Văn hóa - Giải trí

Nét riêng lễ hội đình làng

07:52, 02/03/2015 (GMT+7)

Cứ vào mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng âm lịch, người làng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) lại rộn ràng khai hội đình làng, mở đầu cho mùa lễ hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Lễ nghênh sắc tại Lễ hội đình làng Túy Loan. 												      Ảnh: T. TÂN
Lễ nghênh sắc tại Lễ hội đình làng Túy Loan. Ảnh: T. TÂN

Đình làng Túy Loan được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1998. Tính đến nay đã 17 năm, lễ hội đình làng Túy Loan được khôi phục, duy trì hằng năm với những sắc thái riêng, không nơi nào có được.

Gìn giữ nét đẹp truyền thống

Năm nay, phần lễ và phần hội đình làng Túy Loan cơ bản vẫn được duy trì như mọi năm. Lôi cuốn nhất trong phần hội có lẽ vẫn là hội đua thuyền truyền thống giữa các thôn trong xã và đội “khách mời” đến từ thôn Phú Hòa (xã Hòa Nhơn). Bên cạnh đó, các trò chơi dân gian vui nhộn như: nướng bánh tráng, gói bánh tét, vật tay, leo chuối, kéo co, bắt vịt, cày ruộng, thả hoa đăng... tiếp tục thu hút, hấp dẫn các đội chơi cũng như người đi xem hội. Hô hát bài chòi vẫn diễn ra liên tục trong hai đêm lễ hội là mồng 9 và mồng 10 âm lịch.

Theo ông Đặng Công Ngọc, Trưởng ban tổ chức lễ hội đình làng Túy Loan, nét hấp dẫn của lễ hội đình làng Túy Loan chính là sức sống của những giá trị truyền thống trong đời sống hiện đại. “Làng cổ Túy Loan có hơn 500 tuổi, do 5 vị tiền hiền các họ Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê tuân chiếu vua Lê Thánh Tôn đi mở mang bờ cõi về phương Nam dừng chân và chọn nơi đây để lập nghiệp.

Đình được xây dựng vào năm Thành Thái thứ nhất (1889), thờ Thành hoàng bổn xứ và các vị tiền hiền, hậu hiền của làng. Hiện đình vẫn lưu giữ 5 sắc phong của triều Nguyễn ban. Giữa phố thị này, dễ gì giữ được những giá trị truyền thống tốt đẹp như thế”, ông Ngọc tự hào.

Kết tinh giá trị nhân văn

Cũng theo ông Ngọc, lễ hội đình làng thỏa mãn nhu cầu tâm linh, cũng là dịp để mọi người trở về nguồn cội, ghi nhớ công đức của các vị tiền hiền đã có công khai phá và dựng làng. Vì vậy, dù khó khăn đến mấy, kể những năm tháng chiến tranh ác liệt, người dân nơi đây vẫn tổ chức lễ hội đình làng và tế xuân đầu năm. Lúc này, mọi người có thể quây quần, cầu chúc những điều tốt lành và mong mưa thuận, gió hòa…

Theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, tính cộng đồng và lòng tự nguyện là những yếu tố căn bản làm nên tính bền vững đối với lễ hội xứ Quảng nói chung, lễ hội Đà Nẵng nói riêng. Điều đáng nói là tính cộng đồng ở đây dù cao đến mấy cũng chỉ thu hẹp chủ yếu trong phạm vi một làng. Tham gia các lễ hội dân gian ở Đà Nẵng chủ yếu vẫn là người trong làng hay cùng lắm là người các làng lân cận.

Cũng theo ông Tiếng, khác với hàng ngàn lễ hội dân gian khác trên cả nước, lễ hội trên đất Quảng không nặng yếu tố mê tín dị đoan và đầy triết lý nhân văn sâu sắc. Triết lý nhân văn xuyên suốt các lễ hội tại Đà Nẵng chính là khát vọng bình an cho mình, cho gia đình mình, cho dòng tộc mình và cho người cùng làng. Khát vọng này không chỉ thể hiện qua lễ hội mà còn thể hiện qua địa danh với bao nhiêu là tên đất, tên làng, tên sông, tên núi mang từ tố An/Hòa/Bình/Thuận…

Hòa Mỹ rộn ràng!

