Nguyễn Hiến Lê không chỉ là nhà văn, nhà nghiên cứu văn học tài danh mà còn là một nhân cách đáng ngưỡng vọng.
Một số tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê. |
Nguyễn Hiến Lê được sinh ra trong một gia đình Nho học, bác ruột từng tham gia phong trào Duy tân, hoạt động ở Trường Đông Kinh Nghĩa Thục, bị thực dân truy nã, lánh vào Sài Gòn rồi ẩn cư và lập nghiệp ở miền Tây Nam bộ. Đó là lý do để sau khi học xong tiểu học Yên Phụ, trung học Bảo hộ, rồi tốt nghiệp Cao đẳng Công chánh Hà Nội (1934), Nguyễn Hiến Lê lần theo nắng ấm phương Nam, trở thành một viên chức thuộc Sở Thủy lợi Nam bộ và gắn bó suốt đời với đất rừng phương Nam.
Nhưng cơ duyên gì để một viên chức mẫn cán, hằng ngày chuyên đo mực nước các sông rạch để tính đường nước chảy nhằm thiết kế các kênh mương thủy lợi, từ Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, xuống đến đất mũi Cà Mau; từ Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc qua đến Rạch Giá, Kiên Giang, trở thành nhà văn, nhà nghiên cứu, biên soạn, khảo cứu, dịch thuật về nhiều lĩnh vực như: triết học, văn học, sử học, ngôn ngữ học, đạo đức học, chính trị học, kinh tế học, giáo dục học, gương danh nhân…, chủ nhân của khối lượng tác phẩm đồ sộ gồm 120 cuốn sách, không dưới 40.000 trang sách? Đó là chưa kể hàng nghìn bài báo chuyên môn của ông được đăng rải rác trên các báo.
Trong hồi ký Đời viết văn của tôi, Nguyễn Hiến Lê kể rằng, ông được cha dạy chữ Hán từ nhỏ. Khi cha mất, mỗi kỳ nghỉ hè, ông được mẹ gửi về quê ở Phương Khê học thêm chữ Hán với người bác để có thể đọc được gia phả bên nội, bên ngoại. Ông học được khoảng 4.000 từ trong hai mùa hè năm 1928 và 1929 thì bác mất.
Nhưng thời gian đó, ông được đắm mình trong thiên nhiên và cuộc sống làng quê, được bồi dưỡng đời sống tinh thần lành mạnh, nhen ngọn lửa ấm áp dẫn đường để sau này đến với văn chương: “Mẹ tôi có một quyết định khiến đời tôi sau này theo một hướng mà chính người và bác tôi không ai ngờ được. Ngày nay càng nghĩ lại, tôi càng thấy công lớn của người và không hiểu đã có cái gì khiến người nảy ra quyết định đó.” [Đời viết văn của tôi, NXB Văn hóa thông tin 2006, tr.16].
Khi làm việc ở đồng bằng Nam bộ, Nguyễn Hiến Lê tiếp tục trải nghiệm cuộc sống của những người nông dân chân lấm tay bùn, tiếp nhận thêm bao điều mới mẻ. Là người khát khao khám phá cái mới, yêu cầu của công việc phải đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, ông đọc được những điều sâu kín trong thế giới tâm hồn họ, tuôn trào thành cảm xúc và ông viết nhật ký - những trang viết đầu tiên khai mở cho những tác phẩm du ký sau này.
Ông viết để vơi nỗi buồn, viết xong không cần đọc lại và cũng chẳng cần giữ lại. Ngoài thời gian về vùng nông thôn, những lúc làm việc tại Sài Gòn, thời gian rảnh, ông chỉ thích lặng lẽ một mình với sách vở, chuyên tâm tự học, nhất là học Hán văn và Pháp văn, đồng thời đọc nhiều sách để tiếp thu kho tàng tri thức vô tận của nhân loại.
