.

Phát lộ thêm phế tích tháp Chăm 1.000 năm tuổi

.

Sau gần một tháng tiến hành khảo cổ, khai quật tại địa bàn thôn Quá Giáng 2, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, đoàn khảo cổ do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng triển khai đã phát hiện quần thể kiến trúc tháp Chăm rộng lớn, có niên đại trên dưới 1.000 năm tuổi.

Phù điêu đầu thần Siva và hai phù điêu đầu người cầu nguyện được phát hiện tại khu phế tích.  						                         Ảnh: THANH TÂN
Phù điêu đầu thần Siva và hai phù điêu đầu người cầu nguyện được phát hiện tại khu phế tích. Ảnh: THANH TÂN

Theo phán đoán ban đầu của đoàn khai quật, nơi đây vốn là một trung tâm tôn giáo quan trọng của người Chămpa trước đây.

Nhiều ẩn số từ hiện vật

Nhà khảo cổ học Nguyễn Chiều, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, cho biết trên diện tích khai quật hiện tại (khoảng 300m2), với 4 hố khai quật, ông và các cộng sự đã phát hiện chắc chắn 3 nền móng tháp Chăm có niên đại khoảng cuối thế kỷ X. Trong đó, có một móng tháp nhỏ gần như phát lộ đầy đủ với chiều dài khoảng 10m và rộng khoảng 7m, một móng chỉ lộ một cạnh dài 6,2m; riêng nền móng lớn nhất mà theo phán đoán của đoàn khảo cổ là móng của 1 tháp chính thì chưa rõ đầu cuối, có chiều dài ước tính khoảng 20m. Điều đặc biệt là trong lòng các móng tháp được xây bởi gạch nung có hoa văn tinh xảo (thường dùng để trang trí tường bao) trộn lẫn với gạch không có hoa văn. Điều này cho thấy có thể người Chăm xưa đã tái sử dụng gạch có hoa văn của tường tháp bị đổ trước đó để làm các móng tháp này. Vì vậy, niên đại của các móng tháp có thể muộn hơn hàng trăm năm so với tháp cũ.

Bên cạnh 3 móng tháp, đoàn khảo cổ còn phát hiện 2 vết tích móng gạch (chưa xác định được là móng tháp hay tường bao) và nhiều hiện vật có giá trị. Đáng chú ý, cạnh nền móng tháp nhỏ phát lộ hoàn chỉnh một bệ tam cấp bằng đá Chăm nguyên khối quay về hướng tây, có chạm hình makara (thủy quái), trong khi thông thường các tháp có cửa quay về hướng đông. Vì vậy, đoàn khảo cổ chưa thể kết luận đây là tháp Cổng (như trường hợp ở Phong Lệ) hay tháp phụ.

Ngoài ra, một bệ thờ cũng bằng đá sa thạch nguyên khối, một phù điêu đầu thần Siva, 2 phù điều đầu người cầu nguyện gần như nguyên vẹn được phát hiện cho thấy sự ngự trị của Ấn Độ giáo đối với cộng đồng nơi đây. “Hàng trăm chi tiết kiến trúc bằng đá, đất nung đầu thế kỷ thứ X, XI của người Chăm, người Việt muộn, cả người Trung Quốc cho thấy có sự giao lưu văn hóa rộng rãi giữa người Chăm với những cộng đồng láng giềng”, ông Nguyễn Chiều phán đoán.

Khó mở rộng diện tích khai quật

Theo ông Nguyễn Chiều, với những gì đoàn khai quật được tại thôn Quá Giáng 2, việc đưa ra những kết luận lúc này là quá sớm. Tuy nhiên, ông Chiều cho rằng, quần thể tháp vốn thuộc một trung tâm tôn giáo, cụ thể là Ấn Độ giáo rất quan trọng của người Chămpa, và nếu tiếp tục khai quật sẽ tìm thấy những sử liệu quý giá. “Vì khu vực phát hiện quần thể phế tích thuộc địa bàn đông dân cư nên việc mở rộng diện tích khai quật sẽ rất phức tạp, bởi nó sẽ liên quan đến hàng loạt vấn đề giải tỏa đền bù, ổn định cuộc sống người dân... Diện tích tối đa thành phố cho phép khai quật đợt này chỉ 500m2 nên chúng tôi đã triển khai rất tiết kiệm nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho những hộ dân sống trong khu vực khu phế tích”, ông Chiều nói.

Theo đánh giá của đoàn khai quật, đây là phế tích đền tháp Chăm lớn thứ hai (ước đoán diện tích cả quần thể tháp khoảng hơn 1.000m2), sau phế tích tháp Chăm làng Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ), được khai quật trong thời gian qua tại Đà Nẵng.

“Tất cả các hiện vật tìm thấy sẽ được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Và cũng như di tích Chăm ở Cấm Mít (thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), sau khi hoàn thành khai quật, di tích này sẽ được hoàn thổ, tránh các tác hại của thời tiết khi mùa mưa bão đang đến gần”, ông Hà Tấn Loan, Phó Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Trưởng ban Khai quật khảo cổ phế tích Chăm tại Đà Nẵng cho biết.

Cuối tháng 8-2012, đoàn khảo cổ do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, trên diện tích khai quật hơn 500m2 đã phát hiện một quần thể phế tích tháp Chăm rộng lớn tại làng Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) với nhiều hiện vật quý. Hiện trạng khai quật tại Cẩm Lệ vẫn được giữ nguyên với mục đích sẽ xây dựng một bảo tàng tại chỗ, một điểm đến mới cho khách du lịch đến Đà Nẵng.

Trong cuốn Thống kê, khảo tả các di tích Chăm ở Trung Kỳ của tác giả Parmamtier, địa chỉ làng Quá Giàng, Tổng Thanh Quýt Trung, huyện Diễn Phước (nay là thôn Quá Giáng 2, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) được nhắc đến là khu vực có di tích Chăm độc đáo nhưng đã bị đổ nát khá nhiều. Khảo tả của tác giả Parmamtier còn cho biết, ở đây chỉ còn nhận ra một tháp chính, lòng tháp hình chữ nhật quay ngang. Phía trước tháp có một cái miếu của người An Nam. Hiện cái miếu này vẫn do người dân địa phương bảo tồn. Căn cứ sử liệu trên, từ sau năm 1975, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã khai thác rải rác các hiện vật từ khu di tích đưa về trưng bày tại Bảo tàng, nhưng đến đầu tháng 7-2014, thành phố Đà Nẵng mới có quyết định khai quật bài bản khu di tích này.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.