.

Hải Triều, nhà văn - nhà lý luận xuất sắc

.

Trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, nhắc đến Hải Triều, người ta luôn nghĩ đến ông là một chiến sĩ xung kích, đầy dũng cảm trên mặt trận lý luận, phê bình văn nghệ thời kỳ 1930-1945.

 

Hải Triều tên thật Nguyễn Khoa Văn, sinh năm 1908, mất năm 1954, quê quán tại An Cựu (Huế), thuộc dòng họ nhiều đời khoa bảng. Trước khi được biết đến là một cây bút phê bình, lý luận sắc bén, Hải Triều từng là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Thừa Thiên (tháng 6-1930), rồi Thành ủy viên Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (tháng 8-1930), viết bài cho Báo Cờ Đỏ - cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng lúc bấy giờ. Năm 1931, ông bị thực dân Pháp bắt và đưa về Huế kết án. Từ những năm 1930 đến trước khi mất, Hải Triều luôn là nhà văn, nhà báo, nhà lý luận sắc bén, tích cực của văn đàn Việt Nam. 

Trong bộ sách Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, 2 tập, dày 1.040 trang (tập I) và 1.195 trang (tập II) của NXB Lao Động (HN 2002), tập hợp nhiều cuộc tranh luận, thì hai cuộc tranh luận nảy lửa, để lại dấu ấn khó phai mờ trong lịch sử văn học Việt Nam, đều ghi công lao của Hải Triều.

Cuộc tranh luận thứ nhất tranh luận về Duy tâm hay duy vật, diễn ra từ năm 1933-1939. Đây là cuộc tranh luận về tư tưởng và triết học. Năm 1933, sau cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp, đàn áp các phong trào yêu nước và cách mạng, trước làn sóng tư tưởng cải lương, xuất hiện khuynh hướng thoát ly, vừa sau khi ra khỏi tù, trên diễn đàn công khai, Hải Triều tranh luận triết học với Phan Khôi - một học giả nổi tiếng đương thời.

Cuộc bút chiến chung quanh vấn đề Duy tâm hay duy vật trên Báo Đông Phương đã đưa tên tuổi Hải Triều vang dội cả trong Nam ngoài Bắc. Với lý luận sắc sảo, giọng văn đầy thuyết phục, ông đã chỉ ra những sai  lầm về nguyên lý (erreur de principe) của Phan Khôi.

Thật ra, những ý kiến của Hải Triều tranh luận với Phan Khôi không có nghĩa là bắt ông già hơn tác giả 30 tuổi phải nghe và làm theo. Cái chủ yếu nhất là thông qua đây, giác ngộ quần chúng, nhất là tầng lớp trí thức thành thị đương thời. Đọc những bài Ông Phan Khôi không phải là một học giả duy vật (Đông Phương số 891, ngày 20-10-1933), Ông Phan Khôi là một học giả duy tâm (Phụ nữ Tân Tiến, số 1-1934) vào những năm sau thất bại của Nguyễn Thái Học tại Yên Bái, sau đàn áp đẫm máu đối với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, với những khủng hoảng tâm lý, lý tưởng... của không ít thanh niên trong các đô thị thời ấy, mới thấy hết ý nghĩa thời sự của những gì mà Hải Triều đã viết trên các báo.

Sát cánh cùng Hải Triều có những cây bút phái tả như: Thanh Lâm, Hoàng Tân Dân, Phan Văn Hùm, Hồ Xanh, Hải Vân, Sơn Trà, Bùi Công Trừng… làm cuộc tranh luận không chỉ dừng lại ở những vấn đề học thuật thuần túy. Hơn thế nữa, các nội dung tranh luận còn hướng tới những vấn đề chính trị thực tiễn, thức tỉnh các lực lượng tiến bộ và yêu nước trong xã hội, chống lại chủ trương nô dịch của chính quyền thực dân và phong kiến.

