.

Thực trạng sân khấu tuồng

.

Thực trạng của hoạt động sân khấu cả nước và Đà Nẵng hiện phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Khán giả mất dần thói quen đến rạp, thói quen đi xem tuồng, đặc biệt là khán giả trẻ. Lớp trẻ ngày nay ít quan tâm nghệ thuật dân tộc… Những lời ca thán đó cứ lặp đi lặp lại bao lần và đã có biết bao diễn đàn bàn về cái nhọc nhằn của những người làm sân khấu dân tộc.

Trích đoạn “Mạnh Lương ra hang” do các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn. 					         Ảnh: TÚ PHƯƠNG
Trích đoạn “Mạnh Lương ra hang” do các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn. Ảnh: TÚ PHƯƠNG

Tuy nhiên, vẫn có những người đam mê nuôi dưỡng nghệ thuật truyền thống dân tộc, họ là những diễn viên, đội ngũ quản lý ở Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Trong những năm qua, họ đã nỗ lực cùng Nhà hát biểu diễn hơn 170 buổi, xây dựng được hàng chục vở diễn truyền thống và lịch sử, cùng các chương trình khác, phục vụ hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng. Tại các hội diễn, hội thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc gần đây, nhà hát đã gặt hái được những thành quả, giữ được thương hiệu tuồng Đà Nẵng, với hàng chục Huy chương vàng, Huy chương bạc, Bằng khen trao cho vở diễn, chương trình và các nghệ sĩ của nhà hát.

Đó là những điểm sáng, nhưng thực trạng của sân khấu tuồng hiện nay nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung là những gam màu tối. Chúng ta đang sống trong thời kỳ hội nhập, các loại hình giải trí phong phú và đầy đủ nên khán giả bị các hình thức giải trí đó chi phối.

Song, đó chỉ là những nguyên nhân khách quan. Về chủ quan, chúng ta thiếu kịch bản hay, vở diễn mới để đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của khán giả. Bên cạnh đó, chúng ta thiếu những tài năng sân khấu. Tài năng biểu diễn của nghệ sĩ là điều thu hút khán giả, bởi nghệ thuật sân khấu là nghệ thuật của biểu diễn. Tài năng sân khấu ngày nay hầu như khó thấy bởi công tác đào tạo của chúng ta còn bất cập.

Nếu công tác tuyển sinh, đào tạo như hiện nay thì sân khấu nghệ thuật dân tộc nói chung và sân khấu tuồng Đà Nẵng nói riêng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta có thầy giỏi nhưng chúng ta không có trò hay, không có những diễn viên thật sự yêu nghề, tâm huyết với nghề. Rồi tất cả sẽ mai một và mất hết. Sân khấu không tìm được tài năng của mình bởi sân khấu không đủ lực hấp dẫn tài năng đến với mình. Muốn đào tạo diễn viên thì phải có người học, trong khi đó người học không đến thì đào tạo ai? Bởi người ta chọn nghề thì phải sống được bằng nghề, trong khi theo đuổi bộ môn nghệ thuật truyền thống thì chế độ đãi ngộ quá thấp, dẫn đến ít người theo học... Phải chăng cần có chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp với quy luật phát triển chung của đất nước?

Vì thế, đội ngũ quản lý, diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh mong được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, sự giúp đỡ của các ban, ngành liên quan, để các hội viên Hội Sân khấu nói riêng và những người hoạt động nghệ thuật tại Đà Nẵng nói chung có môi trường tốt phát triển chuyên môn. Cần có những chính sách đãi ngộ văn nghệ sĩ cụ thể để họ có điều kiện phát huy hết năng lực sáng tạo và thực sự trở thành những thành viên hữu ích trong đời sống tinh thần của người dân Đà Nẵng.

NGUYỄN THỊ BÍCH PHƯỢNG

;
.
.
.
.
.