Trên tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam thế kỷ 20, Nguyễn Hiến Lê là một trong những tác giả có nhiều đóng góp quan trọng về cả số lượng lẫn chất lượng tác phẩm, sự đa dạng về đề tài và phong phú về thể loại, nhất là sự đa lĩnh vực có tính chất bách khoa toàn thư về đời sống tinh thần của con người. Đồng thời, thông qua sự nghiệp với những trước tác đồ sộ của ông, có thể nhận ra những đặc điểm mang dấu ấn cá nhân về tư duy, đối tượng, ngôn ngữ, giọng điệu, phong cách nghiên cứu và sáng tạo của ông.
Là người đa tài, tham gia nhiều lĩnh vực nên trong Nguyễn Hiến Lê có sự hài hòa giữa tư duy nghệ thuật và tư duy nghiên cứu, đồng thời rẽ nhiều hướng khác nhau, đan xen nhiều phương pháp. Đọc hồi ký dễ nhận ra một tấm gương lao động miệt mài ít ai sánh kịp, thể hiện tinh thần làm việc say mê và tính kỷ luật mà ông tự đặt ra cho mình: mỗi ngày, ông dành thời gian để sắp xếp tài liệu, ghi chép, suy nghĩ trước khi ngồi vào bàn viết.
Ông có thói quen viết vào buổi sáng và buổi chiều, còn buổi tối đọc sách, báo. Trung bình mỗi năm ông in khoảng 3 cuốn sách, tổng cộng khoảng 900 trang. Có người hỏi: “Thời gian đâu mà ông viết được nhiều như vậy?”.
Ông trả lời: “Có gì đâu mà nhiều, tính bình quân mỗi ngày chỉ viết ba trang!”. Với ông, muốn có cảm hứng, phải ngồi vào bàn, cầm bút, tụ khắc chữ sẽ đứng chật trang giấy. Vì vậy, nhiều lần người ta mời ông đến giảng dạy ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, ông đều từ chối vì sợ mất thời gian. Với ông, để viết được một cuốn sách, phải đọc thật nhiều cuốn sách khác, viết cũng là một cách học tập, học tập để mà viết.
Nhìn tổng thể những gì ông viết ra đều có ý nghĩa giáo dục, nói nôm na là tập trung một chủ điểm: sách học làm người. Những tác phẩm ông viết hoặc được chọn dịch đều hợp với sở thích và đúng với chủ tâm giáo dục của ông, tức là không chỉ nhắm vào tầng lớp trí thức như chủ trương của Phạm Quỳnh trước kia, mà là giáo hóa quần chúng, nhằm nâng cao dân trí, gần với chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của Phan Châu Trinh và phong trào Duy tân.
Vì vậy, sách của ông phù hợp với nhiều tầng lớp, nhiều trình độ khác nhau, từ bình dân đến trí thức. Những tác phẩm giúp ích cho việc học tập, rèn luyện nhân cách đạo đức như Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi mà vui sống…; hoặc chọn dịch các tác phẩm kinh điển như Chiến tranh và hòa bình, Kiếp người; hay sách cung cấp phương pháp dạy trẻ như 33 câu chuyện với các bà mẹ… Ông luôn đề cao giá trị nội dung giáo hóa đạo đức, không chạy theo nhu cầu thị hiếu của người đọc mà dịch loại “tiểu thuyết ba xu”, xô đẩy thanh- thiếu niên vào con đường mơ mộng ái tình ủy mị.
Thế giới của ông là tình cảm cao thượng, lành mạnh với lòng thương người, khoan dung, bênh vực kẻ yếu, tính nhẫn nại, tình đoàn kết, yêu nước, rèn luyện nhân cách, học tập, đọc sách, biết quý thời gian, mở mang tầm văn hóa tri thức… Trong mục sách “Học để làm người” hoặc “Học và hiểu”, ông đã vạch cho thanh niên con đường sáng, biết phép tu thân, xử thế, rèn luyện cho họ đức tự tin và kỹ năng sống…
Xuất thân là người hoạt động kỹ thuật trong ngành thủy lợi nên khi bước sang văn chương, Nguyễn Hiến Lê đã trải qua chặng đường dài đánh vật với từng con chữ để tự tạo nên một giọng điệu văn chương. Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ. Nhà văn là nhà sáng tạo ngôn từ. Nó được cá thể hóa đến mức trở thành quy luật ngữ pháp riêng, giọng điệu riêng của từng nhà văn chứ không phải chỉ tuân theo ngữ pháp chung của từng ngôn ngữ.
