xung phong về Ban văn học Quân khu V. Vừa đặt ba lô xuống, anh đã xin đi công tác ở đường 19, viết một ký sự dài Đêm cao điểm đến nay còn làm thổn thức nỗi lòng bao thế hệ người đọc. Vào mùa xuân 1973, anh xuống công tác ở Điện Bàn. Một sáng nọ, địch lấn chiếm lên xã Điện Hồng của ta. Lúc ấy, do chấp hành chỉ thị cấp trên, rằng “địch lấn chứ không chiếm” nên một số cán bộ và chiến sĩ không muốn đánh lại. Nguyễn Hồng-chàng trai ấy, nhà văn ấy nói: “Địch lấn chiếm đất ta thì ta phải chiến đấu giành lại. Ai đánh địch thì đi cùng tôi ra trận địa”. Trận đánh không cân sức, Nguyễn Hồng bị hy sinh. Địch đã cột xác anh vào sau xe tăng, cho xe chạy để làm cho thân thể anh nát nhừ rồi đem bêu ở cọc rào trước đồn. Bà con ta đã đấu tranh quyết liệt với quân thù để giành xác anh về chôn… Bây giờ mộ anh nằm ở nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn.
Khi xuôi theo dòng sông Thu Bồn về phía Cửa Đại (Hội An) ta hãy dừng lại ở Xuyên Tân (nay là Duy Thành) thăm bức tưởng niệm cùng ngôi mộ của nữ nhà văn Dương Thị Xuân Quý. Chị Quý nguyên là phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam. Trước khi vào chiến trường, chị là một nhà văn viết truyện ngắn xuất sắc với tập “Chỗ đứng”. Khi con chị mới 2 tuổi, chị gửi lại cho mẹ, tình nguyện vào Nam chiến đấu cùng chồng. Ngay trên đường hành quân, chị viết truyện Hoa rừng và các bút ký khác. Vào tới Khu V, chị xung phong đi công tác vùng sâu và ngã xuống tại Xuyên Tân, nơi mảnh đất cuối dòng sông Thu Bồn, sắp đổ ra biển…
Sau chiến tranh-cho đến tận hôm nay-khi cùng các bạn đi tìm hài cốt của các anh, các chị về tập hợp ở các nghĩa trang, tôi chợt nghĩ, như có sự giao kèo thống nhất sâu xa nào đó của những linh hồn, các anh các chị đều nằm ôm chặt những mảnh đất phù sa dọc theo sông Thu Bồn, từ nguồn xuống biển, như quyết giữ gìn con sông của quê hương, của Tổ quốc này, không để mất vào tay giặc. Và như để thành kính, nhớ ơn, dòng sông quê mãi rì rầm những con sóng, ru cho các chị các anh giấc ngủ ngàn năm…
THANH QUẾ