Tính đến mùa hè năm nay, Trại sáng tác văn học thiếu nhi do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức bước sang tuổi 17. Đối với các em thiếu nhi, Trại sáng tác văn học là sân chơi vui tươi, bổ ích, thú vị.
Nhà văn Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng, trao giải thưởng Trại sáng tác văn học - mỹ thuật thiếu nhi hè 2014. Ảnh: T.T.SÁNG |
1. Hầu hết các em đến với Trại sáng tác văn học thiếu nhi Đà Nẵng diễn ra vào hè hằng năm đều là những gương mặt nổi bật, có năng khiếu hoặc thành tích sáng tác văn học, được nhà trường tuyển chọn, đề cử. Vì vậy, số lượng các em tham gia thường không đông (khoảng trên 20 em/năm). Song, những thành tựu từ những trại viết của các em thật đáng khích lệ.
Năm 2012, để ghi dấu 15 năm tổ chức Trại sáng tác văn học thiếu nhi Đà Nẵng, Hội Nhà văn thành phố cho ra đời ấn phẩm Chong chóng gió gồm 34 sáng tác chọn lọc của 25 em tham gia trại từ năm 2006-2012. Có thể nói, tập sách này giới thiệu khá đầy đủ thành tựu của các em. Bằng nhiều hình thức diễn đạt, các trang viết của các em toát lên nét chân thật, hồn nhiên và trong sáng của lứa tuổi cắp sách đến trường, thật sự để lại ấn tượng trong lòng người đọc.
Trong 5 năm gần đây (2009-2014), chúng ta có thể tự hào về những thành quả của một số em tham gia Trại sáng tác văn học thiếu nhi Đà Nẵng. Đó là em Hồ Thị Hiếu Hiền (đoạt giải nhất quốc tế cuộc thi viết thư UPU lần thứ 39) lần đầu đến với Trại sáng tác hè 2010 qua truyện ngắn Buổi học của Thúy. Truyện chỉ đơn giản nói về buổi học của cô bé tên Thúy liên tục bị ba mẹ sai làm các công việc lặt vặt như rót nước, mua đồ, trông em...
Do đó, Thúy không thể hoàn thành buổi học trọn vẹn. Thông điệp của truyện là tâm nguyện, ước mong có môi trường học tập tốt hơn của học sinh Việt Nam nói riêng và học sinh toàn thế giới nói chung. Về sau, Hiếu Hiền cùng nhóm bạn Trường THCS Tây Sơn chuyển truyện ngắn này thành phim và đoạt giải nhất cuộc thi “Làm phim toàn quốc dành cho học sinh Việt Nam - kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Em cũng một trong 20 gương mặt được đề cử trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2011.
Hoặc Phạm Nguyễn Ca Dao đến với Trại sáng tác lần đầu vào năm 2007; năm lớp 7, Ca Dao đoạt giải ba với truyện Những cơn mưa; lớp 8 đoạt giải nhất với tác phẩm Tiếng rừng và ván chọi gà định mệnh; lớp 9 đoạt giải nhất với tác phẩm Lỗ hổng. Trong đó, hai tác phẩm đoạt giải nhất của Ca Dao được in trong tập Giao hưởng và đốm lửa của Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng năm 2010. Ca Dao cũng là một trong hai đại diện của Đà Nẵng tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII. Ngoài ra, những gương mặt đang nổi bật như: Đinh Quỳnh Anh, Đinh Anh Thư, Đinh Quỳnh Như, Huỳnh Phạm Nguyệt Dương liên tiếp nhiều năm liền tham gia trại và luôn đoạt giải thưởng cao…
2. Trại sáng tác hè năm nay có hơn 20 em tham gia với 40 tác phẩm thơ văn. Trong đó có những em góp mặt với 2-5 tác phẩm. Đặc biệt, có khá nhiều tác phẩm thể hiện tình yêu biển đảo của quê hương như: Biển gọi (Nguyễn Hồng Sơn, lớp 11A1), Bản tình ca của biển (Đặng Thị Ngọc Huyền, lớp 11A4, đều là học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn)…
Về thơ, nhiều em vẫn chọn lối diễn đạt truyền thống, vần vè, niêm luật, nhưng thuyết phục hơn cả là những bài viết xuất phát từ xúc cảm hồn nhiên, ghi nhận sự vật xung quanh bằng cái nhìn tươi vui, trong trẻo. Chẳng hạn, nói về sự sinh sôi nảy nở của mầm sống, các em viết: “Xấu hổ, ló đầu khỏi ngực/ Cỏ lam lóng lánh sương mai/ Bầy ong thức dậy xây tổ/ Cần cù/ Đưa hạt phấn đi xa/ Sự sống/ Vẫn sinh sôi, nảy nở, ươm mầm…” (Mầm sống/ Lê Ngọc Duy, lớp 8/10 Trường THCS Tây Sơn). Hoặc nói về sự biến động, luân chuyển của thời gian: “Ngày bông nắng tròn 12 tháng/ Bông nắng biết đi từ sân ra ngõ/ Bông nắng cầm tay ngọn gió/ Chơi chi chành chành ngoài trời…” (Bóng nắng thôi nôi/ Trịnh Thị Liên, Trường PTTH chuyên Lê Quý Đôn).
