.

Hạt hành trình

.

1.

M. chưa bao giờ nghĩ có một ngày mình sẽ viết những mẩu chuyện ngăn ngắn, lịt tịt thế! Nom nó giống như người lùn trong cuốn Gulliver Du Ký của Jonathan Swift anh đọc từ nhỏ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Khởi đầu bước vào nghiệp viết anh muốn viết dài. Càng dài càng chứng tỏ mình tài năng, phong độ. Chẳng phải nghe đâu giải Nobel dành cho văn xuôi đòi hỏi nhà văn phải có viết tiểu thuyết đó hay sao? Anh còn nhớ mình từng viết được cái truyện khoảng mười bốn trang đánh máy khổ A4. Ghê chưa? Thời bao cấp những năm tám mươi chưa có vi tính. Laptop thì càng xa xỉ. Chẳng ai biết nó là cái thứ linh diệu quỷ mốc gì!  Nghề văn lúc ấy thật vất vả. Nhà văn phải rị mọ tháo mồ hôi viết tay từng tờ bản thảo như gieo hạt từng chữ trên giấy. Những hàng đều tăm tắp như một nhà nông thuần thục trên cánh đồng tâm hồn mình. Chữ hay hành trình của hạt. Cày xới, băm bổ, vắt nát óc thật sự. Mà ngày đó cũng chưa có chuyện photocopy, mỗi tác phẩm chỉ viết được một bản duy nhất. Vì thế mà kham khổ, mà quý báu. Nhìn những hạt chữ khảm trên bản thảo như những hạt ngọc thực sự. Còn những cái bản sao cực kỳ là thượng thặng. Và thường khi có việc liên quan đến giấy tờ quan trọng thì mới làm. Đó là phải đem các văn bản sao ra cửa tiệm sang ảnh rồi phải mất cả tuần mới lấy được. M. nhớ có hai cách làm bản sao. Chụp lại bằng máy ảnh rồi rửa ra. Đánh máy lại văn bản sang một tờ giấy khác và đưa cả hai đi công chứng. Sau đó các cơ quan chức năng sẽ xem xét và đóng vào đó những con dấu đỏ như sao y, trích lục bản gốc với những mật hiệu của riêng họ.

Dài dòng thế để M. muốn nói sự khó khăn của nghề văn một thời. Bởi vậy viết được một truyện ngắn để đưa đi đánh máy bấy giờ là sang lắm. Xa xỉ lắm. Bởi làm gì được sở hữu ngon lành một cái máy đánh chữ? Nếu muốn có một bản truyện ngắn đẹp đẽ - mang phong cách “hiện đại” không còn cách nào khác phải đưa ra các tiệm đánh máy trên phố với giá tính sít sao từng trang. Mà thường thì họ trình bày theo kiểu nhân viên văn phòng. Nhìn văn bản khô khốc vô cảm. Chữ đổ từ trên xuống ràm rạp như những cánh rừng trập trùng hoang vu. Nhiều chỗ do vội vàng đánh sai, họ đã dùng dấu X dập lên thành dãy ký hiệu XXXX kéo dài như đám tù nhân trói chân tay thúc thủ bị điệu ra trước trường bắn. Không hiểu sao M. ác cảm lạ lùng với cách làm việc máy móc ít sáng tạo đó. Anh thấy chỉ mới cầm văn bản lên đã thấy một cái truyện thiếu sinh động. Chữ và thế giới quan bao giờ cũng có những cơn cớ liên quan về độ biểu cảm nhất định.

Qua giới thiệu người bạn, M. đến gặp một thầy giáo dạy văn trung học làm thêm ngoài giờ để nhờ anh đánh máy giúp. Anh ta hỏi thăm rất kỹ gu của M. thế nào trong trình bày văn bản. Đúng là dân văn chương có khác! Anh tiếp cận rất nhanh. Anh trình bày cẩn thận và đẹp. Bản đánh máy có thêu những hoa văn. Qua hàng, thụt vào ba ô và các chữ cái đầu tiên đều được viết hoa bằng một font chữ anh sáng tạo từ những dấu câu như ngoặc đơn, ngoặc kéo. M. hoàn toàn hài lòng. Và để có bản đánh máy cái truyện ngắn mười bốn trang đó M. đã méo mặt trả một số tiền khủng khiếp. Hình như bằng nhuận bút một truyện ngắn báo được in ngày đó.      

2.

Trong nghề viết dường như không ai dạy ai được cả. Mọi kinh nghiệm viết văn đều như rút tỉa từ máu thịt cuộc sống. Một người cầm bút như được thử thách từ thấp đến cao, từ trong ra ngoài. Và ở phương diện nào cũng phải trả giá, phải lăn lộn rút tỉa. Khởi nghiệp kẻ mê chữ nhẹ vía thường bị ma mài mắt. Nhìn bóng đom đóm lập lòe trêu ngươi phía ngoài nhưng không va động nổi cái cốt tủy bên trong. Cái danh vọng phù du, hão huyền làm kẻ tập tọng tưởng bở. Cứ tưởng chỉ cần phóng bút là lên trời. Không ngờ rơi tõm vô tăm tích ngược hố sâu. Đôi khi cái vẻ sang trọng, rỗng rảng bên ngoài phải mất một đời người mới ngộ ra!...

