Văn hóa - Giải trí

Café sáng

Tản mạn về cổ tích Việt

09:35, 13/04/2015 (GMT+7)

1. Nhìn chung không gian nghệ thuật trong cổ tích Việt không có nhiều sông. Thế nhưng, không vì thế mà cổ tích Việt thiếu vắng những dòng sông trữ tình đầy ấn tượng.

Diễn viên trẻ Nhà hát Chèo Việt Nam trong vở Lưu Bình- Dương Lễ.
Diễn viên trẻ Nhà hát Chèo Việt Nam trong vở Lưu Bình- Dương Lễ.

Dễ thấy dòng sông ngày ngày anh thuyền chài Trương Chi vừa buông lưới vừa hát - tiếng hát hay và quyến rũ đến mức làm nàng Mỵ Nương, con quan Thừa tướng nhà ở bên bờ sông, phải mê đắm - là một dòng sông trữ tình, nhưng đấy vẫn chưa phải là dòng sông trữ tình nhất trong cổ tích Việt. Dòng sông trữ tình nhất ở đây là dòng-sông-trong-chén-bạch-đàn, cái chén hóa thân từ trái tim tương tư của nhân vật chính trong thiên cổ tích Trương Chi: “Trương Chi chết nhưng hồn chàng nhập vào trong cây gỗ bạch đàn.

Ít lâu sau có người vớt được cây gỗ, vô tình đem bán cho Thừa tướng. Mua được gỗ quý, Thừa tướng sai ngay thợ tiện tiện thành bộ chén trà. Một hôm Mỵ Nương cầm chén rót nước, thì lạ thay hình ảnh người đánh cá chèo thuyền hiện lên chậm chậm xoay quanh trong lòng chén. Tức thì tiếng hát năm xưa cũng văng vẳng như than như trách.

Mỵ Nương chạnh lòng nhớ lại mối tình đã qua”.(*) Giọt nước mắt của Mỵ Nương “rơi xuống chén và chiếc chén cũng tan ra thành nước”, dòng-sông-trong-chén-bạch-đàn cũng không còn, nhưng mấy trăm năm qua hình ảnh dòng sông được xem là trữ tình nhất của cổ tích Việt vẫn luôn tồn tại trong ký ức của nhiều thế hệ người Việt yêu mến văn chương dân gian, trở thành một chi tiết nghệ thuật sinh động và đặc sắc mà người Việt đã đóng góp cho folklore thế giới.

2. Thật khó tưởng tượng cổ tích mà lại vắng bóng những nàng tiên. Nhân vật nữ chính trong nhiều cổ tích Việt là một nàng tiên sắc nước hương trời, chẳng hạn nàng Giáng Hương trong thiên cổ tích Từ Thức gặp tiên: “Một hôm, có một thiếu nữ tuổi chừng mười sáu, mười bảy, nhan sắc xinh đẹp, đến xem hoa, nhỡ tay vịn gãy một cành, không có gì để đền, nên bị nhà chùa bắt giữ lại”.

Sau sự cố hoa mẫu đơn hôm ấy, Giáng Hương không còn trở lại cõi nhân gian bé tí (chữ của Nguyễn Khải), nhưng nàng vẫn gắn bó sâu nặng với cõi hồng trần (chữ của Nguyễn Du): nàng đã chấp nhận lấy Từ Thức - một người trần và còn vương vấn trần duyên - làm chồng, đồng thời hiểu rất rõ sự khác nhau giữa trần gian và tiên cảnh khi vừa khóc vừa nói với chồng mình: “… ở trần gian ngày tháng ngắn ngủi, sợ chàng về không thấy còn như trước nữa”. Có thể nói nàng tiên Giáng Hương gắn bó với trần gian theo cách của nàng, khác với nàng tiên Giáng Kiều trong thiên cổ tích Tú Uyên gắn bó với cõi đời này theo cách khác.

Cũng như Giáng Hương và Từ Thức, Giáng Kiều và Tú Uyên cũng gặp nhau ở một ngôi chùa, nhưng trong khi Từ Thức chỉ có thể gặp lại Giáng Hương nơi tiên cảnh thì Tú Uyên được tái ngộ Giáng Kiều ngay tại nhà mình - tất nhiên theo một cách rất… tiên: Giáng Kiều bước ra từ bức tranh Tố Nữ để gặp lại Tú Uyên, trở thành người vợ rất mực ngoan hiền và còn sinh cho chàng một con trai kháu khỉnh.

Cả khi giận chồng đến mức ôm con bay thẳng lên trời, nàng tiên Giáng Kiều một lần nữa lại gắn bó với trần gian, tạo cho Tú Uyên cơ hội mới và chỉ khi con trai khôn lớn, nàng mới cùng chồng cưỡi hạc trắng về sống trên cõi tiên.

Thiên cổ tích Tú Uyên có một tình tiết rất… con người - tư duy theo kiểu người chứ không phải kiểu… tiên - là khi phát hiện Giáng Kiều hóa thân vào cô gái trong tranh, “Tú Uyên liền đẩy cửa vào xé vội bức tranh trên tường, rồi quay lại nắm chặt lấy tay người tố nữ”.

Thực ra động tác này không cần thiết, bởi đúng như Giáng Kiều đã nói: “Sao chàng lại vội xé bức tranh đi? Thiếp vào đây rồi thì đã là người nhà chàng…”. Cái chính ở đây là sự gắn bó của nàng tiên Giáng Kiều với Tú Uyên chứ không phải bức tranh kia - bằng chứng là lúc giận chồng không lo học hành chỉ suốt ngày ngắm vợ đẹp và uống rượu, nàng vẫn có thể ra đi, và nếu không quá mềm lòng, nàng đã một đi không trở lại.

