.

"Còn mãi bên đời" một trí thức tận hiến!

.

PGS, TS Trương Thị Diễm đột ngột giã từ cõi tạm vào ngày 8-8-2015, thì đến ngày 24-9, cuốn sách Trương Thị Diễm, còn mãi bên đời được xuất bản với hơn 150 trang.

Không những được trình bày đẹp, trang nhã, mà cuốn sách còn tập hợp nhiều bài viết, tư liệu, cảm xúc trọn vẹn của nhiều đồng nghiệp, thầy giáo, học trò, người thân và bạn bè dành cho chị - “một người bạn chân thành. Một người thầy tâm huyết. Một người con hiếu thảo. Một nhân cách cứng cỏi. Một tâm hồn độ lượng. Hơn hết, đấy là, một con người tử tế”… mà nhóm biên soạn đã ghi ở đầu sách.

Thật ra, anh Huỳnh Văn Hoa, người phụ trách nhóm biên soạn, đã trao đổi với tôi ngay trong lễ tang của chị và những ngày sau đó về ý định ấn hành cuốn sách này. Tôi cũng chia sẻ cùng anh đôi ba ý kiến. Nhưng đặc san tưởng niệm này khi ra đời đã tạo cho tôi nhiều bất ngờ.

Bởi lẽ, ngoài các bài viết, cảm xúc của người thân, đồng nghiệp, thì những thông tin về sự nghiệp, công trình khoa học và cả những sáng tác, bài viết của Diễm để lại, cho thấy sức làm việc hết sức dữ dội, nghiêm túc và một tâm hồn rất đỗi nhạy cảm, luôn hướng về cái đẹp của nhà khoa học nữ tài hoa này.

Với 49 tuổi đời, 27 năm công tác và nghiên cứu, Trương Thị Diễm đã thực hiện 5 đề tài nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ, ngữ văn cấp Bộ và trường đại học, 25 công trình nghiên cứu đã công bố về nhiều lĩnh vực ngôn ngữ và 6 cuốn sách có giá trị.

Trong điếu văn đưa tiễn chị, Giám đốc Đại học Đà Nẵng GS, TS Trần Văn Nam đã nói: “ Cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời, chị chưa bao giờ xao lãng trách nhiệm của mình”. Một đồng nghiệp và là người cháu gọi chị bằng dì nói: “Dì làm việc như cứ sợ thời gian hết đi, ham học như sợ người khác học hết phần, say sưa nghiên cứu như sợ không có người nghiên cứu…”.

Còn anh Nguyễn Chính, chồng chị viết: “Chưa bao giờ em có một giấc ngủ ngon lành đúng nghĩa. Hình ảnh thường thấy ở em là em ngủ vật vạ khi chiếc laptop vẫn để trên người…”. “Việc của mình mà mình không làm thì ai làm cho! Ráng bữa này nữa thôi”, đó là lời của Diễm mỗi khi được chồng nhắc nhở. Nhưng rồi Diễm đã ra đi, cái “bữa này” đó không bao giờ còn nữa… Trong đau đớn tột cùng, Nguyễn Chính đã viết bài thơ Một nửa để tặng vợ nhưng cũng để tặng mình:

…Nửa kỷ niệm sao lấp đầy ký ức
   Nửa hình hài sao gọi tấm thân đây
   Sao em nỡ để lại anh một nửa
   Một nửa kia khuất lấp cuối chân ngày?

Hơn 50 bài viết về cố PGS,TS Trương Thị Diễm đầy xúc cảm và cho thấy mọi người đã yêu quý cái tài năng, tình cảm chân thành, nhiệt huyết của một nhà giáo, một trí thức, một người thầy, một người bạn đã ra đi vội vã. Diễm, với tâm hồn nhạy cảm, dường như đã tiên cảm được một lúc nào đó sẽ chia tay khi chị làm thơ về năm tuổi của mình và… gửi lời từ biệt:

Quờ tay níu chút vui rơi
Cảm ơn bè bạn gửi lời yêu thương!

Một con người tài hoa, chí tình đã ra đi ở cái tuổi “hạn số” như Diễm quả thật đã để lại khoảng trống khó bù đắp cho gia đình, đồng nghiệp, học giới và bạn bè. Bởi vậy, Còn mãi bên đời mà anh Huỳnh Văn Hoa, chị Đoàn Thị Nhỏ và các bạn đã thực hiện là một ấn phẩm đầy tình nghĩa, như một lời tri ân và nén hương tưởng niệm, thương tiếc một nhân cách sống, một trí thức tận hiến!

PGS,TS Trương Thị Diễm sinh năm 1967 tại xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam; là nữ Phó Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Suốt 26 năm công tác tại Cơ sở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng, sau đó là Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), PGS,TS Trương Thị Diễm luôn là một cô giáo, một Trưởng khoa tâm huyết với khoa Ngữ văn; một Phó Hiệu trưởng mẫu mực, chính trực và đầy nhiệt huyết.

Theo đánh giá của GS,TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, dù ở bất kỳ cương vị nào, PGS,TS Trương Thị Diễm cũng luôn nêu cao gương sáng của nhà giáo nhân dân, mẫu mực về đạo đức và nhân cách, về trách nhiệm và lòng tận tụy với công việc, về lối sống và cách ứng xử.

PGS,TS Trương Thị Diễm đã ra đi vào ngày 8-8-2015, để lại rất nhiều công trình khoa học có giá trị.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG


(*) Đọc Trương Thị Diễm, còn mãi bên đời, NXB Đà Nẵng, 9-2015).

;
.
.
.
.
.