Cũng như M. với quy trình hạt của anh. Thực sự cái truyện ngắn có độ dài mười bốn trang đó chưa bao giờ đem lại cho M. một niềm vui thực sự của người làm công việc sáng tạo cả. Mặc dù M. thường hay đem khoe nó. Thời trẻ ai mà không háo thắng? Cứ muốn phô phang một bằng chứng nào đó thật vạm vỡ! Với tiêu chí đó thì cái truyện đã đạt kỷ lục. Nó được chọn in trong tập truyện ngắn dành cho các cây bút trẻ với trang viết đầu tay. Và chễm chệ chiếm hơn bốn mươi trang. Một phần năm của cuốn sách. Chưa hết, cái tên nhăng nhít đùng đoàng của nó còn được lấy làm nhan đề chung “Truyền Thuyết Về Đảo Z” nghe rất chi là hình sự hay mở đầu một cuộc truy lùng kho báu. M. sướng! Đúng là M. có sướng. Nhưng bây giờ bình tâm nhớ lại thì thường M. khoe với chúng bạn câu này: - “Đọc chưa? Truyện tôi viết đấy! Bốn mươi trang nhé!...”. Và bao giờ M. cũng thấy người đối diện trợn ngược mắt lên tỏ vẻ khâm phục vì không tin! Thật đấy! Có một thời ngớ ngẩn! Cứ sướng râm rỉ với độ dài, to con, vạm vỡ. Mà nội dung thì chẳng có đếch gì! Lăng nhăng! Phù phiếm! Ba xu. Thật xấu hổ! Nếu không muốn nói chỉ rặt toàn những bịa đặt trẻ con vô bổ! Kéo dài rầm rề chỉ cốt khoe mẽ hay dọa thiên hạ sợ! Mà ai sợ? Và để làm gì kia chứ? Chán! Rõ chán!...

3.

Rồi M. bắt đầu thấy mệt mỏi với những cái truyện lê thê như cái chết nhạt nhẽo được báo trước. Thuyết cấu trúc với anh là một trò nhầm lẫn tai hại. Chỉ đến khi anh nhận ra cấu trúc hoàn toàn đâu phải đi tìm cách để xây dựng hệ hình truyện ngắn hiện đại mà qua chính nó, sự vật được biểu đạt, tìm thấy tươi mới trong những cấu trúc. Với một người sáng tạo sự bay bổng không cho phép họ hình dung hay cất cánh trên những đường băng sẵn có. Chân trời là chấm bay không bao giờ có đích. Sự mất dấu trên hành lang ngôn ngữ đem đến tuyệt đỉnh thăng hoa tâm hồn và huyền năng sáng tạo vô bờ bến. Với độ dài, rậm rịt không mục đích chẳng nói được gì hết ngoài sự chết thê thảm. Người đọc chưa bao giờ là những tàn binh lê thân cùng một gã nhà văn ấm ớ khởi hành vào mê lộ hoang tuyệt tích hoải mà cốt chỉ đếm dấu chân. Và điều quan trọng không phải là độ dài ngắn, dày mỏng trong cấu trúc một cái viết mà thực sự y đang định viết cái gì? Viết một cái gì đó cho một kẻ nào đó luôn luôn là một ý thức tự vấn. Một câu hỏi mở. Cái ngắn giúp anh thấy được những vẻ đẹp của tinh thể. Của muối. Của tình yêu và nỗi cô đơn tột cùng. Của cuộc sống với những phát hiện giản dị. Như ý nghĩa sự sống.Trên hết thảy, nó phù hợp với cường độ năng lượng và sinh lực anh! Một cái chết nhỏ trong một hơi thở cũng như những xúc giác tố nồng nàn tiềm ẩn của nó!

Rồi cũng sẽ đến một ngày M. chỉ muốn viết ngắn, thật ngắn! Và anh cũng nhận ra không thể ngắn hơn được nữa! Cho dù rút gọn đến bao nhiêu cũng hóa thừa thãi. Những tác phẩm cũng chỉ hun đúc nở thành một hạt giống khổng lồ. Thì ra bao năm chữ cũng chỉ bắt đầu một nghiệm sinh cho hành trình trở về. Vũ trụ bí huyền sẽ lấy lại tất cả quyền năng một thời tuổi trẻ đã hào phóng ban phát cho anh. Hạt giống anh thu không, ký hiệu gọn ghẽ trong một dấu chấm đã là quá lớn. Dấu chấm đã quá thừa thãi trước những ngưỡng bí mật hư vô…

Ngắn! Hãy ngắn nữa đi để tự hủy trong va động kiếm tìm chuỗi xoắn chưa bao giờ ngơi nghỉ. Trong im lìm màu sắc ngây ngô và  hoan mê vũ điệu của những tinh thể…

NGUYỄN HỮU HỒNG MINH

;
.
.
.
.
.