Khi lễ hội đình làng Túy Loan khép lại cũng là lúc người dân làng Hòa Mỹ (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) hân hoan vào hội. Đến đình làng Hòa Mỹ, đi trên con đường Nguyễn Huy Tưởng dài và rộng với hàng nghìn cờ, phướn, pa-nô, khẩu hiệu chào đón năm mới và lễ hội, bất kỳ ai cũng có thể có cảm giác ấm áp và cảm nhận hương xuân vị Tết.

Đại diện Ban tổ chức lễ hội đình làng Hòa Mỹ cho biết, lễ hội truyền thống của đình làng diễn ra vào các ngày 12 và 13 tháng Giêng âm lịch. Song, năm nào cũng vậy, trước Tết Nguyên đán, dân làng đều tự nguyện làm sạch đẹp từng góc phố, tạo diện mạo mới để đón xuân trọn vẹn và háo hức chờ đợi ngày hội. Điểm nổi bật nhất ở hội làng Hòa Mỹ là sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại. Mở đầu phần hội thường là giải chạy việt dã truyền thống, thu hút đông đảo nông dân, thanh - thiếu niên, học sinh tham gia. Trong khi người trẻ tuổi thi cắm hoa, thi làm bánh, người cao tuổi biểu diễn thể dục dưỡng sinh, vui chơi bài chòi, hội diễn văn nghệ...

Tiếp nối lễ hội đình làng Hòa Mỹ là lễ hội đình làng Hòa Phú, đình làng Trung Nghĩa, đình làng Hòa An, lễ hội Cầu ngư... kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.

“Tránh sân khấu hóa lễ hội tùy tiện!”

Về hạn chế của lễ hội Đà Nẵng, có nên giữ cốt cách “làng” như vậy hay nên mở rộng, nâng tầm các lễ hội lên tầm quốc gia (như lễ hội Quán Thế Âm) cũng như việc giữ gìn và phát huy giá trị tinh thần, văn hóa từ các lễ hội Đà Nẵng, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng cho rằng, trước hết nên phân biệt lễ hội dân gian và lễ hội hiện đại. Đối với lễ hội dân gian, nên cố giữ cái cốt cách “làng” như xưa nay.

Lễ hội dân gian là sinh hoạt tinh thần riêng của từng cộng đồng làng, đòi hỏi rất cao tính tự nguyện của dân làng khi tham gia/tham dự lễ hội của làng mình. Lễ hội ấy phải xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng thực tế của dân làng.

Thực tế, không thể có lễ hội mục đồng ở một làng Phong Lệ hiện đại không còn trẻ chăn trâu. Việc phục dựng lễ hội mục đồng làng Phong Lệ là để nghiên cứu bảo tồn một di sản văn hóa dân gian một thời vang bóng chứ không phải để phục vụ cho công nghiệp không khói. Hạn chế của lễ hội dân gian ở Đà Nẵng - nếu có - là việc tổ chức những lễ hội không xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng thực tế của dân làng mà chỉ xuất phát từ nhu cầu tham quan của du khách thập phương. Đó chỉ là những lễ hội dân gian sân khấu hóa.

“Còn những lễ hội hiện đại thì không những Đà Nẵng nên khuếch trương ở tầm quốc gia mà còn nên khuếch trương ở tầm quốc tế như Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế. Đối với Lễ hội Quán Thế Âm cũng vậy, hoàn toàn có thể nâng tầm, mở rộng quy mô - tất nhiên trong phạm vi có thể. Bởi tín ngưỡng Quán Thế Âm Bồ tát là tín ngưỡng mang tính toàn cầu, không phải là tín ngưỡng riêng của một/một số cộng đồng làng, và Ngũ Hành Sơn từng là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Đàng Trong và của cả nước”, ông Bùi Văn Tiếng nói.

THANH TÂN

.