Văn hóa - Giải trí

Nghệ thuật nhiếp ảnh

Nghề chơi cũng lắm công phu

07:48, 01/12/2014 (GMT+7)

Những nghệ sĩ nhiếp ảnh ở thành phố Đà Nẵng khi nói về mình đều cười sảng khoái: Cuộc chơi nào cũng không dễ dàng, nhưng với nghệ thuật nhiếp ảnh, đã chơi thì phải chơi hết mình vì niềm đam mê những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống.

Ảnh chụp cầu Sông Hàn từ trên cao bằng công nghệ flycam của tác giả Nguyễn Hồng Nam.
Ảnh chụp cầu Sông Hàn từ trên cao bằng công nghệ flycam của tác giả Nguyễn Hồng Nam.

Đam mê

Với những nghệ sĩ nhiếp ảnh lâu năm trong nghề, mọi ngóc ngách ở thành phố đều in dấu chân của họ. Để tìm những chủ đề mới lạ, họ khám phá những vùng đất mới, có khi một mình, một máy, rong ruổi cả tháng đến tận vùng Tây Bắc hay tìm về tận mũi Cà Mau, lặn lội ra đảo Lý Sơn…

Chia sẻ về điều này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Thân Nguyên cho rằng, động lực duy nhất thôi thúc người nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng tạo là niềm đam mê. Nhiều người mê nhiếp ảnh đến nỗi lúc nào cũng chỉ có hình ảnh, ý tưởng, chủ đề, góc ảnh đẹp, đến mất ăn mất ngủ. Giải thưởng chỉ khích lệ tinh thần; còn quan trọng là rong ruổi săn ảnh, không ngại khó, ngại khổ để có tác phẩm ưng ý chỉ thỏa mãn đam mê với nghệ thuật này. Bằng chứng là nhiều người chụp rất đẹp nhưng chỉ muốn chia sẻ tác phẩm với bạn bè chứ không tham gia giải thưởng nào.

Không chỉ những người lâu năm trong nghề mà gần đây, các tay máy trẻ của thành phố khá hào hứng với môn nghệ thuật này. Vốn là kỹ sư xây dựng nhưng thích nhiếp ảnh, hơn 2 năm qua, tay máy trẻ Lê Triều Hải mày mò tìm hiểu, đọc hết tài liệu này đến tài liệu khác, vào mạng học hỏi cách chụp của những nghệ sĩ nổi tiếng trong nước, ngoài nước; kết bạn với những người cùng sở thích… “Thật lạ lùng, càng thấy khó, thấy khổ nhưng như một ma lực, mình càng bị cuốn hút vào và bây giờ thì mê luôn”, anh Hải tâm sự.

Bước vào cuộc chơi nhiếp ảnh, không chỉ tốn công sức mà tốn cả tiền đầu tư máy móc. “Nói vậy không có nghĩa là máy không “xịn” thì không chụp được ảnh đẹp và ngược lại. Nhưng có thể nhìn nhận rằng, so với thời trước, ngày nay, công nghệ hiện đại đã hỗ trợ rất nhiều cho những người mê nhiếp ảnh”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh nói.

Thời chụp ảnh bằng phim cuộn, mỗi khi chụp đều cân nhắc, gây áp lực lớn cho người cầm máy. Ngày nay, bằng công nghệ kỹ thuật số, các tay máy thoải mái chụp những khoảnh khắc ưng ý. Rồi từ máy chụp kỹ thuật số, công nghệ ngày càng nâng cấp với nhiều dòng máy, nhiều công cụ hỗ trợ hiện đại. Chẳng hạn, nhờ công nghệ chụp ảnh bằng flycam, nhiếp ảnh gia mang đến những góc nhìn mới lạ về cảnh quan từ trên cao. Trước đây, để có những góc chụp như vậy, người ta phải trèo lên tận những tòa nhà cao tầng, nhưng bây giờ chỉ cần thiết bị bay mini này được gắn máy chụp hình, quay phim lên trên và người chụp điều khiển từ bên dưới, điều khiển góc độ chụp theo ý tưởng của mình.

