Văn hóa - Giải trí

Giữ mãi bản sắc văn hóa truyền thống

08:40, 30/07/2015 (GMT+7)

Là huyện ngoại thành của thành phố Đà Nẵng, Hòa Vang nỗ lực lưu giữ nét đẹp truyền thống của văn hóa làng quê như một “đối trọng” với cuộc sống tất bật thời đô thị hóa.

Câu lạc bộ Bài chòi Sông Yên trong một tiết mục biểu diễn.
Câu lạc bộ Bài chòi Sông Yên trong một tiết mục biểu diễn.

Sau mấy hội bài chòi đầu Xuân vào mồng 9 tháng Giêng âm lịch nhân Hội làng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), chúng tôi gặp lại các thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Bài chòi Sông Yên bên đường Sư Vạn Hạnh nhân Lễ hội Quán Thế Âm diễn ra vào 19-2 âm lịch năm Ất Mùi.

Di sản văn hóa phi vật thể độc đáo

Trong hàng vạn lượt thiện nam tín nữ và du khách đến với lễ hội lớn nhất quận Ngũ Hành Sơn và thành phố Đà Nẵng này có không ít người dừng chân ghé lại chơi mấy hội bài chòi; người cao tuổi tìm trong câu hát xưa chút hoài niệm của văn hóa làng ngày cũ, còn lớp trẻ thì tìm thấy ở đó nét “duyên quê” độc đáo giữa các giai điệu, tiết tấu sôi nổi thời hiện đại. Sau 5 năm thành lập, CLB Bài chòi Sông Yên đã trở thành niềm tự hào của người dân Hòa Vang.

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện cho hay, ngoài việc biểu diễn phục vụ các lễ hội, sự kiện ở Đà Nẵng, CLB đã đại diện cho thành phố tham gia và đoạt Huy chương vàng Liên hoan Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Lâm Đồng. Năm 2011, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp CLB Bài chòi Sông Yên tiến hành khảo sát, lập hồ sơ để trình UNESCO xét duyệt bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Bên cạnh bài chòi, Hòa Vang còn có nhiều lễ hội đậm nét văn hóa được duy trì tổ chức và nâng cao về mặt nghệ thuật như: Các lễ hội đình làng, Lễ hội Mục đồng, Lễ hội người Cơtu, Lễ hội Hướng về cội nguồn... Trong đó, Lễ hội Mục đồng đã được GS,TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam ghi lại cảm tưởng trong một lần về thăm đình Thần Nông làng Phong Lệ: “Tôi có hạnh phúc được thăm đình Thần Nông, nơi diễn ra ngày hội của trẻ em mục đồng. Tôi rất thích hình tượng sừng trâu trên mái đình.

Lễ hội Mục đồng rất độc đáo, có thể là duy nhất trên đất nước Việt Nam”. Có thể nói, bài chòi và Lễ rước Mục đồng là hai di sản văn hóa phi vật thể độc đáo còn được bảo tồn, phát huy giá trị trên đất Đà Nẵng hiện nay.

Nông thôn mới và văn hóa làng

Trong 5 năm qua, trong lãnh đạo thực hiện nghị quyết của Huyện ủy, Hòa Vang chú trọng nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đẩy mạnh phong trào văn hóa - văn nghệ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Nếu ở xã Hòa Tiến có các mô hình “Đám tang không quá 48 tiếng đồng hồ và hạn chế đốt, rải vàng mã”, “Tộc họ tham gia quản lý, giáo dục con cháu không vi phạm pháp luật” thì ở xã Hòa Sơn có mô hình “Khu dân cư văn hóa văn minh nông thôn mới - sống tốt đời, đẹp đạo”, “Giáo họ không có người vi phạm an ninh trật tự”... Các thôn Thái Lai, Thạch Nham Tây ở xã Hòa Nhơn thống nhất đưa vào quy ước của thôn việc tổ chức đám tang không thuê nhạc mà thay vào đó sử dụng nhạc đĩa CD để tiết kiệm chi phí cho gia đình có tang...

Bên cạnh các mô hình có ý nghĩa thực tiễn, trong xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã vận động nhân dân hiến hơn 120.000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, đóng góp hơn 5,8 tỷ đồng để làm 75km đường giao thông liên thôn/xã, đóng góp gần 6 tỷ đồng để làm hơn 100 công trình nhà văn hóa, sân thể thao thôn.

Huyện chủ động đầu tư xây dựng, trùng tu nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị; trong đó, với Di tích cấp quốc gia Căn cứ Huyện ủy Hòa Vang, huyện có chủ trương tái hiện bằng mô hình các hoạt động cách mạng kết hợp với hồ Đồng Nghệ và làng Phú Túc (xã Hòa Phú) phát triển thành điểm tham quan du lịch.

Thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, huyện Hòa Vang ban hành 3 bộ quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư, trong trường học và trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tất cả đều hướng tới gìn giữ văn hóa làng và xây dựng các làng văn hóa thành một đặc trưng của vùng đất Hòa Vang.

Bài và ảnh: VĂN THÀNH LÊ

.