Hội thảo phương án cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng do Sở VH-TT&DL Đà Nẵng tổ chức sáng 17-7 ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị sâu sắc của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa uy tín trong việc tìm hướng cải tạo, nâng cấp bảo tàng.
Du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm. |
Vấn đề làm thế nào để giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển công trình văn hóa độc đáo này vẫn không dễ tìm lời giải.
Sửa chữa, nâng cấp hay xây mới?
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là một trong những bảo tàng ra đời sớm nhất ở Việt Nam (năm 1915), thuộc nhóm 10 bảo tàng thu hút khách và là một trong 13 bảo tàng được xếp hạng I cả nước. Tuy nhiên, trải qua gần 100 năm tồn tại, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đang đối mặt với tình trạng xuống cấp, hư hỏng, gây khó khăn trong công tác tổ chức và trưng bày, khó đáp ứng các chức năng phát triển hoạt động bảo tàng… Vì vậy, yêu cầu cải tạo, nâng cấp, mở rộng diện tích trưng bày bảo tàng được đặt ra bức thiết.
PGS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam cho rằng, vấn đề nâng cấp, cải tạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm rất khó và nhạy cảm. “Di sản Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã trở thành một biểu tượng của Đà Nẵng. Cải tạo, nâng cấp di sản - Bảo tàng Điêu khắc Chăm phải làm sao đừng làm phá vỡ biểu tượng hoặc làm biến mất biểu tượng văn hóa này”, ông Huy nhấn mạnh. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An cũng cho rằng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã trở thành một phần trong đời sống văn hóa của Đà Nẵng. Và phần kiến trúc người Pháp xây dựng được xem là mặt tiền của công trình đã tồn tại cả trăm năm, để lại những ấn tượng và đây là một di tích lịch sử văn hóa cần được gìn giữ.
Theo GS, KTS Hoàng Đạo Kính, chỉ nên nâng cấp, kiện toàn cái hiện hữu của Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Việc kiện toàn về kiến trúc cần đặt trong chiều dài lịch sử, có sự nối tiếp, kế thừa những giá trị đã có của công trình cũ; cần đạt sự thống nhất về kiến trúc, nối kết không gian, không cơi nới nhiều…
Có nên tổ chức cuộc thi cấp quốc tế?
Theo kế hoạch, sau hội thảo, UBND thành phố Đà Nẵng sẽ phát động cuộc thi tuyển thiết kế kiến trúc “Cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm”, với quy mô quốc tế, dự kiến kinh phí khoảng 50-60 tỷ đồng. Vấn đề này ngay lập tức trở thành chủ đề được các đại biểu bàn thảo sôi nổi.
Theo GS, KTS Hoàng Đạo Kính, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là công trình kiến trúc đã có sẵn, không nên có cuộc thi, vì kết quả cuộc thi sẽ đưa ra những bản thiết kế hoàn toàn mới, rất khó thích ứng với công trình đã có. Ông cho rằng, việc làm mới có thể đối diện với nguy cơ làm giảm hoặc mất giá trị di sản.
Trong khi đó, theo PGS Nguyễn Văn Huy, cuộc thi chỉ kéo dài từ ngày 1-9 đến 31-12-2014 là quá ngắn; phương án cải tạo, nâng cấp bảo tàng cần được đầu tư bài bản, có chiều sâu, chứ không thể làm theo kiểu chạy đua với thời gian (kịp kỷ niệm 100 năm Bảo tàng Điêu khắc Chăm). Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An cho rằng, nếu chúng ta bỏ ra hàng trăm tỷ để tổ chức cuộc thi xứng tầm, để làm ra cái 100 năm không phải làm lại thì hẵng làm. “Việc cải tạo, nâng cấp không chỉ phục vụ du lịch mà sâu xa hơn còn nâng cao thẩm mỹ, nhận thức của người dân thành phố biển này”, ông Nguyễn Đình An nói.
Trong chuyến kiểm tra các công trình văn hóa trọng điểm vào tháng 4 vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí cho rằng, đối với Bảo tàng Điêu khắc Chăm, việc khó nhất là đánh giá hiện trạng để đưa ra phương án cải tạo; cần lấy ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu để có một phương án tối ưu nhất. Nếu làm không đúng sẽ phá hỏng kiến trúc, làm giảm giá trị của công trình văn hóa độc đáo này. |
THANH TÂN