Tôi không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra hai từ “Trại Viết”, để đặt tên cho các cuộc sáng tác tập trung kiểu trại. Bản thân từ nguyên “trại”, đã tự nó nói rõ với quý vị điều gì rồi. Nhưng “trại” mà ghép vào với từ “viết” thì quả là một sáng tạo thần tình, chỉ ở ta mới có.
Thế hệ chúng tôi, có một số người từ bé đã ở trong trại, trại trẻ. Và sau trở thành nhà văn nghệ sĩ cũng trưởng thành được, chính là nhờ vào các trại, nhất là Trại sáng tác quân đội.
Trại viết là một tổ chức chặt chẽ, có cấp trên cấp dưới, có trại theo đúng nghĩa là trại. Bởi là Trại sáng tác, Trại viết nên không phải anh lính bình thường nào cũng được bén mảng tới. Chúng tôi là một sắc lính đặc biệt, hay nói văn hoa theo kiểu nhà binh thì chúng tôi là Binh chủng đặc biệt do các nhà văn nghệ sĩ nổi tiếng lớp trước phát hiện qua các nguồn khác nhau: bản thảo đã gửi về. Đơn vị giới thiệu do phát hiện tài năng qua các trại viết nhỏ lẻ. Bắt đầu là các Trại viết Quân khu hay Trại viết quân binh chủng, sau thấy anh nào có khả năng nổi bật thì được chọn tiếp tục lên dự Trại viết Quân đội tức là trại to nhất, tất nhiên chất lượng cũng cao nhất. Đây là nguồn bổ sung cho Tạp chí Văn nghệ Quân Đội và các cơ quan báo chí, văn hóa văn nghệ toàn quân... Và đến đây thì tất cả chúng tôi đều là Nhà văn trẻ có nhiều triển vọng. Đã được về đây có nghĩa là được tiếp tục bồi dưỡng, được đi học cao hơn và sau đó được bổ về những nơi… thơm hơn ở dưới đơn vị nhiều.
Trại viết tức là nơi ở tập trung, ăn tập trung, viết tập trung với đề tài tập trung, viết về lực lượng vũ trang. Trưởng, trại phó, tổ trưởng tổ viên, có góp ý trao đổi, kiểm điểm nhau cả về tư cách tác phong đến biểu hiện tư tưởng và... sinh hoạt. Thường thì tác phong sinh hoạt nói lên tư cách đạo đức tác phong và thậm chí biểu hiện cả tư tưởng của mỗi trại viên rất rõ.
Về việc bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần ở trại thì khỏi chê: Trại có cấp dưỡng nuôi quân, ăn đúng giờ theo kẻng, có quản lý tiếp phẩm, có quân y, quân nhu, bộ phận hậu cần chuyên lo đời sống, cấp nhu yếu phẩm, quân trang quân dụng, giấy bút, dầu đèn, báo chí, thỉnh thoảng được đi xem phim tham khảo và, được đi nghe nói chuyện thời sự đặc biệt do phái viên cấp trên về phổ biến. Được dự trại là một vinh dự tự hào. Trại giải quyết đủ “khâu oai” với những tiêu chuẩn ưu tiên đặc biệt kể trên, nhưng trại cũng thoáng, không đến mức ép các đồng chí phải đi báo cáo về báo cáo như trong doanh trại.
Nói tóm lại, trại có nội quy quy củ nhưng cũng không máy móc, các đồng chí tự giác là chính, không nhất thiết lúc nào cũng phải quân phong quân kỷ, quân phục quân hàm.
Sau chiến tranh nếu không có các Trại viết như thế thì sự thể sẽ như thế nào đối với cánh lính viết văn? Chúng tôi đa phần cũng như các bạn lính khác từ trong rừng ra, đa số xuất thân từ học sinh, nông dân và “sổng” một cái là nghĩ ngay đến chuyện lập thân lập nghiệp, mà lập thân thì cứ về quê hương, có gia đình dòng họ lo cho, mục tiêu chính và chủ yếu là... lấy vợ, sinh con đẻ cái. Còn lập nghiệp thì cũng đã có sẵn hợp tác xã cao cấp với cày cải tiến và con trâu, ruộng đồng có các bác chủ nhiệm lo. Lính ta anh nào có tí chữ nghĩa đều khoái lấy cô giáo làng. Anh nào lanh lợi, nhanh chân nhanh tay, nhanh mồm nhanh miệng thì chuyến về phép đầu tiên đã xây dựng gia đình được với một cô giáo cấp 1 cấp 2, khá hơn nữa thì lấy được các em mậu dịch viên ở cửa hàng bách hóa huyện hay hiệu sách nhân dân, hiệu thuốc nhân dân... Trong đám lính ham về quê lấy vợ cũng có đôi ba anh ham tìm đường học. Học đại học là số một rồi. Tiếp đó là... học gì cũng được, miễn học xong có một cái nghề, ví dụ như máy bơm, máy cày, lái xe công nông...