Thông qua tranh luận này, Hải Triều đã dùng quan điểm duy vật để khẳng định các luận điểm về “Sự tiến hóa của văn học và sự tiến hóa của nhân sinh” (Đông Phương, số 872 ngày 12-8-1933 và số 873 ngày 19-8-1933).

Mãi đến năm 1939, trên tạp chí Tao Đàn các số 3, số 8, số 12 và số 13, giữa Ngô Văn Triện, Bùi Công Trừng và Phan Khôi về vũ trụ quan duy vật của Khổng Tử, cuộc tranh luận mới đi vào hồi kết thúc.

Có thể khẳng định, cuộc tranh luận Duy tâm hay duy vật đã đem lại thắng lợi cho tư tưởng tiến bộ, nhất là mỹ học mác-xít trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Công lao này trước hết thuộc về Hải Triều.

Cuộc tranh luận thứ hai tranh luận về Nghệ thuật vị nhân sinh hay nghệ thuật vị nghệ thuật. “Đây là cuộc tranh luận về quan điểm nghệ thuật lâu nhất, diễn ra trên báo chí công khai ở nước ta trong thời kỳ 1935-1939, có quy mô rộng rãi, tầm vóc đặc biệt và ý nghĩa vô cùng sâu sắc” (xem Nguyễn Ngọc Thiện, Tranh luận văn nghệ, thế kỷ XX, tập II, NXB Lao Động, HN 2002, trang 517).

Quả đúng vậy. Cuộc tranh luận này đã góp phần to lớn trong việc thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc trước Cách mạng Tháng Tám. Chưa nói đến đúng - sai, phải - trái, thuận - nghịch…, cần thấy rằng, qua thời gian dài đấu tranh, cọ xát, vận dụng mọi lý thuyết về triết học, mỹ học, lý luận văn chương, cả Đông lẫn Tây, cả xưa và nay…, nền văn học Việt Nam đã tiến một bước khá dài. Lần này, không chỉ tranh luận trên báo chí mà còn cả xuất bản sách như Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều, Lưu Trọng Lư in cuốn Văn chương và Hành động (NXB Phương Đông, 1936), Hải Triều với Văn sĩ và xã hội (Hương Giang thư quán xuất bản, Huế, 1937).   

Cuộc tranh luận về Duy tâm hay duy vật đang hồi quyết liệt thì vào đầu năm 1935, khi Thiếu Sơn - người khơi mào và mở màn tranh luận với bài Hai cái quan niệm về văn học, đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy, số 38-1935, Hải Triều lại đăng đàn, xuất chinh. Hải Triều, qua Báo Đời mới số 24-3-1935 và số 7-4-1935, bằng  những dẫn chứng đầy tính thuyết phục từ H. Taine, Diderot, L. Tolstoi, Ch. Dickens... đến M. Gorki, H Barbusse, R. Rolland... chứng minh cho “chủ trương lấy nghệ thuật mà phụng sự nhân sinh”, “mượn nghệ thuật làm lợi khí để khuyến khích quần chúng vào con đường mới”. Trên Báo Trung Kỳ số 1 (9-10-1935) và số 4 (6-11-1935), Hải Triều lại tiếp tục bàn rộng về vấn đề nghệ thuật với nhân sinh. Điểm đáng lưu ý là, sau đó không bao lâu, trong bài viết Văn học và bình dân đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy, Thiếu Sơn đã nhận ra những chỗ chưa đúng của mình và thành thực mong ước: “Một mai nếu có nhiều tác giả An Nam viết được những sách có giá trị, nói tới hạng lao động thợ thuyền, hạng nông phu điền dã thì văn học Việt Nam cũng sẽ bước một bước dài trên đường tiến hóa”.

Mấy tháng sau, trên Tràng An số ra ngày 11-8-1935, Hoài Thanh quan niệm “Văn chương là văn chương”. Hải Triều lại ra quân một lần nữa, lần này gay gắt và kéo dài cho đến hết thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Qua tranh luận với Hoài Thanh, Hải Triều tiếp tục giải quyết những vấn đề về mối quan hệ giữa văn học với hiện thực, về thiên chức của người nghệ sĩ, chức năng xã hội của văn học, tính chân thực của văn học...

