.

Chàng trai Tây mê tuồng

.

Sự say mê nghiên cứu nghệ thuật tuồng của một chàng trai phương Tây làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Anh là Esbjőrn Wettermark (người Thụy Điển), đang làm luận án tiến sĩ về âm nhạc tuồng.

Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, giới thiệu với Esbjőrn Wettermark về nghệ thuật tuồng.
Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, giới thiệu với Esbjőrn Wettermark về nghệ thuật tuồng.

Bén duyên với nghệ thuật truyền thống Việt Nam

 “Vì sao tôi thích tuồng à? Tôi không chỉ thích tuồng mà còn thích các loại hình nghệ thuật truyền thống của các bạn. Rất hay!”, Esbjőrn Wettermark chia sẻ. Anh kể: Năm 2003, khi anh là sinh viên năm thứ nhất chuyên ngành âm nhạc tại Royal Holloway, thuộc Đại học London (Anh), nghệ sĩ ca trù Phạm Thị Huệ từ Việt Nam sang giới thiệu, biểu diễn, dạy ca trù cho học sinh của trường, khóa học kéo dài 3 tháng. Thế là anh mê ca trù lúc nào không hay.

Sau đó, Esbjőrn bắt đầu mày mò tìm hiểu về ca trù của Việt Nam. Năm 2005, anh quyết định sang Việt Nam tìm hiểu về loại hình nghệ thuật ca trù và cả văn hóa, con người Việt Nam. Anh cũng tìm tới những nghệ sĩ, nghệ nhân ca trù và gặp gỡ nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian Vũ Ngọc Khánh. Anh phát hiện Việt Nam còn một loại hình nghệ thuật truyền thống khác cũng độc đáo không kém, đó là tuồng. “Từ đó, tôi trở lại Việt Nam nhiều lần để tìm tư liệu cho luận văn thạc sĩ nhưng cũng nung nấu ý định nghiên cứu về tuồng. Bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ về ca trù vào năm 2009-2010, tôi vẫn giữ ý định về Việt Nam để nghiên cứu về nghệ thuật tuồng”, Esbjőrn nói.

Để thực hiện kế hoạch nói trên, trong 2 năm 2010-2012, Esbjőrn làm việc, dành dụm tiền và bắt đầu học tiếng Việt. Mặc dù việc nói tiếng Việt chưa rành rẽ, nhưng khả năng đọc và hiểu của Esbjőrn rất tốt, thuận lợi cho anh nghiên cứu về loại hình này khi làm luận án tiến sĩ âm nhạc tuồng.

Sau khi trải qua thời gian tìm hiểu tuồng tại Hà Nội, Esbjőrn tiếp tục đến với tuồng Quảng Nam-Đà Nẵng. Anh đến Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh gặp gỡ các nghệ sĩ và đến các cửa hàng băng đĩa để tìm kiếm các đĩa tuồng.

Esbjőrn Wettermark thổi đoạn nhạc trong một vở tuồng.
Esbjőrn Wettermark thổi đoạn nhạc trong một vở tuồng.

Mang tuồng ra thế giới

Theo Esbjőrn, âm nhạc tuồng rất đa dạng, biến hóa tài tình, nhất là nhạc cụ kèn và trống. Nhạc lý của tuồng có cung, quãng, hơi đều đặc biệt. Xem một nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thổi một đoạn bằng nhạc cụ kèn, chàng trai này thổi lại rất đúng làn điệu, khiến ai cũng bất ngờ. “Thật lạ vì anh ấy hiểu rất nhanh về tuồng.

Do có sẵn nền tảng âm nhạc, nên chỉ cần nghe qua các giai điệu của kèn, trống thì anh ấy biết cảnh tuồng đang diễn nói về nội dung gì, dù không hiểu lời thoại. Vì thế, người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, không yêu tuồng thật ra vì họ không hiểu về tuồng. Nghệ thuật tuồng Quảng Nam-Đà Nẵng có nét riêng biệt, độc đáo và cần được giữ gìn”, ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, trăn trở.

Còn Esbjőrn chia sẻ: “Tôi chọn âm nhạc tuồng cho luận án tiến sĩ vì tôi có cảm tình đặc biệt với loại hình nghệ thuật này. Trong quá trình tìm hiểu, tôi càng thấy nhiều cái hay. Theo tôi, đây là loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo khác của Việt Nam bên cạnh ca trù, nhưng chưa được thế giới biết đến nhiều. Tôi mong muốn qua nghiên cứu của mình sẽ giúp nhiều người có cái nhìn khác hơn về nghệ thuật tuồng. Đây là loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của Việt Nam, không phải là kinh kịch của Trung Quốc như nhiều người lầm tưởng”.

Esbjőrn cũng cho biết, hiện nay, có rất ít bài viết về nghệ thuật tuồng bằng tiếng Anh. “Sau khi tìm hiểu kỹ, chắc chắn tôi sẽ viết để giới thiệu, chia sẻ loại hình nghệ thuật này đến tất cả bạn bè trên khắp thế giới”, anh khẳng định.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.