Văn hóa - Giải trí
Khai thác hiệu quả thiết chế văn hóa?
Năm 2015, nhiều công trình văn hóa và hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư đúng mức, một số đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là cơ hội để văn hóa Đà Nẵng tạo sức bật trong năng lực cạnh tranh về văn hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa - nghệ thuật, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân toàn thành phố.
Trẻ em thích thú với trò chơi bập bênh tại khu vui chơi giải trí phường Khuê Trung vừa mới được đầu tư, nâng cấp và đưa vào sử dụng. |
Bước đột phá của ngành văn hóa
Theo ông Hồ Hải Học, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin (cũ - nay là Sở VH-TT&DL), sau năm 1975, thành phố có những thiết chế văn hóa quan trọng như: Bảo tàng điêu khắc Chăm, Thư viện Khoa học tổng hợp, Trung tâm Văn hóa thành phố, Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, 5 rạp chiếu phim. Người Đà Nẵng còn có Công viên 29-3 để vui chơi, thư giãn. Tất cả đều có cơ sở vật chất cũ kỹ, lạc hậu nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu giải trí của người dân lúc bấy giờ.
“Nhiều năm sau đó, thành phố cũng đầu tư cho thiết chế văn hóa như xây mới Nhà hát Trưng Vương. Song, “mất” nhiều hơn “được”, nhất là mất Trung tâm Văn hóa thành phố (địa chỉ 84 Hùng Vương) và nhiều rạp chiếu phim. Vì thế, quyết định đầu tư thiết chế văn hóa trong thời gian gần đây của lãnh đạo thành phố là điều đáng mừng, là động lực để thay đổi diện mạo cũng như phát triển ngành văn hóa”, ông Hồ Hải Học chia sẻ.
Với mức đầu tư được phê duyệt hơn 110 tỷ đồng, trong năm 2015, 5 công trình văn hóa lớn của thành phố do Sở VH-TT&DL làm chủ đầu tư được triển khai xây dựng như: cải tạo, nâng cấp Thư viện Khoa học tổng hợp; Bảo tàng Mỹ thuật; cải tạo, nâng cấp Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh; Nhà làm việc đoàn biểu diễn Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh; bảo tồn, tôn tạo Khu căn cứ cách mạng K20.
Bên cạnh đó, 5 di tích đình (đình Phong Lệ Bắc, đình Khuê Bắc; đình An Ngãi Đông, đình Trước Bàu, đình Hưởng Phước) cũng được trùng tu với tổng mức đầu tư hơn 9,6 tỷ đồng.
Về đầu tư cho thiết chế cơ sở, Sở VH-TT&DL cũng đã hoàn thành nâng cấp và đưa vào sử dụng 6 khu vui chơi giải trí (KVCGT) hoạt động hiệu quả (KVCGT phường Thanh Bình, Hòa Thuận Tây, Thuận Phước, Khuê Trung, Hòa Cường Bắc, Nại Hiên Đông) với tổng mức hơn 4 tỷ đồng; nâng cấp, cải tạo 7 trung tâm văn hóa - thể thao (VHTT) phường, xã (An Khê, Xuân Hà, Hòa Khê, Vĩnh Trung, Chính Gián, Hòa Khánh Nam, An Hải Đông) với 4,8 tỷ đồng; nâng cấp, cải tạo 4 trung tâm VHTT phường, xã (Thọ Quang, An Hải Bắc, Hòa Thọ Tây, Hòa Quý - Bình Kỳ) với tổng mức gần 6,5 tỷ đồng; đầu tư, nâng cấp 5 nhà văn hóa phường trên địa bàn quận Hải Châu gần 1 tỷ đồng; đầu tư 5 trung tâm VHTT xã thuộc huyện Hòa Vang (Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Bắc) gần 24 tỷ đồng.
Ngành đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các công trình: Bảo tàng điêu khắc Chăm; sửa chữa, cải tạo Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng; quy hoạch tu bổ, tôn tạo khu di tích Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ); Tượng đài chiến tích Hải Vân; Tượng đài chiến tích Gò Hà.
Các công trình văn hóa do các đơn vị khác làm chủ đầu tư và điều hành dự án cũng được triển khai bảo đảm tiến độ: công trình Cung Văn hóa Thiếu nhi, Nhà trưng bày Hoàng Sa; Công viên Thanh niên; Công viên 29-3 đã hoàn thành lắp đặt thiết bị vui chơi giải trí và thể thao; 8 KVCGT do Trung tâm tư vấn kỹ thuật xây dựng điều hành dự án, dự kiến hoàn thành trong tháng 10 tới.
Theo nhiều ý kiến, các thiết chế này khi được đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, từ việc đọc sách, đến làm quen với mỹ thuật, tìm hiểu lịch sử, thưởng thức các hoạt động nghệ thuật, vui chơi, giải trí... “Nhìn những đứa trẻ thích thú chơi xích đu và bập bênh giữa buổi trưa hè mới thấy sự thiếu thốn về hưởng thụ văn hóa của người dân. Cần có thêm nhiều KVCGT như thế này”, ông Ngọc Dũng, tổ trưởng tổ 12, phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) nói về KVCGT mới đưa vào sử dụng tại phường.
Cần vận hành hiệu quả
Theo ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, đầu tư thiết chế văn hóa trong năm 2015 sẽ tạo nền tảng cơ bản ban đầu để hướng đến mục tiêu năm 2020 hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở của Đà Nẵng phát triển đồng bộ, khắc phục tình trạng chênh lệch về hưởng thụ văn hóa. Đến năm 2030, hệ thống thiết chế VHTT cơ sở phát triển đạt các tiêu chí quy định của Bộ VH-TT&DL. “Tuy nhiên, để các thiết chế này hoạt động hiệu quả, thật sự đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về mặt tinh thần của người dân thì còn rất nhiều việc phải làm”, ông Chiến cho biết.
Cùng quan điểm, ông Hồ Hải Học tỏ ra lo lắng tính hiệu quả của các thiết chế nếu không có nguồn nhân lực chất lượng để vận hành. “Tôi rất lo vì Trung tâm Văn hóa thành phố chưa được đặt đúng vị trí quan trọng trong năm 2015. Một khi quận, huyện, phường, xã đều có TTVH, nhưng cơ quan đầu não của nó là Trung tâm Văn hóa thành phố vẫn chưa có thì lấy ai đào tạo, hướng dẫn, chỉ đạo phong trào văn hóa cấp cơ sở. Đặc biệt, TTVH thành phố còn là nơi ươm mầm tài năng nghệ thuật quần chúng”, ông Học trăn trở.
Sự lo ngại của ông Học và của những người quan tâm đến văn hóa là có cơ sở. Ngành văn hóa có nhiệm vụ giải quyết bài toán này, bởi quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho văn hóa khá dài so với thời gian đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