Văn hóa - Giải trí
Phấn đấu đạt chuẩn sâu
Sau gần 5 năm, nỗ lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã mang lại những đổi thay về đời sống vật chất cũng như văn hóa tinh thần cho người dân Hòa Vang.
Nghi lễ cắt băng khánh thành Nhà văn hóa xã Hòa Tiến vào tháng 4-2015, một trong những sự kiện được đánh giá là bước ngoặt thay đổi đời sống tinh thần của người dân tại địa phương. |
Nhiều địa phương buổi đầu gặp khó khăn với các tiêu chuẩn của Bộ VH-TT&DL về xây dựng văn hóa NTM, thì nay các tiêu chuẩn này đang được các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân ở huyện Hòa Vang phấn khởi đón nhận.
Hoàn thành cơ bản các tiêu chí về văn hóa
Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, câu chuyện xây dựng NTM tại địa phương này có thể chưa thật hoàn hảo nhưng không thể phủ nhận những thành quả, những đổi thay có tính bước ngoặt trên mọi lĩnh vực, phương diện đời sống, đặc biệt là phương diện văn hóa tinh thần của người dân.
Nếu lấy năm 2010 làm xuất phát điểm, tính đến nay, dễ dàng nhận thấy những bước tiến vượt bậc, có những con số đủ nói lên nhiều điều. Từ năm 2010 về trước, ngay cả giai đoạn 2010-2012, cơ sở vật chất và hoạt động văn hóa trên địa bàn huyện Hòa Vang còn nhiều hạn chế, thậm chí thiếu thốn, nghèo nàn. Hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao hoạt động chưa đều ở cơ sở, hệ thống thông tin tuyên truyền rất hạn chế… Năm 2010, toàn huyện chỉ có 1 trung tâm văn hóa - thể thao (VHTT) huyện, hoàn toàn không có thiết chế này ở cấp xã, thôn. Đến nay, 11/11 thôn của huyện đã có trung tâm VHTT, 119/119 thôn có nhà văn hóa, trong đó đầu tư xây mới 60 nhà, nâng cấp sửa chữa 48 nhà, với tổng kinh phí hơn 42 tỷ đồng…
Trong khi đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị” và xây dựng NTM ở cơ sở được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tham gia tích cực. Các danh hiệu, gia đình, tổ, thôn văn hóa được thực hiện theo đúng quy trình, bảo đảm chất lượng…
Từ các phong trào này, đã hình thành nhiều mô hình tiêu biểu trong cộng đồng dân cư như: nhân dân tự nguyện hiến đất và ngày công lao động để xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa; người dân tự ý thức và tự giác trong việc vệ sinh môi trường; tự giác xóa bỏ quảng cáo rao vặt trên trụ điện, tường rào; nền nếp sinh hoạt, quan hệ ứng xử của nhân dân ở các khu dân cư, nơi công cộng, đặc biệt là các chợ đã có tiến bộ và văn minh; hình thành các mô hình làm ăn kinh tế hiệu quả; xây dựng khu dân cư, thôn xóm bình yên, không có tệ nạn xã hội… “Điều đặc biệt là có thể cảm nhận được niềm tự hào trong mỗi người dân khi họ bằng tinh thần ý thức, tự nguyện, có thể chỉ từ những việc nhỏ để xây dựng gia đình, thôn xóm mình ngày một văn minh, giàu đẹp”, ông Nguyễn Thúc Dũng cho biết.
Nỗ lực thay đổi về “chất”
Như vậy, xét bề mặt tổng thể, toàn huyện Hòa Vang đã cơ bản hoàn thành cả tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa) lẫn tiêu chí số 16 (xây dựng đời sống văn hóa). Tuy nhiên, để những thành quả này thực sự vững chắc và đi vào thực tiễn đời sống thì vẫn còn nhiều vấn đề cần được nhìn nhận thấu đáo.
Những người làm văn hóa trên địa bàn huyện Hòa Vang không phủ nhận thực tế rằng, các thiết chế VHTT chỉ dừng lại ở sự đầu tư phần cứng bên ngoài, còn các thiết chế bên trong, đặc biệt vấn đề nguồn nhân lực, con người để quản lý vận hành thiết chế chưa được quan tâm đúng mức nên hoạt động còn kém hiệu quả, chưa đi vào chiều sâu. Công tác xây dựng các danh hiệu văn hóa liên quan đến nhiều ngành, đoàn thể nên việc chỉ đạo, triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn. Và đâu đó, một số danh hiệu đạt được còn mang tính hình thức, chạy theo thành tích chung.
Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến, cho rằng ngay xã Hòa Tiến là xã điểm, được đầu tư nhiều mặt và cán đích đầu tiên trong phong trào xây dựng NTM của toàn huyện thì đến nay, các mục tiêu xây dựng văn hóa NTM tại xã này chưa thể coi là tuyệt đối. “Chúng ta đã có phần cứng, nhưng xem ra còn thiếu phần mềm, phần “lượng” coi như tạm ổn, nhưng phần “chất” chưa thể hài lòng, chưa đáp ứng thực tế cuộc sống sinh động hôm nay”, ông Tuấn nói.
Trao đổi về giải pháp nhằm giải quyết những trăn trở nói trên của những người làm văn hóa trong quá trình xây dựng NTM, ông Nguyễn Thúc Dũng cho rằng, không thể một sớm một chiều giải quyết ngay hàng loạt vấn đề. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về các cơ quan chuyên môn. Với chức trách của mình, các cơ quan này cần thường xuyên nghiên cứu, học hỏi, tham mưu, đề xuất những giải pháp, biện pháp tổ chức thực hiện các nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia về NTM; tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; huy động các nguồn lực từ sự đoàn kết của hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, nguồn lực của toàn xã hội trong các chương trình hoạt động, mục tiêu cụ thể…
Bài và ảnh: THANH TÂN