Văn hóa - Giải trí

Thế giới sách

Những câu chuyện vượt thời gian

08:21, 25/05/2015 (GMT+7)

Tuyển tập Những lá thư thời chiến Việt Nam (NXB Công an nhân dân) vừa ra mắt sau đúng 10 năm cuốn Những lá thư thời chiến Việt Nam (tập 1) được ấn hành lần đầu tiên.

Những lá thư thời chiến Việt Nam giới thiệu hơn 300 lá thư.
Những lá thư thời chiến Việt Nam giới thiệu hơn 300 lá thư.

Suốt 10 năm, nhà văn Đặng Vương Hưng - người biên soạn bộ sách này vẫn lặng lẽ, miệt mài tìm kiếm, sưu tầm những trang thư, nhật ký, ghi chép… trong thời chiến, để gửi đến độc giả những câu chuyện vượt thời gian và mang sức nặng kỳ diệu của tình người.

Tuyển tập Những lá thư thời chiến Việt Nam dày gần 1.000 trang, giới thiệu hơn 300 lá thư của hơn 100 tác giả, hầu hết là các chiến sĩ Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thời kháng chiến chống Mỹ, cả kháng chiến chống Pháp, gửi cho thân nhân của các anh và ngược lại. Có cả những thư của những người lính ở “phía bên kia” một thời.

Có những lá thư được viết bằng thơ. Có những lá thư mộc mạc, chân chất. Có những lá thư người đứng tên nhưng không biết chữ, phải nhờ người khác viết hộ. Nhiều bức thư được viết như nói, sử dụng từ ít dùng, cách ví von cũng mộc mạc… Những bức thư ấy là kỷ vật lịch sử của một thời, cho chúng ta biết những cảm xúc, suy tư của thế hệ cha ông trước những khoảnh khắc định mệnh của lịch sử, của đất nước và của cuộc đời mỗi con người.

Thứ tự trước - sau của những bức thư trong tuyển tập được sắp xếp không phân biệt nhân thân tác giả; dù là một vị tướng, hay anh lính binh nhì, cán bộ, trí thức, hay công nhân, nông dân bình thường… cũng đều bình đẳng. Sự sắp xếp thứ tự không theo trình tự thời gian xuất hiện của những bức thư, hoặc tên tác giả theo A, B, C..., mà hoàn toàn ngẫu nhiên, theo thứ tự sưu tầm.

Bức thư được giới thiệu đầu tiên là thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương binh (từ năm 1947-1956) của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bác sĩ Vũ Đình Tụng có con trai út Vũ Văn Thành, một chiến sĩ tự vệ của thủ đô đã hy sinh trong khi chiến đấu bảo vệ Hà Nội vào mùa đông năm 1946.

Bác Hồ đã viết: “Tôi được báo cáo rằng: Con giai của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi, mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột…

… Ngài đã đem món của quý báu nhất, là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc chắn ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà, thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng”.

Đọc xong lá thư của Bác, bác sĩ Vũ Đình Tụng thấy bàng hoàng, xúc động. Trong thời chiến tranh, Chủ tịch nước bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn nghĩ đến một gia đình bé nhỏ đang có cái tang đau lòng.

Bên cạnh đó, bạn đọc sẽ biết được những tâm sự dịu dàng, đằm thắm yêu thương xen lẫn niềm tự hào trong những bức thư của anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm gửi cha mẹ. Và bạn đọc cũng biết thêm về nhân vật “M.” trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm, người mà bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã gửi gắm tình yêu thương.

Cuốn sách còn có những bức thư là những lời tâm tình của anh hùng, liệt sĩ Hoàng Kim Giao, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, liệt sĩ Lê Trọng Dũng; hay những ước mơ cao đẹp của anh lính pháo binh Nguyễn Văn Thân; hay thư của liệt sĩ Vũ Xuân Trịnh gửi vợ: “Nhưng em ạ, ai mà lại muốn xa nhau, nhưng vì điều kiện hiện nay, máy bay Mỹ cứ hằng ngày ném bom ra bắn phá rồi làm cho mọi người chúng ta chết chóc, đau thương. Như vậy thì vợ chồng mình có ở nhà cũng không thể ngồi yên được”…

Đây đó có những trang viết mang “nỗi buồn chiến tranh”, những trang viết thấm đẫm nước mắt, bởi có lúc người lính hoang mang khi phải đối mặt với thực tế tàn khốc của chiến tranh. Thậm chí, có lúc người lính nghĩ đến cái chết. Nhưng đó là những tình cảm rất thật của con người. Trong mỗi người lính đều có niềm vui, nỗi buồn và tình yêu không bao giờ vơi cạn… Điều quan trọng là họ vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến ngày toàn thắng. Không ai có thể phủ nhận được lý tưởng cao đẹp và tình yêu quê hương, đất nước của các anh.

Nhà văn Đặng Vương Hưng cho rằng, sẽ không có bút mực nào và cũng không có nhà văn nào viết được những tác phẩm như thế; trừ những người trong cuộc viết ra trong một khoảnh khắc nào đó, đáp ứng nhu cầu của tình cảm riêng tư. Ông gọi đó là “những trang viết máu thịt của cuộc đời”. “Đọc lên, ta có thể hình dung ra từng số phận con người. Và cao hơn nữa là hơi thở của cả thời đại. Chính vì thế, qua những trang thư ấy, ta có thể hiểu được phần nào quan niệm, lý tưởng, lẽ sống, sự cống hiến và hy sinh vì Tổ quốc của nhiều thế hệ đã góp phần làm nên ngày chiến thắng 30-4-1975 vĩ đại của dân tộc”, nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ.

Theo Tiến sĩ, nhà văn Lê Thị Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng: “Tuyển tập Những lá thư thời chiến Việt Nam dày gần ngàn trang sẽ luôn mang thông điệp về cái đẹp, có giá trị rất cao về nội dung tư tưởng và mang tính nhân văn sâu sắc; có tác dụng lớn phục vụ phong trào và sự nghiệp cách mạng; có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài trong đời sống nhân dân; đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc và phát triển nhận thức xã hội; góp phần bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa của dân tộc...”.

Còn nhà văn Đặng Vương Hưng, người biên soạn, giới thiệu cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc Mãi mãi tuổi hai mươi năm (2005) và hàng loạt cuốn nhật ký chiến trường khác, để rồi từ đó Đoàn Thanh niên dấy lên phong trào “Tiếp lửa truyền thống”, “Hành trình viết tiếp tuổi hai mươi - tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích”, vẫn tiếp tục công việc sưu tầm, tích cóp những kỷ vật của một thời hoa lửa, với mong muốn gìn giữ những tư liệu quý giá cho thế hệ sau. Ông nói: “Giữa sự im lặng của những con chữ, từ những trang giấy mỏng manh đã cũ kỹ và ố vàng vì thời gian ấy, ta bỗng nhận ra khí phách Việt Nam trong quá khứ hào hùng, cả trách nhiệm với những người đã hy sinh, cống hiến và thời đại chúng ta đang sống!”.

TÚ PHƯƠNG

.