Hải Triều hăng hái giới thiệu Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, đánh giá “Kép Tư Bền, một tác phẩm thuộc về cái trào lưu nghệ thuật vị nhân sinh của nước ta” (Tiểu thuyết thứ bảy, số 62, 8-1935). Ông biểu dương những truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan và tuyên chiến với thứ văn chương “yêu đời, vui đời, chán đời, lãng mạn, du dương, mơ mộng, thần bí” lúc bấy giờ.

Trên Dân Tiến, số 1, ngày 27-10-1938, Hai Triều có bài viết “Lầm than, một tác phẩm đầu tiên của nền văn tả thực xã hội ở nước ta”, không chỉ biểu dương Lan Khai mà còn nêu rõ quan điểm: “Trong lúc này, nhà văn, tôi không nói riêng gì nhà văn Việt Nam, nếu còn giữ lương tâm, nếu còn trọng ngòi bút, thì sẽ hiểu được một cách dễ dàng sứ mệnh quan trọng và cao cả của họ, sẽ thấy rõ con đường mà họ phải đi, mặt trận mà họ phải sắp”. Thật là vừa chí tình vừa đanh thép. Chữ nghĩa lý luận như vậy chỉ có Hải Triều, vì lẽ nó đi ra từ một trái tim cháy bỏng khát vọng cho văn chương và dân tộc Việt Nam.

Từ năm 1937-1939, trên các báo Sông Hương (tục bản), Dân Tiến, Tao Đàn..., Hải Triều tiếp tục trình bày những kiến giải về văn học, trên cơ sở mỹ học mác-xít. Không có thứ văn chương thuần túy trong sạch “tuyên bố như thế là nhà văn trốn vào tháp ngà (tour d’ivore) để tự dối mình và dối người mà thôi (Tao Đàn, số 2-1939). Văn chương không khác gì là tấm gương của thời đại: “Cụ Nguyễn Du trong khi khóc thân thế của cô Kiều ở bên Trung Quốc, chẳng qua là để giải tỏ cái phận éo le của mình cùng bao nhiêu nỗi cay đắng về thời Hậu Lê”.

Trước 1945, Hải Triều là người dành nhiều tâm sức trong việc giới thiệu những nhà văn vô sản, tiến bộ như M. Gorki, H. Barbusse, R. Rolland.

Ngày M. Gorki qua đời (18-6-1936), trên Báo Hồn Trẻ, Hải Triều giới thiệu toàn bộ văn nghiệp của nhà văn “dưới đáy” này. Khi H. Barbusse từ biệt cõi thế (30-8-1935), ông dành những trang văn cảm động ca ngợi nhà văn vô sản Pháp. Với R. Rolland, ông viết: “Một thế giới trong một con người. Con người ấy là Romain Rolland”.

Trước giờ phút gần từ biệt cõi đời, lúc 13 giờ ngày 6-8-1954, tại Bệnh viện Hà Lùng - Thanh Hóa, trong những Chúc thư, ông vẫn một lòng nặng nợ với Văn và với Đời. Trong một thư gửi Tố Hữu, Hải Triều viết:

Anh Tố Hữu thân mến,

Tôi về đến Khu IV thì đau nặng và hôm nay viết chúc thư gửi anh đây.

Công tác tuyên truyền trong thời gian qua quan trọng quá. Tôi chúc anh thắng lợi… Tôi còn một hơi thở nhẹ viết cho anh đây… Trước lúc chết, nhớ Bác quá!  

Nhớ Hải Triều là nhớ một chiến sĩ kiệt xuất của Đảng trên mặt trận văn hóa văn nghệ. Cả đến những giây phút cuối cùng của đời mình, ông còn gửi gắm lại biết bao hoài bão và niềm tin cho bạn bè, cho nghệ thuật, cho đất nước.

HUỲNH VĂN HOA

;
.
.
.
.
.