Văn hóa - Giải trí

Những người chắp cánh cho bài chòi

09:19, 13/04/2015 (GMT+7)

Bài chòi sống được đến hôm nay có thể nói nhờ công của nhiều nghệ nhân dân gian say mê loại hình diễn xướng dân gian độc đáo này. Họ không chỉ hô hát dựa trên những lời cha ông truyền lại mà còn cất công sưu tầm, sáng tác lời mới, vở diễn ngắn, tiểu phẩm…

Nghệ nhân Huỳnh Tấn giới thiệu về các con bài chòi.
Nghệ nhân Huỳnh Tấn giới thiệu về các con bài chòi.

Bài chòi vẫn “sống” ở làng quê

Bài chòi ra đời vào khoảng thế kỷ thứ XV tại miền Trung và trở thành trò diễn xướng dân gian, một hình thức giải trí lành mạnh không thể thiếu của người dân miền Trung (từ Quảng Trị trở vào đến Bình Thuận) những thế kỷ sau đó.

Theo thời gian, cũng giống như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, bài chòi bị “lấn át” trước các loại hình giải trí hiện đại. Song, có thể nhận thấy, tại các làng quê, hô hát bài chòi vẫn âm ỉ sống và được người dân hưởng ứng, yêu thích. Lý giải điều này, nhiều ý kiến cho rằng, có nhiều nguyên nhân, cốt lõi vẫn là nhờ sự truyền đam mê đến người dân của những nghệ nhân trót đem lòng yêu bài chòi.

Thống kê về thực trạng nghệ thuật hô hát bài chòi của thành phố Đà Nẵng cho thấy có những tín hiệu vui. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có tổng cộng 8 nhóm, CLB bài chòi.

Trong đó, 6 nhóm thành lập tự phát, không hề có sự hỗ trợ của bất kỳ đơn vị nào gồm: đội hát bài chòi đình làng Hòa Mỹ (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), đội hát bài chòi phường Hòa Hiệp Nam (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), đội bài chòi quận Liên Chiểu (quận Liên Chiểu), đội bài chòi Nại Hiên Đông (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), đội bài chòi Hòa Khương (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang), đội bài chòi Hòa Bắc (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang); 2 CLB được sự trợ giúp của chính quyền địa phương gồm CLB bài chòi sông Yên (thuộc Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang) và CLB dân ca xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang).

Những người nắm giữ nghệ thuật dân gian này gồm: 35 nghệ nhân làm anh hiệu trong các hội chơi bài chòi, 4 nghệ nhân độc diễn bài chòi dân gian, 14 nghệ nhân chơi nhạc cụ bài chòi, 61 nghệ nhân biết đàn, hát nghệ thuật bài chòi, 49 nghệ nhân có khả năng truyền dạy.

Giữ gìn và truyền đam mê

Nghệ nhân Huỳnh Tấn (đội hát bài chòi đình làng Hòa Mỹ) nói: “Đừng nói chi đến công lao, nghe to tát quá. Những nghệ nhân như tôi ca hát bài chòi xuất phát từ niềm say mê”. Ông chia sẻ rằng, tình yêu ông dành cho bài chòi ngay từ ngày còn bé khi xem cha và ông nội hát ở lễ hội trong làng, tình yêu đó lớn dần khi ông chính thức làm anh hiệu hô hát bài chòi ở lễ hội đình làng Hòa Mỹ.

Nói rồi, nghệ nhân Huỳnh Tấn lấy ra bộ bài chòi cỡ trung và cỡ lớn, ống đựng các con bài đã theo ông đến các hội làng hơn 20 năm qua. Với người khác, đó chỉ là những con bài bằng gỗ, bằng tre bình thường nhưng với những người yêu nghề như nghệ nhân Huỳnh Tấn thì chúng như tài sản quý giá.

Không chỉ yêu nghề, mà các nghệ nhân còn truyền đam mê cho nhiều người. Nghệ nhân Đỗ Hữu Quế, Chủ nhiệm CLB bài chòi sông Yên, huyện Hòa Vang), hiện 51 tuổi nhưng tuổi nghề 37 năm, ông mang hết kinh nghiệm tích lũy được truyền dạy gần 500 người.

Nghệ nhân Đỗ Hữu Quế nói: “Bài chòi là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo, mang tính cộng đồng cao nhưng chưa được quan tâm đầu tư nhiều như một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Để gìn giữ nét văn hóa đẹp này, nghệ nhân dân gian chúng tôi chỉ âm thầm truyền niềm say mê đến người khác với mong mỏi bài chòi đi vào cuộc sống người dân”.

Cũng theo nghệ nhân này, hiện những người biết hô hát bài chòi đều làm những công việc khác nhau từ buôn bán, dịch vụ, nông dân, lao động… Khi nào có nơi mời diễn hay vào các dịp lễ hội, nhất là Tết, thì tập trung lại thành một đội đi diễn. Phần thưởng lớn nhất cho họ là thỏa mãn niềm đam mê ca hát và đi đến đâu cũng được bà con hưởng ứng, xem rất đông.

Để tạo thêm hứng khởi cho người chơi, ngoài việc hát theo lời do cha ông truyền lại, người hô hát bài chòi linh động thay đổi cho phù hợp, có khi còn đưa cả lời mới, nhạc hiện đại mang hơi thở cuộc sống thực tại, gần gũi với người xem.

Hơn nữa, nếu chỉ trông chờ vào lễ hội thì đất diễn không nhiều, các đội hô hát bài chòi chuyển sang hát trong những buổi truyên truyền các chính sách pháp luật cho địa phương. Và người đã đóng góp đáng kể cho sự ra đời các tác phẩm viết về tiểu phẩm dân ca, bài chòi thành phố là nghệ nhân Nguyễn Hữu Mai (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang).

Gần 40 năm trong nghề, nghệ nhân Nguyễn Hữu Mai sáng tác, biên soạn và lưu giữ 252 tác phẩm gồm: kịch dân ca khu 5, tiểu phẩm, tổ khúc dân ca khu 5 đưa chủ trương chính sách pháp luật đến với người dân ở các quận, huyện, phường, xã, bộ đội…

Còn nhiều nghệ nhân khác được thấm nhuần câu hát bài chòi trong lễ hội từ khi còn nhỏ, sau này tự mày mò nghe đài học hỏi, tham gia các đội hát bài chòi và theo nghề mãi đến bây giờ. Họ chính là những người giữ lửa, góp phần đưa nghệ thuật bài chòi cất cánh một khi bài chòi được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào thời gian tới.

NGỌC HÀ

.