Văn hóa - Giải trí

Xét thưởng tác phẩm văn học Đà Nẵng năm 2014

Khát vọng hướng đến tương lai

07:49, 24/11/2014 (GMT+7)

Với những tác phẩm văn học Đà Nẵng được xét thưởng năm 2014, những nỗ lực của các tác giả được kỳ vọng sẽ góp phần mang lại dấu ấn lạc quan hơn về bức tranh văn học của thành phố trong tương lai.

Các tác phẩm văn học Đà Nẵng được ấn hành trong năm 2014.             Ảnh: T.T.S
Các tác phẩm văn học Đà Nẵng được ấn hành trong năm 2014. Ảnh: T.T.S

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật Hội Nhà văn Đà Nẵng, so với những năm gần đây, tác phẩm văn học thành phố năm nay thật sự giảm sút về số lượng, thể loại, nhất là thiếu hẳn nhân tố mới. Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự nghèo nàn của hoạt động văn học năm vừa qua là việc thiếu quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành liên quan, dẫn đến việc ấn hành, phát hành tác phẩm mới quá khó khăn.

Đào chuông xuống núi (NXB Đà Nẵng) là tuyển tập những bài viết của Bùi Văn Tiếng về Đà Nẵng, nơi tác giả sinh ra lớn lên. Qua tập sách này, người đọc có dịp gặp gỡ từ một Đà Nẵng trong những “ký ức tuổi thơ”… đến những “làng quê, dòng họ và văn hóa làng”, lịch sử một vùng đất từ dấu vết còn lại trong Bảo tàng Điêu khắc Chăm; hay hào khí ngất trời cùng “Trần Quý Cáp với phong trào Duy Tân” đến một Đà Nẵng của ngày hôm nay với Tản mạn Đà Nẵng 10 năm, Đà Nẵng 15 năm phát triển, 39 năm nhìn lại…

Mỗi bài viết của Bùi Văn Tiếng không chỉ là cái nhìn hun hút trên những nẻo đường rêu phong của lịch sử, mà còn là những day dứt, trăn trở về thành phố hiện tại, gởi gắm những khát vọng hướng đến tương lai…

Đất Chùa (NXB Văn học) là tác phẩm thứ ba của tác giả Bùi Công Dụng ra mắt trong vòng 4 năm trở lại đây, sau tiểu thuyết Quyền lực (2010) và truyện ký Cha tôi (2013). Đất Chùa kể về cuộc đấu tranh không khoan nhượng giành lại đất đai tổ tiên, giữa một bên là nhà thờ các chư phái tộc làng Muối và một bên là một số tăng lữ đạo đức giả ở chùa An Tịch, những người được sự hỗ trợ mạnh mẽ và ráo riết của các thế lực công quyền.

Qua hơn 300 trang sách, bằng lối diễn đạt tinh tế, tác giả đã phác họa một hiện trạng xã hội ở phạm vi một địa phương, cho thấy tiền bạc, quyền lực và những lợi ích nhỏ nhen đã chi phối mạnh mẽ đến tư tưởng, đạo đức viên chức Nhà nước, làm tha hóa cán bộ; những đối tượng đó muốn tạo thế lực cường quyền để dễ dàng phủ nhận những gì thuộc về truyền thống, kể cả truyền thống gia tộc, giáo lý Phật pháp... qua việc liên kết với nhau để mưu đồ lợi ích cá nhân.

Tác giả Mai Hữu Phước lâu nay thường được bạn đọc biết đến với các tuyển tập thơ, nhưng tác phẩm mới Lang thang xứ người (NXB Hội Nhà văn) của anh lần này lại là tản văn. Anh thể hiện hơn 20 bài viết ghi nhận lại những cảm xúc của những chuyến đi qua các miền đất: Lào, Ấn Độ, rồi xứ sở của Nữ thần tự do qua các thành phố Washington, Chicago, New York... bằng giọng văn đầy chất thơ, nhẹ nhàng, dung dị nhưng khá hóm hỉnh, thông minh.

Tác giả viết: “Với bản tính tò mò, ham hiểu biết, thích ngao du, tôi biến những chuyến đi ấy thành những cuộc rong chơi nhẹ nhàng, thú vị hơn để mở lòng với vùng đất, với con người, để nhìn ngắm sắc màu cảnh vật và lắng nghe âm thanh xao động giữa chật hẹp phố phường hay mênh mông sa mạc, núi rừng, sông biển…”.