“Đối với văn chương, người đọc không phải chỉ để hiểu mà để cảm, nghĩa là cảm nhận thấy toàn bộ những gì nhà văn gửi gắm đằng sau những hàng chữ, vượt ra khỏi nghĩa của từng từ, từng chữ. Đối với văn chương, nếu chỉ bám vào những ký hiệu trực tiếp, chỉ là cuộc tìm kiếm vô bổ trong nghĩa địa của ngôn từ” [Phạm Phú Phong, Thi pháp và thi pháp truyện ngắn, NXB Thuận Hóa 1997, tr.183]. Do đó, giọng điệu văn chương cũng xuất phát từ ngôn ngữ. Song, nó có nghĩa rộng hơn nhiều, nó bao hàm cả ngữ cảnh, thái độ, quan niệm, cách ứng xử… và cá thể hóa đến mức trở thành đặc trưng riêng biệt của từng người.
Đặc điểm dễ nhận ra là ở thể loại nào Nguyễn Hiến Lê cũng tạo cho mình giọng điệu văn chương tự nhiên, bình dị. Nhưng đối với thể loại chính luận, sự bình dị đó được thêm sức nặng của sự trung thực, thẳng thắn, đôi khi có cả sự phẫn nộ, gay gắt, đả thẳng vào những tệ hại của nhà cầm quyền đương thời, nên khi in thường bị cắt bỏ nhiều chữ, nhiều đoạn. Ở loại sách “Học để làm người”, giọng điệu bình dị ấy thành thật, thân mật, nhiệt tâm, như đứng về phía người đọc, muốn tìm kiếm sự đồng cảm, sẻ chia kỹ năng sống, hun đúc bản lĩnh và hoài bão…
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, nên tâm hồn Nguyễn Hiến Lê thuộc về nền tảng đạo lý Nho gia, yêu nước và thiết tha với văn hóa dân tộc, biết giữ gìn và phát huy những giá trị tinh thần cao đẹp của cha ông. Khi bước chân vào trường học, ông tiếp xúc văn chương phương Tây, đọc nhiều sách báo nước ngoài, nên ông am hiểu và chịu ảnh hưởng cả Đông lẫn Tây. Vì vậy, phong cách nghiên cứu và sáng tạo có sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; thể hiện sự bình dị, tự nhiên, trong sáng, gần gũi với đời sống cần lao của một người trưởng thành từ sông nước miền Tây Nam bộ, nhưng vẫn lưu giữ chất thâm thúy, cao sang của văn hóa đồng bằng Bắc bộ. Khát vọng chính đáng của ông là viết vì người đọc, hướng đến chân - thiện - mỹ.
Không những thế, ở Nguyễn Hiến Lê còn là một nhân cách, với bản lĩnh văn hóa đáng trân trọng. Ông sống và làm việc suốt mấy chục năm dưới chế độ cũ nhưng vẫn giữ sạch ngòi bút của mình trong tư thế “độc lập với chính quyền”. Vì thế, trước năm 1975, ông là một trong vài người cầm bút được giới văn chương quý trọng; được độc giả, nhất là thanh niên, học sinh, sinh viên yêu quý. Chính quyền Sài Gòn đã tặng ông Giải thưởng văn chương toàn quốc (1967) và giải thưởng Tuyên dương sự nghiệp văn hóa (1973), cùng với ngân phiếu tương đương mấy chục lượng vàng. Tuy nhiên, ông đã công khai từ chối và khuyên nên “dùng tiền ấy để giúp đỡ nạn nhân chiến tranh”.
Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) hiệu là Lộc Đình, người làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, thị xã Sơn Tây, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc thủ đô Hà Nội. |
PHẠM PHÚ PHONG