Được đi Trại viết cũng là một trong những cửa tuy hẹp nhưng danh giá. Mà cửa càng hẹp thì danh giá càng cao. Cửa này không có chuyện con ông cháu cha, không có chuyện xin xỏ, cấp trên ép xuống, cấp dưới đẩy lên, mà việc xét tuyển cũng không phải bài bản gì lắm, nhưng rất đặc biệt, đặc thù. Anh nào có bài viết lọt vào mắt xanh của các nhà văn nổi tiếng phát hiện, giới thiệu là cấp trên đồng ý liền. Chúng tôi được phát hiện từ các đơn vị và cấp trên triệu tập về tập trung ở một điểm nào đó, trước hết là để giao lưu, gặp gỡ với các bạn viết xa gần từ các quân khu quân đoàn, quân binh chủng, đến các tay súng tay bút địa phương quân các vùng miền. Gặp nhau tức thì cánh văn nghệ sĩ trẻ chúng tôi cứ như thân nhau từ bao giờ, mở lòng ra khoe nhau đã viết gì, đang viết gì, trong đầu đang ấp ủ thai nghén gì, sắp viết gì rôm rả và náo nhiệt, thậm chí suốt đêm kể cho nhau nghe những ý tưởng, những cốt truyện, những vốn sống và những... ý đồ. Vừa sôi nổi vụng về vừa hồn nhiên chân chất rất đáng yêu.
Sau khi ổn định tổ chức, nơi ăn chốn ở là chúng tôi được nghe các nhà văn đàn anh nổi tiếng nói về kinh nghiệm viết lách, cách lấy tài liệu, cách ghi chép rồi xử lý tài liệu đã thu lượm được, cách huy động vốn sống để viết và... bếp núc của nghề viết. Tất nhiên bọn trẻ chúng tôi từ dưới đơn vị lên, mặt mũi cứ nghệt ra, anh nào anh nấy cứ gọi là há hốc mồm ra nghe, nuốt lấy từng lời... Ăn viết. Ngủ viết. Viết hay là chết, có anh ghi hẳn câu ấy đặt trên bàn viết. Có anh cột chân mình vào bàn để tự thể hiện quyết tâm viết. Viết là lý tưởng sống.
Sau mỗt đợt phát động thường thu hoạch được cho cá nhân từng đồng chí nhiều bài học từ các đồng chí khác. Kinh nghiệm cứ thế dày lên.
Lần đầu tiên từ Trại viết Quân khu V được điều ra tập trung ở Hà Nội, đến Trại viết Quân đội để nhập trại, cảm giác gây ấn tượng nhất cho tôi là dãy nhà cấp 4 cứ hai anh một phòng ngăn đôi, tôi đặt ba lô ở đầu hồi đằng này, đi dọc hành lang, nghe tiếng máy đánh chữ từ trong các phòng dội ra rào rào, xoành xoạch, uỳnh uỵch, thỉnh thoảng có cái đầu bù xù thò ra rồi lại đóng ập cửa lại ngay. Người đi cùng tôi hôm ấy là nhà văn Nguyễn Trí Huân nói khẽ vào tai tôi: “Chúng nó đang viết đấy!”. Tôi nhớ ngay đến câu dặn gan ruột của nhà văn trại trưởng trại viết Quân khu V Nguyễn Chí Trung: “Chuẩn bị cho việc viết một truyện ngắn hay một tiểu thuyết cũng giống như chuẩn bị cho một trận đánh hay một chiến dịch. Chuẩn bị kỹ coi như thắng lợi năm mươi phần trăm”.
Cho đến bây giờ tôi thấy câu nói ấy vẫn thật chí lý, mặc dù tôi chưa bao giờ áp dụng được.
Có một nhà văn khẳng định với tôi: Các nhà văn lớn trên toàn thế giới từ cổ chí kim đều nói, lao động nghệ thuật là lao động khổ sai tự nguyện, một thứ lao động nhọc nhằn đầy khoái cảm trong cô đơn. Nhưng ở ta, trại viết đã làm được một việc vĩ đại là kéo được các nhà văn về ở và viết tập trung trong trại mà không thui chột tính sáng tạo của từng cá nhân.
Đấy là câu nói của anh bạn tôi đấy nhé, sở dĩ tôi nhắc lại câu nói ấy là vì ở ta ngày nay, bốn mùa có trại: Trại viết, trại vẽ, trại nhạc, trại sân khấu. Trại Dân tộc thiểu số, trại Giáo dục, trại Công an, Trại Quân đội… hội nào cũng mở trại, trại nào cũng thành công. Có một vài nhà văn nghệ sĩ thực hiện phương châm đâu có trại là ta cứ đi. Bất kể trại địa phương hay trại trung ương, quanh năm suốt tháng sống ở trại, ăn ở trại, chơi ở trại. Bám trại sáng tác, nay Đà Lạt, mai Nha Trang, mốt Đại Lải, kia Quảng Bá là cái sự thường.
Kể được sống vương giả như sống trong trại mà không phải làm gì, lại có danh là văn nghệ sĩ như thế thì cũng “hoành tráng” đấy chứ!
Tóm lại là như thế.
TRUNG TRUNG ĐỈNH