Mô-típ chặn-đường-tháo-chạy của các nàng tiên cũng thường xuất hiện ở một số cổ tích khác, chẳng hạn như Người lấy vợ tiên: “Trong đám mây hồng có bảy cô gái đang bay như một đám mây ngũ sắc hạ từ từ xuống một hồ nước. Chàng trai thấy vậy liền núp vào bụi cây gần đó. Bảy nàng tiên đứng lên phiến đá ngọc, các nàng cởi bỏ xiêm y lội xuống tắm (…) Nàng tiên thứ bảy đẹp hơn cả (…) Chàng trai đứng ngắm nàng không chán mắt rồi lẻn đến lấy trộm đôi cánh của nàng (…) Sáu nàng kia đã tung cánh bay đi để lại nàng bơ vơ trên bờ cát trắng”.

Đương nhiên không phải lúc nào việc chặn-đường-tháo-chạy của các nàng tiên cũng thuận buồm xuôi gió. Chàng chăn trâu trong cổ tích Lưỡi dao thần “một hôm đang ngồi dưới bóng cây, nhìn lên trời thấy ba chị em cô tiên vạch mây bay xuống.

Ba cô tiên đáp xuống chỗ xoáy nước cởi áo để trên bờ rồi cùng lội ra tắm. Ba cô đều đẹp nhưng cô út xinh nhất. Chàng chăn trâu muốn lấy cô này làm vợ, liền lẻn ra lấy bộ xiêm áo của cô rồi vào bụi ngồi (…) Các cô tiên sắp sửa về cõi tiên, cô tiên út phát hiện mình bị mất xiêm áo. Ngồi trong bụi cây, cô tiên cả vỗ tay ba cái, chiếc áo liền bay vụt ra, còn chàng chăn trâu thì nằm lăn ra chết…”. Hôm sau, nhờ được con trai Thủy thần cứu sống và cho một cây-thuốc-sống có khả năng làm người chết tái sinh, chàng chăn trâu có cơ hội tiếp tục giấc mơ lấy vợ tiên: “Ba cô tiên lại vạch mây bay xuống.

Tưởng không còn ai, ba cô vứt bừa khăn áo trên bờ chạy ùa xuống nước. Có cây-thuốc-sống, chàng chăn trâu chẳng sợ chết nữa, đi thẳng đến lấy chiếc áo của cô thứ ba cắp vào nách đứng nhìn. Ba cô tiên trông thấy, chạy ùa lên bờ, vỗ tay hóa phép. Chàng vẫn đứng trơ trơ. Hai cô chị sợ quá, vội vàng tranh lấy áo mặc, bay về trời. Còn cô tiên thứ ba ở lại, làm vợ chàng chăn trâu”.

Nhưng việc chặn-đường-tháo-chạy vẫn chưa dừng ở đây, bởi một năm sau, khi đã có con với nhau, nhân lúc “chàng đuổi trâu đi chăn, vợ chàng ở nhà trút bồ thóc ra phơi. Trông thấy chiếc áo tiên chồng giấu dưới đáy bồ, cô vợ đem ra ướm thử rồi bay luôn về nhà trời”…

Cổ tích Việt còn có một nàng tiên đẹp như… tiên - chỉ như tiên thôi bởi nàng sinh ra và lớn lên ngay trên hạ giới này. Đó là nàng Châu Long trong thiên cổ tích trứ danh Lưu Bình - Dương Lễ. Lưu Bình gặp Châu Long khi đã trắng tay và đang khổ tâm vì sự “trở mặt” của Dương Lễ: “Dọc đường chàng ghé lại quán trọ nghỉ chân, làm quen với thiếu phụ chủ quán tên là Châu Long đang kén chồng.

Nghe Lưu Bình thi hỏng luôn hai khóa, thiếu phụ an ủi khuyên chàng đừng nản chí đèn sách, và tình nguyện lo liệu mọi nỗi để Lưu Bình có thể yên chí học hành (…) Trai tài gái sắc cùng sống chung dưới một mái nhà, Lưu Bình có khi không ngăn được sóng tình, muốn cùng chăn gối, song Châu Long lại nhắc đến lời giao hẹn buổi đầu rằng khi nào Lưu Bình thi đỗ thì đôi bên mới thành vợ chồng (…) Ngày vinh quy, Lưu Bình về đến nhà, lòng nao nức vì đã đăng khoa và sớm được cùng Châu Long kết tóc se duyên, nhưng tới nơi thì thấy cửa đóng then cài, không thấy Châu Long đâu nữa”. Và khi được tái ngộ nàng tiên Châu Long ngay trong nhà… Dương Lễ, Lưu Bình chợt… ngộ ra mọi chuyện.

Tóm lại, ông cha xưa đã sáng tạo nên những nàng tiên trong cổ tích nhằm đề cao vai trò của người phụ nữ đối với việc gầy dựng hạnh phúc gia đình. Qua mấy thiên cổ tích nêu trên, các nàng tiên như Giáng Hương, Giáng Kiều, nàng tiên thứ bảy, cô tiên thứ ba, hay như cả nàng-tiên-Châu-Long, đều là những phụ nữ xinh đẹp, hiền thục và quan trọng hơn là đầy bản lĩnh!

BÙI VĂN TIẾNG


(*) Các trích dẫn đều theo 55 truyện cổ tích Việt Nam hay nhất, Đức Long sưu tầm, tuyển chọn, Nxb. Văn hóa-thông tin, 2013.

.