Văn hóa - Giải trí
Bà Nà... trăm tuổi!
Với độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, Bà Nà - núi Chúa được xem là “nóc nhà của thành phố Đà Nẵng”. Ngày nay, khu du lịch mang thương hiệu “Bà Nà Hills” này đã trở thành điểm đến không thể thiếu đối với du khách, nhưng các bạn trẻ ít người biết nó đã trải qua 1 thế kỷ kể từ ngày khai phá…
Bà Nà trở thành điểm đến với nhiều du khách. Ảnh: VÕ TÙNG |
1. Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer không chỉ có công lớn trong việc mở rộng đèo Hải Vân, xây dựng đường xe lửa nối liền Huế - Đà Nẵng, mà còn là một quan chức phương Tây đánh giá rất cao tiềm năng địa lý, kinh tế của nhượng địa Đà Nẵng. Ngay từ cuối thế kỷ 19, ông Paul Doumer đã cử Đại úy Debay khảo sát vùng núi phía tây Đà Nẵng để xây dựng một cơ sở nghỉ mát, dưỡng sức và chữa bệnh phù hợp với khí hậu châu Âu. Tháng 4-1901, Debay đã đặt chân lên đỉnh núi Chúa.
Nếu tính thời gian trung bình cộng, từ khi Paul Doumer giao việc quy hoạch khu vực Bà Nà vào năm 1912 và luật sư Beisson xây dựng khu nhà nghỉ đầu tiên ở Bà Nà vào mùa hè năm 1919, thì đến năm 2015, ta có thể nói khu du lịch Bà Nà đã bước vào tuổi 100 cũng là xác đáng. Tài liệu về Bà Nà cho thấy, từ năm 1919 đến khi nhà văn Huỳnh Thị Bảo Hòa viết Bà Nà du ký vào năm 1936, người Pháp đã đẩy mạnh việc xây dựng khu nghỉ mát, hoàn tất con đường nối Bà Nà với quốc lộ 1… Hàng loạt biệt thự, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ đã được các nhà đầu tư Pháp xây dựng. Trong đó, đáng kể nhất là khách sạn Morin với 12 phòng, nhà bưu điện, sân tennis, nhà nguyện, hầm rượu và cả lò bánh mì…
Song song với việc xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng, Toàn quyền Đông Dương còn quyết định xây dựng Bà Nà thành khu bảo tồn lâm nghiệp và nghiên cứu lâm sinh, tạo sự chú ý của các nhà khoa học và văn hóa phương Tây lẫn người thuộc địa… Các viên chức cao cấp của nhà cầm quyền thực dân và quan lại Nam triều từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn cũng tìm đến Bà Nà và xây dựng các dinh thự nghỉ mát rộng lớn, khiến nơi này nhanh chóng trở thành một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng không chỉ ở Trung Kỳ mà còn ở toàn khu vực Đông Dương.
Từ năm 1938, Bà Nà đã được Phòng Du lịch Đông Dương đưa vào tour du lịch 8 ngày bằng xe hơi tuyến Sài Gòn - Đà Lạt - Nha Trang - Quy Nhơn - Đà Nẵng - Huế - Vinh - Hà Nội - Hải Phòng và ngược lại. Nhưng trước đó, từ năm 1931, các tác giả Eugene Teston và Percheron cũng đã đề cập Bà Nà trong cuốn L’Indochine Moderne của họ…
Ngày đó, nhà văn Huỳnh Thị Bảo Hòa đã mô tả trong Bà Nà du ký của bà (Tạp chí Tân Văn số 163, tháng 6-1931): “Đường lên núi thì xa thăm thẳm, trong chốn rừng già quanh co hàng mấy cây số trèo non lội suối khó khăn, phải ngồi kiệu mới lên được nên đã có phu kiệu đợi sẵn vì đã dặn trước, giá tiền thì có lệ nhất định, mỗi kiệu dùng sáu người phu...”.
Tất nhiên, du khách sẽ đi bằng ô-tô đến khu vực An Lợi và bắt đầu đi kiệu. Từ đỉnh cao gần 1.500 mét và một khí hậu ôn đới đó, nhà văn nữ người Đà Nẵng đã phóng tầm mắt ra bốn phía và mô tả về một vùng Đà Nẵng bao la: “Nào thôn ổ lâu đài, ruộng dâu lúa mía, bình địa cao nguyên, chỗ cao chỗ thấp, miếng đỏ miếng vàng lốm đốm như bức tranh thiên tạo, khe ngòi sông rạch, quanh co uốn khúc như rắn bạc rồng vàng…
Kia kìa Vũng Thùng tàu đậu phô ống khói, nọ cầu Thủy Tú xe lửa chạy như rắn bò, núi Ngũ Hành, cầu Cẩm Lệ đành rành trước mắt, tháp nhà thờ Tourane lù lù như hai ông thầy dòng bận áo trắng đứng im bất động, trong thì bãi cát chạy vòng theo bờ biển, ngoài nữa thì sóng bạc mênh mông không biết đâu là bờ bến.”.
Và một Đà Nẵng lúc mặt trời lên: “Một vành đỏ thắm xa xa như lướt mấy tầng sóng bạc mà nhô lên, lúc đầu thấy nửa, sau lần lần mọc rõ toàn hình, tròn vành vạnh như cái nong lớn, chung quanh tia sáng tỏa ra như hào quang rực rỡ, dưới chân có đám mây xen lẫn như nâng đỡ xe loan, một góc chân trời như ánh lửa lừng đỏ chói, mặt biển như tấm thảm vàng kim tuyến”.