Theo nhiếp ảnh gia Quán Chúng, dù biết tốn kém nhưng đã mê thì chịu và “chơi đến cùng”. Vì thế, nhiều người đầu tư kinh phí khá lớn cho cuộc chơi này.

Làm phong phú đời sống nghệ thuật thành phố

So với các loại hình nghệ thuật khác, nhiếp ảnh ghi lại dấu ấn cá nhân nên nghệ sĩ nhiếp ảnh thỏa sức sáng tạo theo cách riêng của mình. Nhờ đó, hoạt động nhiếp ảnh của thành phố khá phong phú, đa dạng. Hiện tại, thành phố có Hội Nhiếp ảnh gồm 43 thành viên (trong đó có 14 hội viên thuộc Hội Nhiếp ảnh Việt Nam); CLB Nhiếp ảnh Đà Nẵng thuộc Hội Nhiếp ảnh thành phố hiện có 80 thành viên; CLB Nhiếp ảnh sông Hàn thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố, CLB Nhiếp ảnh báo chí thuộc Hội Nhà báo thành phố… Bên cạnh các CLB, nhiều nhiếp ảnh gia hoạt động độc lập và đông đảo bạn trẻ say mê nhiếp ảnh mày mò tìm hiểu về nghệ thuật này.

Nhằm tạo sự gắn kết, giao lưu và học hỏi lẫn nhau giữa những người mê nhiếp ảnh, Hội Nhiếp ảnh thành phố và các CLB thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chụp ảnh, xử lý tác phẩm. Cuối tháng 11 vừa qua, Hội Nhiếp ảnh thành phố đã mời nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Anh, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam, Giám khảo quốc tế; và kỹ sư Dương Trung Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Việt - Mỹ (VNUSPA), nổi tiếng với các tác phẩm đoạt giải trong và ngoài nước, một “phù thủy” về photoshop đã hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho các thành viên và cả những người thích tìm hiểu về nhiếp ảnh.

“Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung trở thành đề tài bất tận cho nghệ sĩ sáng tác, kể cả nghệ sĩ nước ngoài cũng tìm về đây. Nhưng chúng ta thua họ ngay trên sân nhà ở công nghệ và kỹ thuật xử lý, bởi xử lý hậu kỳ có thể xem là sáng tác tác phẩm lần thứ hai. Vì thế, phải tiếp cận kỹ thuật xử lý ảnh hiện đại, kết hợp chủ đề cộng phần mềm chỉnh sửa sẽ tạo ra nhiều tác phẩm độc đáo”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Anh chia sẻ.

Những nghệ sĩ lớn tuổi từng tạo nên không biết bao nhiêu tác phẩm để đời nhưng tỏ ra lúng túng khi sử dụng phần mềm hiện đại, những người trẻ tuổi lại rành phần mềm hơn, song lại hạn chế về nhìn nhận đề tài, bố cục. Và như thế, mỗi ngày, điểm hẹn quen thuộc của giới nhiếp ảnh thành phố là quán cà-phê Thanh Thanh trên đường Phan Châu Trinh. Ở đó, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người già, người trẻ cùng chia sẻ về tác phẩm của họ. Dường như ranh giới giữa những bậc thầy và những người chập chững vào nghề không hề có, chỉ có duy nhất tình yêu với nghệ thuật nhiếp ảnh.

Theo ông Ông Văn Sinh, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh thành phố Đà Nẵng, cuộc thi nhiếp ảnh “Đà Nẵng toàn cảnh” 2014 là sân chơi cho giới nhiếp ảnh thành phố. Cuộc thi đã thu hút 250 tác giả trên cả nước tham gia, 3 người nước ngoài với 4.000 tác phẩm dự thi. Từ tổng số tác phẩm dự thi, Ban tổ chức, Hội đồng giám khảo sẽ chọn ra 100 bức ảnh nổi trội triển lãm chào mừng 40 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng.

NGỌC HÀ

.