Văn hóa - Giải trí

Khó tìm mua sách ngoại văn

08:10, 28/01/2015 (GMT+7)

Với thị trường sách đa dạng hiện nay, độc giả của dòng sách ngoại văn vẫn rất khó khăn trong việc tìm cho mình những cuốn sách ưng ý.

Hiện rất khó để tìm mua sách ngoại văn tại các quầy sách trên địa bàn Đà Nẵng.  Trong ảnh: Các sinh viên tìm các sách bổ trợ việc học ngoại ngữ tại các quầy sách.
Hiện rất khó để tìm mua sách ngoại văn tại các quầy sách trên địa bàn Đà Nẵng. Trong ảnh: Các sinh viên tìm các sách bổ trợ việc học ngoại ngữ tại các quầy sách.

Muốn mua, phải đặt trước

Dạo quanh những quầy sách lớn nhỏ trên địa bàn Đà Nẵng với mong muốn tìm vài cuốn sách ngoại văn, chúng tôi đã thực sự gặp khó. Câu trả lời từ phía các nhà sách thường là không có, không còn bán, hoặc phải đặt trước nếu muốn mua sách ngoại văn…

Ông Lê Ngọc Thạnh, Cửa hàng trưởng Nhà sách Fahasa tại Đà Nẵng, cho biết từ trước đến nay, sách ngoại văn vốn là thế mạnh của Fahasa, nhưng vài năm trở lại đây, sách ngoại văn chủ yếu được phân phối ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, còn ở Đà Nẵng chỉ “nhỏ giọt”, có năm không có sách mới vì tiêu thụ quá chậm. Nếu khách hàng trên địa bàn thành phố muốn mua thì có thể đặt trước.

Tương tự, đại diện Nhà sách Phương Nam Đà Nẵng cũng cho biết, sách ngoại văn hiện không được phân phối ở trụ sở chính của Phương Nam tại Đà Nẵng mà chỉ bày bán một ít ở ga tàu và sân bay phục vụ khách quốc tế, trong khung giờ cố định, người đã mua vé máy bay mới được mua. Còn lại, ai muốn mua cuốn nào thì đặt cọc, sách chuyển về thì khách phải nhận và không được quyền đổi, trả.

Đến Nhà sách Đà Nẵng hỏi sách ngoại văn thì các nhân viên tại đây chỉ hiểu đó là sách, giáo trình học ngoại ngữ các loại hoặc văn học nước ngoài (phiên bản tiếng Việt). Chúng tôi phải kiên nhẫn giải thích nhiều lần rằng mình muốn mua những cuốn tiểu thuyết, truyện viết bằng tiếng nước ngoài thì nhận được những cái lắc đầu.

Ông Hoàng Ngọc Lập, Phó Giám đốc Công ty Sách - thiết bị trường học Đà Nẵng (Nhà sách Đà Nẵng), cho hay dù là đơn vị Nhà nước, nhưng Nhà sách Đà Nẵng cũng phải vận hành theo quy luật cung - cầu

. “Qua từng năm, chúng tôi sẽ gạn lọc những loại sách nào đáp ứng nhu cầu đọc của đông đảo người dân thì mới nhập về, còn những loại sách quá kén độc giả như sách ngoại văn thì phải cân nhắc. Ngoài giáo trình, sách hướng dẫn học ngoại ngữ, văn học nước ngoài thì hiện ở Nhà sách Đà Nẵng không có sách ngoại văn”, ông Lập không giấu giếm.

Theo “mách nước” của một người vốn có sở thích đi “lùng” sách ngoại văn, chúng tôi tìm đến đúng địa chỉ của quầy sách trước đây vẫn bày bán những cuốn ngoại văn hay thì nơi đây hiện trở thành shop bán áo quần.

Ngay cả Nhà sách Chánh Trí - vốn được biết đến là nơi chuyên bán sách ngoại văn, thì hiện chỉ bày bán một số truyện tranh dành cho thiếu nhi bằng tiếng Anh để hỗ trợ việc học tập và đáp ứng một phần nhu cầu đọc của các độc giả nhí; còn lại là bán sách, giáo trình phục vụ nhu cầu học ngoại ngữ cho nhiều lứa tuổi. Chủ quầy sách Chánh Trí cho biết, thực tế này bắt đầu từ khoảng 5-7 năm trở lại đây, khi sách ngoại văn có giá nhập về ngày càng cao và không mấy người hỏi đến.

Khó tìm được sách vừa ý

Theo ông Hoàng Ngọc Lập, Phó Giám đốc Nhà sách Đà Nẵng, nhu cầu đọc thấp, giá sách tăng cao, kèm theo những “rắc rối” về vấn đề bản quyền là những lý do khiến các công ty sách ngần ngại nhập sách ngoại văn.

“Nhưng nguyên nhân chính vẫn là xuất phát từ nhu cầu đọc của người dân. Nếu nhu cầu đọc tại Đà Nẵng lớn, giá cao mấy thì chắc chắn sách ngoại văn cũng sẽ được nhập, như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vậy. Tôi nghĩ, vấn đề là ở thói quen, sự tràn ngập quá nhiều kênh thông tin - giải trí, khiến người ta lười đọc cả sách nội, chứ đừng nói sách ngoại”, ông Lập lý giải.

Chị Hoàng Thùy Dương (32 tuổi, trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu) - nhân viên văn phòng - chia sẻ lâu rồi chị không có điều kiện đọc những cuốn ngoại văn hay và mới, như khi học đại học ở Hà Nội vì mỗi lần đi tìm mua loại sách này ở Đà Nẵng rất khó, chị không thích đặt trước vì ngại không mua được cuốn ưng ý, lúc đó có muốn đổi, trả cũng rất phiền. “Mua sách, tôi muốn phải đọc trước xem hay dở thế nào, chứ cứ đặt chừng chừng, rất dễ đụng phải sách không như ý”, chị Dương bày tỏ.

Theo những người nặng lòng với sách, phong trào đọc sách ngoại văn nói riêng trước đây ở Đà Nẵng không phải quá nhộn nhịp, nhưng vẫn là một dòng chảy đẹp trong đời sống văn hóa của thành phố. Nếu không phát triển được thì nên chăng cần những động thái để giữ lại, thay vì để dòng chảy văn hóa ấy mai một dần…

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

.