Ở thể loại truyện ngắn, phần lớn các em viết khá đều tay. Cách diễn đạt không kể lể rườm rà, thể hiện cốt chuyện có nội dung rõ rệt, dễ đọc, dễ hiểu. Những câu chuyện gần gũi với lứa tuổi thiếu nhi, điển hình như Rồng Gondon và thông điệp từ rừng xanh của Huỳnh Phạm Nguyệt Dương (lớp 8/1 Trường THCS Nguyễn Khuyến). Với thiện ý góp phần xây dựng một ngôi nhà chung môi trường trong lành, nhân vật Rồng Gordon đã trải qua một hành trình gian khổ nhưng không kém phần hứng khởi, thú vị. Hoặc truyện Gấu bông của mẹ (Trần Thanh Nhàn, lớp 8/2 Trường THCS Nguyễn Công Trứ), là câu chuyện cảm động kể về chú gấu bông cũ kỹ, tưởng phải vất đi, nhưng đó là kỷ vật thân yêu của người mẹ, cùng những kỷ niệm gắn liền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Tham gia trại sáng tác lần này một lần nữa hai em Đinh Quỳnh Như (lớp 12A) và Đinh Anh Thư (lớp 12C1, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) là hai tác giả từng đoạt giải thưởng ở các năm trước tiếp tục có những sáng tác viết chung đầu tư rất công phu. Cụ thể lần này là chùm truyện Lập phương lục sắc có cách diễn đạt trau chuốt, tạo nên câu chuyện liên kết, với không gian thơ mộng. Tuy nhiên, so với chính những tác phẩm của hai em viết chung các lần trước thì lần này giảm sút sự sáng tạo mới lạ, hiệu quả không cao.
Riêng em Đinh Quỳnh Như, với truyện ngắn Khung cửa gỗ đã thể hiện cách diễn đạt một câu chuyện đơn giản, đem đến xúc cảm khá bất ngờ. Truyện viết về hai nhân vật Phong và Linh quanh quẩn bên một khung cửa gỗ nhưng chất chứa bao buồn vui và đầy kịch tính của cuộc sống bao la, rộng lớn. Truyện có nhiều lời văn đẹp, giàu hình tượng. Cấu trúc truyện chia thành những xen đoạn gần giống kịch bản phim.
Tuy nhiên, rải rác ở một số sáng tác của các em vẫn có những tình tiết quá cường điệu, xa rời thực tế, nên khó thuyết phục độc giả. Nhiều em bị ảnh hưởng nặng nề lời văn của truyện dịch. Một lỗi chung mà các em cũng thường vấp phải, đó là chưa lưu ý bản sắc phương ngữ vùng miền, mà cụ thể nơi đây là cách sử dụng ngôn ngữ xưng hô rất đặc trưng của người Quảng Nam - Đà Nẵng, tuy chân chất, nhưng gần gũi và đáng yêu.
TRẦN TRUNG SÁNG