.

"Ngôi nhà chung" của hoạt động mỹ thuật

.

Bảo tàng Mỹ thuật sắp khởi công xây dựng được kỳ vọng sẽ là “ngôi nhà chung”, tạo động lực mới cho hoạt động mỹ thuật của thành phố.

Các triển lãm mỹ thuật ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng.
Các triển lãm mỹ thuật ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng.

Đề cương trưng bày chi tiết của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng vừa được thành phố phê duyệt với nội dung bảo đảm tính khoa học, dân tộc và hiện đại, phản ánh những nét tiêu biểu về mỹ thuật Đà Nẵng, mỹ thuật Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Nhiều không gian trưng bày mới

Ông Hà Thanh Vân, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, cho biết nội dung trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật bao gồm 3 chủ đề chính, cụ thể: tầng 1 (diện tích 390m2) gồm gian khánh tiết trưng bày phù điêu và 2 phòng trưng bày (mỹ thuật hiện đại và mỹ thuật thiếu nhi); tầng 2 (412,5m2) trưng bày 5 chuyên đề mỹ thuật mang tính hiện đại của Đà Nẵng và khu vực; tầng 3 (383m2) sẽ trưng bày 3 chuyên đề về mỹ thuật truyền thống của Đà Nẵng và khu vực.

Trong đó, gian khánh tiết với bức phù điêu công phu sẽ chuyển tải nội dung khái quát về một Đà Nẵng hiện đại trên nền tảng kế thừa những giá trị cổ truyền. Đó cũng chính là nội dung trưng bày mà Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cần làm rõ qua các bức tranh, hiện vật, các hoạt động mỹ thuật sẽ diễn ra tại đây.

Gian trưng bày dành cho thiếu nhi được xem là điểm sáng mới trong không gian trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật. Tại đây sẽ là nơi trưng bày những tác phẩm mỹ thuật mới, tiêu biểu của những tài năng mỹ thuật nhí Đà Nẵng trong quá khứ, hiện tại và tương lai, góp phần động viên, ươm mầm tài năng cho mỹ thuật Đà Nẵng. Bên cạnh đó, các gian trưng bày mỹ thuật ứng dụng, đồ họa, tranh cổ động, áp phích… hứa hẹn mang lại những màu sắc tươi mới bên cạnh các phong cách sáng tác mỹ thuật truyền thống.

Tại buổi họp rà soát về nội dung đề cương trưng bày chi tiết mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, Bảo tàng Mỹ thuật phải là một công trình văn hóa hiện đại, phải thường xuyên đổi mới về nội dung, hình thức và phương thức trưng bày, hoạt động.

Mỹ thuật phải xuất phát, gắn liền với cuộc sống, trở lại định hướng cuộc sống. Bên cạnh hoạt động trưng bày, cần tổ chức giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật đến với công chúng, hiện đại hóa công tác thuyết minh; tổ chức ánh sáng, bố trí ánh sáng trong việc thể hiện tác phẩm nghệ thuật, phải đầy đủ, cụ thể.

Ngoài ra, cần chú ý vấn đề an ninh, an toàn; bảo đảm hiện vật không bị ẩm mốc kéo theo thiết kế về mặt độ ẩm, nhiệt độ phù hợp. Đồng thời, phải có kế hoạch hoạt động bảo tàng, ngoài vấn đề trưng bày, cần tính toán kế hoạch các hoạt động khác như tổ chức hội thảo, giao lưu, thi vẽ… cùng nhiều hoạt động khác của mỹ thuật, làm sao biến nơi đây trước hết thành “ngôi nhà chung” của hoạt động mỹ thuật, trung tâm thông tin phong phú, toàn diện về mỹ thuật của Đà Nẵng và khu vực.

Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố, cho biết sau khi bảo tàng đi vào hoạt động, Hội Mỹ thuật sẽ phối hợp với bảo tàng mở một gallery - nơi diễn ra các hoạt động giao lưu, trao đổi, tọa đàm, phẩm bình tranh mới của các họa sĩ, người yêu mỹ thuật trong và ngoài thành phố.

“Đây cũng là nơi các họa sĩ có thể trưng bày, giới thiệu những bức tranh tâm đắc đến công chúng, họ cũng có thể bán tranh thông qua gallery cố định này. Ngoài ra, chúng tôi sẽ luôn sát cánh cùng Bảo tàng Mỹ thuật trong tất cả các hoạt động trưng bày, tính toán logic bố cục, thiết kế ánh sáng, độ ẩm phù hợp… từ nay cho đến khi hoàn thiện”, ông Kha cho biết.

Một bức tranh quý được Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tiếp nhận hồi tháng 3-2015. Ảnh: T. TÂN
Một bức tranh quý được Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tiếp nhận hồi tháng 3-2015. Ảnh: T. TÂN

Động lực cho hoạt động sáng tác

Cũng theo họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng được xây dựng là động lực thúc đẩy phong trào sáng tác, bởi giới họa sĩ thành phố đã có một địa chỉ khang trang, ổn định để trưng bày, triển lãm và tổ chức các hoạt động mỹ thuật nói chung. Đó là vinh dự, niềm tự hào của người vẽ. “Khi tranh có chất lượng, bảo tàng mới mua, đó là tất yếu. Đây chính là động lực vừa cho phong trào, vừa là động lực thúc đẩy chất lượng sáng tác”, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha nhìn nhận.

Theo ông Hà Thanh Vân, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, vốn hiện vật để chuẩn bị trưng bày sau khi bảo tàng hoàn thành là gần 400 tác phẩm tranh, tưởng, điêu khắc. Trong đó, ông Vân cho biết, thành phố đã đồng ý mua trên 50 tác phẩm, nhưng hiện còn vướng một số thủ tục hành chính, sẽ hoàn thiện sớm.

Ngoài ra, công tác nghiên cứu, sưu tầm tác phẩm hội họa vẫn sẽ được thực hiện thường xuyên thông qua các đợt triển lãm, các cuộc thi, trại sáng tác để hình thành nguồn tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng; đồng thời vận động hiến tặng, thỏa thuận mua lại với giá hữu nghị; trao đổi với các bảo tàng lớn như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh…; nâng cao chất và lượng hiện vật, tác phẩm được trưng bày, tăng tính thu hút, hấp dẫn của bảo tàng trong mắt công chúng. Ông Vân cũng cho hay, trong giai đoạn từ năm 2014-2017, dự kiến sưu tầm 200 tác phẩm với mức kinh phí đầu tư 4 tỷ đồng.

Theo Đề án xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã được thành phố phê duyệt, khu đất và dãy nhà 3 tầng với diện tích gần 1.800m2 tại 78 Lê Duẩn (trước đây là Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng) sẽ được cải tạo, nâng cấp trở thành Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng với nguồn vốn đầu tư ước tính gần 30 tỷ đồng.

Cụ thể, dãy nhà 3 tầng hiện tại sẽ được nâng cấp, sửa chữa phù hợp để làm cơ sở trưng bày cố định; đồng thời xây mới khu nhà 3 tầng trên diện tích đất (hiện là văn phòng làm việc của Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử) phục vụ công tác trưng bày chuyên đề, kho lưu giữ hiện vật, khu nhà làm việc; trong khuôn viên sẽ làm vườn tượng mang tính mỹ thuật… Theo Ban quản lý dự án, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sẽ hoàn thành các hạng mục cứng trong năm 2015, phấn đấu khai trương đi vào hoạt động dịp 30-4-2016.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.