.

Sưu tầm hiện vật cho Bảo tàng Đà Nẵng: Quá khó!

.

Hiện vật được xem là linh hồn của bảo tàng. Vì vậy, công tác nghiên cứu, sưu tầm hiện vật luôn được các cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, công tác sưu tầm hiện vật gặp nhiều khó khăn.

Nhiều hiện vật giá trị

Việc sưu tầm cổ vật đang được Bảo tàng Đà Nẵng đầu tư để làm phong phú hiện vật trưng bày.  						Ảnh: NGỌC HÀ
Việc sưu tầm cổ vật đang được Bảo tàng Đà Nẵng đầu tư để làm phong phú hiện vật trưng bày. Ảnh: NGỌC HÀ

Được thành lập vào cuối năm 2009, Phòng Nghiên cứu sưu tầm hiện vật Bảo tàng Đà Nẵng chỉ có 4 cán bộ với khối lượng công việc khá nhiều, từ khâu tổ chức các đợt khảo sát, đến tìm kiếm những chủ nhân sở hữu hiện vật là các chứng nhân lịch sử, các nhà sưu tập cổ vật tại địa phương, các cá nhân lưu giữ hiện vật, các vị lão thành cách mạng… Ngoài ra, phòng còn chủ động khai thác hiện vật theo hướng sưu tập tư liệu khoa học như băng ghi hình, ghi âm các lời kể, hồi ức của nhân vật gắn liền với lịch sử địa phương…

Với những cố gắng của tập thể cán bộ, nhân viên ở đây, công tác nghiên cứu, sưu tầm đạt được nhiều kết quả khả quan. Hàng trăm tư liệu và hiện vật gốc đã được sưu tầm, xây dựng và bổ sung cho các bộ sưu tập, trong đó có nhiều hiện vật giá trị, góp phần làm sống động các khu trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng như: bộ sưu tập về Hoàng Sa - Trường Sa, bộ sưu tập về đời sống cư dân đô thị Đà Nẵng trước năm 1975, bộ sưu tập về điều kiện tự nhiên Đà Nẵng, bộ sưu tập về đời sống ngư dân và cảng biển Đà Nẵng…

“Bảo tàng Đà Nẵng có không gian trưng bày với diện tích hơn 3.000m2 gồm 3 tầng, giới thiệu hơn 2.500 tư liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa của thành phố Đà Nẵng và vùng phụ cận, trong đó có hơn 1.900 hiện vật gốc được sưu tầm từ sau ngày giải phóng đến nay. Đặc biệt có bộ sưu tập “súng thần công” đánh dấu nét riêng của bảo tàng vì được khai quật ngay dưới lòng đất thành Điện Hải, được dùng trong kháng chiến chống Pháp. Những bảo tàng khác cũng có loại súng này, nhưng chưa được tham chiến”, một lãnh đạo Bảo tàng Đà Nẵng cho biết.

Nửa năm, chỉ sưu tầm 4 hiện vật

Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, sưu tầm hiện vật đang gặp nhiều khó khăn. Năm 2012, số hiện vật sưu tầm được 42 loại hiện vật và 8 loại hiện vật ảnh tư liệu, hiện vật giấy. Năm 2013, số hiện vật sưu tầm được 50 loại hiện vật và 2 loại hiện vật giấy, ảnh tư liệu. Nhưng trong nửa đầu năm 2014 chỉ sưu tầm được 4 hiện vật.

Lý giải về vấn đề này, bà Trương Thế Liên, Trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm hiện vật cho biết: “Trước hết do các tư liệu, hiện vật gắn với đề tài lịch sử đấu tranh cách mạng, chứng tích chiến tranh cũng là đối tượng sưu tầm của nhiều bảo tàng khác. Qua thời gian khai thác, các hiện vật này cũng gần như cạn kiệt. Bên cạnh đó, những nhân chứng lịch sử tuổi ngày càng cao, đồng nghĩa với tình trạng ngày càng mất đi cơ hội gặp gỡ các nhân chứng lịch sử. Nếu không tiến hành sưu tầm nhanh, số lượng tài liệu, hiện vật này ngày một mất dần đi theo năm tháng”.

Để khắc phục điều này, Phòng Nghiên cứu sưu tầm hiện vật chuyển hướng sang khai thác các đề tài khác, trong đó có hiện vật cổ vật. “Tuy nhiên, chúng tôi đã trình lên cấp có thẩm quyền đề nghị được mua 18 loại hiện vật (số lượng 35 hiện vật) là các cổ vật thế kỷ 18-19 và văn hóa Việt đã được giám định năm 2014, nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt. Công tác sưu tầm ngày càng khó khăn, chúng tôi luôn chủ động và tranh thủ chạy đua với thời gian vì sợ mất đi nguồn tư liệu quý. Nhưng từ khi có Thông tư số 11/2013/TT-BVHTTDL quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập, mọi việc càng khó khăn hơn. Muốn mua hiện vật phải qua hội đồng thẩm định, rồi trình Sở VH-TT&DL quyết định. Nhiều hiện vật giá trị không nhiều mà chờ quá trình thẩm định, rồi nhiều quyết định khác nữa thì đã rơi vào tay người khác. Sở VH-TT&DL cần phải có quy định với mức giá nào thì bảo tàng được quyết định để tạo điều kiện cho công tác sưu tầm!”, bà Trương Thế Liên bức xúc.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Bảo tàng Đà Nẵng thừa nhận những rắc rối mà thông tư trên mang lại. Theo đó, giá trị hiện vật dưới 100 triệu đồng sẽ do Sở VH-TT&DL quyết định duyệt mua, còn trên 100 triệu đồng trình UBND thành phố quyết định. Để giải quyết vấn đề trên, Bảo tàng Đà Nẵng cũng đã đề xuất Sở VH-TT&DL cho Bảo tàng được quyết định mua các hiện vật có giá trị dưới 50 triệu đồng và đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Là bảo tàng loại II, đại diện cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhưng Bảo tàng Đà Nẵng liệu đã xứng tầm? Khi đặt vấn đề này, một lãnh đạo của Bảo tàng Đà Nẵng tỏ ra khá dè dặt: “Với các bảo tàng lớn của cả nước và các nước trong khu vực, để thu hút du khách, hằng năm họ bổ sung một lượng lớn hiện vật mới, hay thay đổi không gian trưng bày để tạo sự sinh động, thu hút khách tham quan... Nhưng với chúng tôi, ngay công tác khảo cổ là một trong những việc quan trọng trong sưu tầm hiện vật cũng là điều không dễ thực hiện, vì kinh phí quá lớn (hai năm 2001-2002, nhờ công tác khảo cổ đã thu được lượng lớn hiện vật tiền sơ sử ở Đà Nẵng). Do đó, lấy đâu ra kinh phí để xúc tiến những hoạt động tầm cỡ cho bảo tàng?”.

N.H

;
.
.
.
.
.