.
Thế giới sách

Khám phá Hoàng Sa

.

Công ty Phan Thị vừa phát hành tập truyện Thần đồng đất Việt Hoàng Sa - Trường Sa thứ 3 mang tên Khám phá Hoàng Sa, vẽ bức tranh phong cảnh, những thông tin về Hoàng Sa để bạn đọc nhí dễ dàng tiếp cận, chia sẻ cùng bè bạn. 

TS Sử học Nguyễn Nhã khẳng định Thần đồng đất Việt Hoàng Sa - Trường Sa là bộ truyện tranh sử dụng nhiều tài liệu chuẩn xác về Hoàng Sa và Trường Sa.
TS Sử học Nguyễn Nhã khẳng định Thần đồng đất Việt Hoàng Sa - Trường Sa là bộ truyện tranh sử dụng nhiều tài liệu chuẩn xác về Hoàng Sa và Trường Sa.

Lời dẫn chuyện “Mình bị mất cắp, nhưng không biết mình mất cái gì, vậy thì không tiếc. Nhưng nếu mình biết nó là cái gì, quý giá ra sao, thì khi mất, hẳn sẽ rất đau lòng” khơi gợi sự tò mò của không ít bạn trẻ. Em Nguyễn Thị Liên (học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, em đã rất háo hức khi được bạn bè chia sẻ thông tin về tập truyện Thần đồng đất Việt Hoàng Sa - Trường Sa. “Qua những nhân vật quen thuộc trong Thần đồng đất Việt như: Trạng Tý, công chúa Phương Thìn, Sửu, Mẹo, Dần, em biết thêm thông tin Hoàng Sa hiện có bao nhiêu đảo, các hòn đảo đó tên gì, đặc điểm ra sao. Ngoài ra, hình ảnh trong tập truyện đã đưa em chu du qua những địa chỉ tuyệt đẹp của Hoàng Sa, ngắm nhìn và thưởng thức cảnh đẹp trước giờ em chưa biết đến”, Liên chia sẻ.

Giữa lúc cái tên Hoàng Sa liên tục được nhắc trong các bản tin thời sự, ngành giáo dục càng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh thông qua hình ảnh, tư liệu về biển đảo của Việt Nam. Chị Kiều Lê Thanh Thủy, Tổng phụ trách đội, Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang nhận xét: “Nhiều năm qua, Thần đồng đất Việt luôn được đánh giá là một trong những bộ truyện tranh Việt Nam hấp dẫn bởi hình ảnh và ẩn chứa nhiều thông tin thú vị về câu chuyện vùng đất, nhân vật lịch sử kèm sự tích, ca dao, tục ngữ, phong tục tập quán vùng miền… Bộ truyện mang tính giáo dục cao, là sự lựa chọn của nhiều phụ huynh, trẻ em khi vào nhà sách. Do đó, tập truyện Thần đồng đất Việt Hoàng Sa - Trường Sa ra đời chắc chắn giúp ích cho các em trong việc tìm hiểu thông tin về lịch sử, địa lý các quần đảo này”.

Trong Khám phá Hoàng Sa, những vỏ ốc to, những bãi cát vàng, rạn san hô đủ màu sắc cùng vô vàn tôm cá ở Hoàng Sa được khắc họa qua giọng kể dễ thương của công chúa Phương Thìn và Trạng Tý. Các nhân vật quen thuộc như: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, công chúa Phương Thìn trở thành sứ giả biển đảo với những thông điệp gắn với nội dung 3 tập sách đã phát hành: Khẳng định chủ quyền, Lãnh thổ nước Nam và Khám phá Hoàng Sa.

Để Khám phá Hoàng Sa đến được tay bạn đọc đúng thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặt quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đơn vị tổ chức đã nỗ lực mời nhân chứng, tìm kiếm tư liệu, mời họa sĩ vẽ tranh kể lại câu chuyện vua Gia Long tái lập đội dân binh kiêm quản Hoàng Sa, thân chinh giong thuyền đến “bãi cát vàng” cắm Long tinh kỳ khẳng định chủ quyền; vua Minh Mạng cử người cứu tàu buôn Anh bị mắc cạn; quan chức đảo Hải Nam khẳng định Hoàng Sa không thuộc địa phận Trung Quốc; những ngư dân đưa thuyền ngang dọc Hoàng Sa đánh bắt thủy hải sản. Những thông tin này được lồng vào truyện qua các trò chơi đối đáp, tung hứng hồn nhiên, tinh nghịch của nhóm bạn Tý, Sửu…

TS Sử học Nguyễn Nhã, người thẩm định tập sách Hoàng Sa - Trường Sa từ tập 1 đến tập 3 khẳng định, bộ truyện tranh sử dụng nhiều tài liệu chuẩn xác về hai huyện đảo này. Do đó, phụ huynh có thể yên tâm mua cho con em mình sử dụng. Dự kiến, các tập sẽ tiếp tục được ấn hành với các chủ đề: Huyền bí Paracels, Chiến thuyền nhà Nguyễn, Hùng binh biển đảo, Chiếu dụ Tàu Ô, Sứ giả 2 triều... Do thời gian thu thập tài liệu, xây dựng câu chuyện công phu và tốn nhiều thời gian nên mỗi tập được phát hành cách nhau 3 tháng.

Cũng theo TS Nhã, “truyện tranh về Hoàng Sa - Trường Sa sẽ là bước khởi đầu cho phương thức truyền bá thông điệp yêu nước, kiến thức về chủ quyền biển đảo đến thế hệ trẻ thật gần gũi, đơn giản nhưng không kém phần sâu sắc. Tương lai không xa, sẽ có các kênh truyền tải khác như phim hoạt hình và các phim truyện lịch sử mà ở Việt Nam đang rất thiếu”.

HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.