Nàng ở cổng trời (NXB Đà Nẵng) của Nguyễn Thị Anh Đào gồm 22 truyện ngắn chọn lọc. Phần lớn chủ đề trong tập truyện được xây dựng từ vốn sống thực tế. Song, xuyên suốt những câu chuyện về đề tài tình yêu vẫn được tác giả diễn đạt một cách hồn nhiên, thú vị hơn cả. Nổi bật nhất là truyện Nàng ở cổng trời với một chuyện tình thơ mộng trong không gian huyền hoặc, lãng đãng.

Điều đáng nói, sau những thành công về thơ, tập truyện Nàng ở cổng trời là tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Thị Anh Đào đến với công chúng ở thể loại truyện ngắn. Tác giả cho rằng, thực tế, chị không có ý định chuyên sâu vào thể loại thơ hay văn, nhưng tập truyện này được hình thành từ những cảm xúc có thật trong vài năm gần đây, đặc biệt về thành phố Đà Nẵng không ngừng đổi thay.

Nhà thơ Phạm Phát bước vào tuổi 81 mới in tập thơ đầu tay Một giọt (NXB Đà Nẵng). Với gần 150 bài thơ ngắn gọn, súc tích, mặc dù tác giả tự nhận mình là “dân nghiệp dư” nhưng đọc thơ Phạm Phát, ai cũng nghĩ ông là người sáng tác chuyên nghiệp. Theo nhận định của nhà thơ Thanh Quế, Phạm Phát có vốn sống phong phú, vốn văn hóa cao do được học ở trường và tự học, nhiều năm làm báo tiếp xúc với nhiều loại người” nên “có tay nghề vững vàng”. Tập thơ Một giọt của Phạm Phát thể hiện nhiều đề tài, từ chiến tranh đến xây dựng chủ nghĩa xã hội, từ phong cảnh của đất nước mình đến của nước bạn với hiện thực đời sống ở những nơi đó, từ cảm xúc đến suy nghĩ… Đặc biệt, có thể nói, thơ Hai-ku của ông là những suy nghĩ, cảm xúc đột xuất và sâu sắc.

Thiên di (NXB Hội Nhà văn) là tập thơ thứ hai, nối tiếp Chân trời (2002) của nhà thơ Nguyễn Minh Hùng. Giải thích nhan đề tập thơ, tác giả cho biết: “Trên đường thiên lí, loài chim di trú trải qua nhiều cảnh tượng huy hoàng và rủi ro, bất trắc. Chúng bị rình rập bởi giông bão, cái đói, bệnh tật, già yếu, phường săn và sự hủy hoại của bầy đàn… Đối với loài thiên di, quê hương là khái niệm có ý nghĩa nhưng đất sống, sự sống cao hơn “sự tồn tại” lại mang một ý nghĩa khác. Thân phận người - nhất là nghệ sĩ - phải chăng là một cánh thiên di? Trong “không gian bay” diệu vợi ấy, số phận Cái Đẹp mong manh và vĩnh hằng ước muốn chất chứa qua chữ và kiểu cấu trúc”. Thơ của Nguyễn Minh Hùng chắt lọc, trau chuốt, lấp lánh từng câu chữ, không dành cho người đọc dễ dãi, mà hướng đến kẻ tri âm, buộc phải đọc chậm, suy ngẫm, liên tưởng, mới thấu hiểu, sẻ chia…

Đủng đỉnh lên non (NXB Văn học) của Lê Anh Dũng gồm khoảng 60 bài thơ, mang nặng tình yêu đất nước, con người. Trong đó, nhiều bài ấn tượng như: Hoàng Sa ơi, linh Việt của ta ơi; Nhớ hịch tướng sĩ; Mượn lại gươm thiêng… Lê Anh Dũng là người làm thơ dài hơi, bền bỉ. Trong thơ anh, đôi khi nhận ra trong dặm trường vui chơi, thong dong hứng khởi vẫn man mác buồn, bởi những hoài niệm, nhạt nhòa màu quá khứ, thời gian.

Theo kết quả công bố của Hội đồng nghệ thuật Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng đề xuất, các tác phẩm được xếp giải thưởng năm nay bao gồm: Một giọt (thơ Phạm Phát - Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng); Thiên di (thơ Nguyễn Minh Hùng - Giải thưởng Hội Nhà văn Đà Nẵng); Nàng ở cổng trời (tập truyện, Nguyễn thị Anh Đào - Tặng thưởng Hội Nhà văn Đà Nẵng); Đào chuông xuống núi (tản văn, Bùi Văn Tiếng - Tặng thưởng Hội Nhà văn Đà Nẵng).

TRẦN TRUNG SÁNG

.