.

Đầu tư hiện vật cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng

.

Đề án xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã được UBND thành phố thông qua. Tuy nhiên, theo giới nghiên cứu, cần chú trọng đầu tư hiện vật sao cho bảo đảm chất lượng thì mới khẳng định được tầm vóc của một bảo tàng mỹ thuật đại diện cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên và tạo sức hút với khách tham quan.

Các cuộc triển lãm mỹ thuật luôn thu hút khách tham quan.
Các cuộc triển lãm mỹ thuật luôn thu hút khách tham quan.

Muộn còn hơn không!

Ngày 14-5 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ làm việc với lãnh đạo Sở VH-TT&DL về việc triển khai Đề án thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Theo đó, khu đất và dãy nhà 3 tầng với diện tích gần 1.800m2 tại địa điểm 78 Lê Duẩn (trước đây là Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng) sẽ được cải tạo, nâng cấp trở thành Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng với nguồn vốn đầu tư ước tính 20 tỷ đồng. Cụ thể, dãy nhà 3 tầng hiện tại sẽ được nâng cấp, sửa chữa phù hợp để làm cơ sở trưng bày cố định; đồng thời xây mới khu nhà 3 tầng trên diện tích đất (hiện là văn phòng làm việc của Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử) phục vụ công tác trưng bày chuyên đề, kho lưu giữ hiện vật, khu nhà làm việc; trong khuôn viên sẽ làm vườn tượng mang tính mỹ thuật…

Ông Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng cho biết: “Giới hoạt động mỹ thuật thành phố rất vui mừng trước thông tin này, vì cuối cùng đề án cũng đã được lãnh đạo thành phố ủng hộ. Vậy là không lâu nữa Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sẽ ra đời. Lẽ ra chúng ta phải làm sớm hơn nữa vì nhiều tác phẩm hay, có giá trị đã bị các tác giả bán đi hết rồi… Nhưng thà muộn còn hơn không có gì cả!”.

Trong khi đó, ông Ông Văn Sinh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Đà Nẵng, nhìn nhận dù Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng ra đời muộn hơn so với các bảo tàng mỹ thuật tại hai thành phố lớn của cả nước (thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội), nhưng bây giờ việc đầu tư xây dựng một bảo tàng như thế vẫn còn kịp, bởi Quảng Nam-Đà Nẵng là vùng đất truyền thống với những di sản văn hóa độc đáo, giàu giá trị thẩm mỹ và nhân văn như điêu khắc kiến trúc Chămpa (Thánh địa Mỹ Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm), kiến trúc cổ Hội An; các làng nghề truyền thống như: làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, nghề chạm khắc gỗ Kim Bồng, nghề đúc đồng Phước Kiều, mỹ thuật gốm sứ La Tháp hay nghề dệt tơ lụa Duy Xuyên… “Chúng ta có nguồn lực sáng tạo đông đảo nên sẽ khai thác, cung cấp hiện vật cho bảo tàng, nhất là hiện vật mỹ thuật ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên mà các nghệ nhân, họa sĩ đang lưu giữ tại gia”, ông Sinh nói thêm.

Hiện vật trưng bày phải đạt chất lượng

Về nguồn tư liệu mỹ thuật, hiện thành phố chỉ có 148 tác phẩm ký họa, tranh cổ động do gia đình của cố họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh tặng. Ngoài ra, còn có 3 tác phẩm mỹ thuật của các họa sĩ ở các tỉnh trong khu vực hiến tặng; tác phẩm của họa sĩ Thế Vinh vẽ về danh thắng Ngũ Hành Sơn, tác phẩm bức phù điêu tạo hình bằng gốm sứ của tác giả Hoan Trang.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở VH-TT&DL về việc triển khai Đề án thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đặt câu hỏi cho các nhà chuyên môn và cơ quan quản lý chuyên trách: “Xây xong rồi, làm sao để thu hút người dân và du khách tham quan?!”. Đó cũng là nỗi trăn trở của những người tâm huyết với ngành mỹ thuật Đà Nẵng. Ông Hồ Đình Nam Kha nói: “Dù quỹ tác phẩm của chúng ta hầu như chưa có gì nhưng không phải vì thế mà chạy theo số lượng, ai hiến tặng gì cũng đem trưng bày tại bảo tàng. Nhất thiết chỉ chọn và trưng bày những tác phẩm có giá trị, chất lượng”.

Theo đó, ban đầu mỗi họa sĩ sẽ chọn 3 bức tranh mà mình tâm huyết nhất, trưng bày tại triển lãm. Sau đó, hội đồng thẩm định chọn những tác phẩm có giá trị và Bảo tàng sẽ mua lại với mức giá tượng trưng để trưng bày. Trong các đợt mở trại sáng tác, nên mời các họa sĩ có tiếng tham gia để có những tác phẩm chất lượng. “Người ta chỉ đến tham quan bảo tàng nếu ở đó có các tác phẩm có giá trị, mang tính nghệ thuật cao”, ông Kha góp ý.

Ông Hà Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng, Trưởng ban quản lý dự án Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, cho biết đề án cũng rất chú trọng công tác sưu tầm hiện vật cho bảo tàng. Theo đó, thông qua các đợt triển lãm, các cuộc thi, trại sáng tác để hình thành nguồn tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng; đồng thời vận động hiến tặng, thỏa thuận mua lại với giá hữu nghị; trao đổi với các bảo tàng lớn như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh… Trong giai đoạn từ năm 2014-2017, dự kiến sưu tầm 200 tác phẩm với mức kinh phí đầu tư 4 tỷ đồng.

Theo hầu hết các ý kiến của chuyên gia trong ngành, chính quyền thành phố nên sớm triển khai xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân và khách tham quan; đồng thời bảo tồn, lưu giữ, trưng bày, khai thác và phát huy giá trị những di sản mỹ thuật của nhiều thế hệ nghệ nhân, họa sĩ ở Đà Nẵng và cộng đồng các dân tộc ở khu vực Nam Trung Bộ-Tây Nguyên, qua đó giúp nâng cao thị hiếu nhận thức mỹ thuật của người dân, nhất là học sinh…

Vì tính cần thiết và cấp bách đó, trong buổi làm việc gần đây với ngành văn hóa, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Sở VH-TT&DL nhanh chóng hoàn chỉnh các thủ tục liên quan, triển khai việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp dãy nhà 3 tầng tại số 78 Lê Duẩn để xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật, chậm nhất hoàn thành trong tháng 10-2014 để bố trí kế hoạch vốn năm 2015.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.