Những ngày gần đây, đề án chi hơn 10.000 tỷ đồng của Bộ VH-TT&DL để xây mới và trùng tu hệ thống nhà hát trên cả nước vấp phải phản ứng của dư luận.
Chương trình Duyên dáng Việt Nam 27 phải mượn Cung Thể thao Tiên Sơn để biểu diễn. Ảnh: KHẢ THỊNH |
Tuy nhiên, theo ý kiến của những người làm văn hóa, riêng Đà Nẵng rất cần một nhà hát lớn tương xứng với tầm vóc đô thị loại 1.
Thành phố lớn phải có nhà hát lớn
Trong dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Bộ VH-TT&DL đã đề cập việc chi hơn 10.000 tỷ đồng để xây mới và trùng tu hệ thống nhà hát trên cả nước. Theo đó, đến năm 2030, 71 nhà hát trên cả nước sẽ được trùng tu và đầu tư xây mới. Tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây mới công trình nhà hát quy mô 2.500 - 3.000 ghế; xây mới 40 nhà hát có quy mô lớn 1.000 - 2.000 ghế tại các tỉnh chưa có nhà hát trung tâm. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2012-2020 dự kiến 10.800 tỷ đồng.
Đà Nẵng hiện có Nhà hát Trưng Vương nhưng thực tế không sử dụng hết công năng. “Nhà hát Trưng Vương đã đỏ đèn được bao nhiêu đêm? Với quy mô hơn 1.000 ghế, nhưng nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật chỉ lấp đầy khoảng 400 ghế. Nếu có nhà hát lớn nhưng thường biểu diễn về dòng nhạc hàn lâm, bác học nên ít hoặc chưa thể được số đông công chúng đón nhận. Nếu xây nhà hát lớn với quy mô 2.000 - 3.000 ghế thì ai đến xem? Có thật sự cần thiết xây một nhà hát lớn như thế?”, một nhà quản lý văn hóa giấu tên cho biết.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến ủng hộ việc Đà Nẵng cần có một nhà hát lớn. “Tôi nghĩ dư luận, truyền thông đừng quá khắt khe như thế. Đừng gộp chung các vấn đề với nhau. Nếu có suy nghĩ như vậy thì làm sao phát triển văn hóa được. Đề án của Bộ VH-TT&DL là kế hoạch dài hơi, không phải nhất thiết xây đồng loạt nhà hát mà ưu tiên cho những tỉnh, thành phố phát triển, nếu đã đầu tư thì làm cái nào cho xứng đáng cái đó, không thể xây cho có”, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố nói.
Cũng theo ông Chiến, Đà Nẵng rất cần một nhà hát lớn. Đà Nẵng là thành phố du lịch, phát triển bậc nhất miền Trung nhưng hai năm qua (2013-2014), những sự kiện lớn tầm quốc gia (cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, chương trình nghệ thuật Duyên dáng Việt Nam, v.v…) đều phải mượn Cung Thể thao Tiên Sơn để tổ chức biểu diễn. Do đó, chất lượng âm thanh rất kém, phải tốn thêm chi phí lớn cho phần âm thanh. Trong khi đó, Nhà hát Trưng Vương quá nhỏ cho một sự kiện lớn như vậy. Hơn nữa, Đà Nẵng lại thu hút đông đảo khách du lịch nên cần có công trình văn hóa xứng tầm làm điểm đến cho du khách.
Đồng quan điểm này, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An cho rằng, thành phố lớn phải có nhà hát lớn, nâng cao đời sống văn hóa của người dân. Đó không chỉ là nơi biểu diễn của nghệ sĩ thành phố mà còn là nơi biểu diễn của các nghệ sĩ trong nước và kể cả nước ngoài.
Phải đầu tư kỹ lưỡng
Qua tìm hiểu của chúng tôi, những người làm văn hóa trên địa bàn Đà Nẵng đều cho rằng, muốn xây dựng nhà hát lớn thì cần phải giải quyết những vấn đề: Xây ở đâu? Xây như thế nào? Sử dụng ra sao?
Theo ông Nguyễn Đình An, trước khi xây nhà hát lớn, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về xã hội học để có những dự báo chính xác. Chẳng hạn, thành phố hiện chỉ có 1 triệu dân, trong 10 năm tới, con số này sẽ bao nhiêu? Có bao nhiêu du khách trong nước và ngoài nước đến thành phố? Trong đó, bao nhiêu người có nhu cầu thưởng thức chương trình ở nhà hát lớn; cần dự báo cả về lực lượng biểu diễn, hoạt động của nhà hát...
Ông Nguyễn Đình An cho rằng, việc xây dựng nhà hát lớn ở thời điểm này không cần thiết, nhưng đây là công trình nằm trong danh mục phải xây dựng trong 10 năm nữa. Điều quan trọng, ngay từ bây giờ hãy chuẩn bị đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật hàn lâm và đầu tư nâng cao dân trí của người dân, đồng thời người dân cũng cần tự nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật của mình. Thêm nữa, đây là công trình nghệ thuật thì phải có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, có nhiều cây xanh để trở thành biểu tượng văn hóa, điểm tham quan du lịch đặc sắc của thành phố.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Chiến góp ý: “Theo tôi, vấn đề quan trọng nữa là phải chọn địa điểm xây nhà hát ở trung tâm thành phố, nơi đông đúc dân cư; đầu tư thiết kế (chọn những nhà thiết kế am hiểu về nghệ thuật và thiết kế phải mang bản sắc văn hóa Việt Nam); trang bị âm thanh, ánh sáng, cách âm tốt. Để tránh trường hợp là xây nhà hát chỉ là nơi tổ chức, cho thuê tổ chức sự kiện thì cần xây dựng đoàn nghệ thuật riêng và có chương trình quảng bá, thu hút các chương trình nghệ thuật lớn trong nước cũng như ngoài nước về biểu diễn. Đà Nẵng là thành phố phát triển du lịch và tương lai sẽ là nơi giao lưu văn hóa quốc tế. Vì vậy, cần có biểu tượng văn hóa để làm niềm tự hào cho người dân Đà Nẵng nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, chẳng hạn như nhà hát Opera Sydney trở thành địa danh nổi tiếng mà không một du khách nào đến nước Úc lại bỏ qua”.
NGỌC HÀ