Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL) cho biết Bộ vừa công nhận làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) là "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia".
Làng đá Non Nước trở thành Di sản phi vật thể quốc gia. |
Hình thành dưới chân danh thắng Ngũ Hành Sơn, các nghệ nhân làng đá mỹ nghệ Non Nước đã thổi hồn vào đá để làm nên những tác phẩm tinh tế suốt hơn 200 năm qua.
Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đã hội tụ đủ 4 tiêu chí: Có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Hiện làng đá Non Nước có gần 500 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ với gần 3.000 lao động làm nghề, tập trung xung quanh khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Sản phẩm của làng đá Non Nước được đánh giá tinh xảo, đa dạng, phong phú về mọi mặt. Các nghệ nhân điêu khắc đá Non Nước có thể làm tất cả các sản phẩm gia dụng bằng đá đến các tác phẩm nghệ thuật, tượng đá trang trí, linh vật phong thủy…
Các sản phẩm của làng đá Non Nước không chỉ được nhiều người dân trong nước biết đến và đặt mua, mà còn được xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… Doanh thu từ nghề đá mỹ nghệ hằng năm đạt từ 100-120 tỷ đồng.
Để làng nghề được bảo tồn và phát triển, trong thời gian tới, những cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ sẽ được qui hoạch vào làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước tại tổ 52 và 53 (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), cách nơi cũ khoảng 2km. Làng mới được xây dựng trên diện tích 35ha, với kinh phí đầu tư khoảng 154 tỉ đồng.
Hiện cả nước có khoảng 48 di sản được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Theo VGP