Còn phong cảnh trên núi Bà Nà, theo lời nữ sĩ: “Dưới trũng núi, xa xa có một thứ khói như mây trắng bốc lên ngùn ngụt, bay tỏa lên không trung rồi lần lần bao phủ khắp các cụm cây cối nhà cửa như bức màn trắng khổng lồ giăng khắp núi non, đến nỗi người ta đứng cách nhau chỉ độ mấy thước cũng không trông thấy mặt… lũ trẻ nhanh chân chạy trước lấp trong đám mù, chỉ thấy màu áo xanh đỏ phấp phới không khác gì một bọn tiên đồng nhởn nhơ thấp thoáng trong mây, thật là tuyệt thú.”
Có lẽ Bà Nà du ký là một tư liệu văn học sớm nhất về khu du lịch này trong nửa đầu thế kỷ 20…
2. Tôi viết phóng sự Bà Nà, một khu du lịch bị bỏ quên từ năm 1992 đăng trên báo Thanh Niên. Để thực hiện phóng sự này, phải nhờ đến lãnh đạo huyện Hòa Vang và các cán bộ kiểm lâm lúc đó dẫn đường, cắt rừng lên đến đỉnh, tận mắt chứng kiến những gì còn lại. Bên cạnh khách sạn Morin và một nhà nguyện nhỏ đã đổ nát, đỉnh Bà Nà ngổn ngang kẽm gai và lô cốt thời chiến tranh. Đây là một cứ điểm của quân đội Mỹ án ngữ phía Tây Đà Nẵng cho đến năm 1970-1972 mới bị đánh sập.
Phía dưới hố núi vẫn còn lại một phần của chiếc trực thăng bị bắn hạ. Nhiều bộ phận của chiếc máy bay và cả những tấm bê-tông đã bị những người đi tìm phế liệu tháo dỡ. Phía dưới ở độ cao khoảng 1.400 mét, nhiều biệt thự xây bằng đá vẫn con nguyên vẹn, chỉ có mái ngói bị sụp đổ. Vài ngôi nhà gỗ bị cháy dở không biết từ bao giờ…
Bà Nà bị hoang phế và bỏ quên cho đến năm 1995, khi ông Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng). Ông đã vài lần đi khảo sát bằng trực thăng và lội rừng để quyết định mở lại con đường lên đến đỉnh. Sau đó lại tổ chức cho văn nghệ sĩ, báo chí, truyền hình đi tham quan, viết bài, sáng tác để tuyên truyền cho Bà Nà, trước khi giao cho Công ty Du lịch - Dịch vụ Đà Nẵng làm chủ đầu tư, xây dựng những cơ sở đầu tiên. Rồi những doanh nghiệp tư nhân khác tiếp bước. Một quy hoạch tổng thể cho Bà Nà được xây dựng nhưng vì khả năng tài chính và am hiểu về bảo vệ môi trường, du lịch sinh thái hạn chế, nên có lúc Bà Nà được cảnh báo đang bị “bê-tông hóa”…
Tuy vậy, trong thời gian ông Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch rồi làm Bí thư Đà Nẵng, Bà Nà vẫn là nơi đón tiếp nhiều nhà chính trị, nhiều nhà ngoại giao, nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài đến thăm thú, tìm hiểu. Cả nhạc sĩ Phạm Duy và ông Nguyễn Cao Kỳ cũng được mời đến đây để biết một Đà Lạt của miền Trung…
“Bà Nà Hills” ngày nay được một nhà đầu tư lớn mạnh dạn xây dựng nhiều công trình, tiện nghi cả đường sá, cáp treo từ chân núi và quảng cáo sâu rộng… đã tạo ra một điểm đến, một thương hiệu du lịch đặc thù của Đà Nẵng. Có biển cát trắng mịn nắng đẹp phía đông, Đà Nẵng có thêm một Bà Nà khí hậu ôn đới chỉ cách nhau vài giờ ô tô, là một điểm đến hấp dẫn cho kinh doanh du lịch, mà ít nơi nào có!
3. Tôi không đến thăm Bà Nà trong vài năm trở lại đây. Chưa có điều kiện khảo sát, quan sát một Bà Nà theo phong cách kinh doanh hiện đại của nhà đầu tư. Nhưng nhân dịp khu du lịch này tròn một thế kỷ kể từ ngày toàn quyền Paul Doumer và Đại úy Debay khám phá, mở ra một Bà Nà cho đến nay, tôi vẫn nghĩ: Hãy giữ cho một khu bảo tồn thiên nhiên, rừng quốc gia Bà Nà - nóc nhà của Đà Nẵng - phát triển hài hòa trong khi khai thác những tiện ích về du lịch là điều cần được các nhà quản lý lẫn đầu tư hết sức coi trọng.
Ngoài ra, cũng đừng lãng quên những tên tuổi, như Paul Doumer, Debay, Huỳnh Thị Bảo Hòa, luật sư Beisson (người quản lý đầu tiên ở Bà Nà) và cả cố Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, đã gắn liền với 100 năm tồn tại và phát triển của khu du lịch này! Hãy đặt tên họ cho những con đường, những công trình tiêu biểu ở đây, như một sự tôn trọng lịch sử!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG