Văn hóa - Giải trí
Xây dựng người Đà Nẵng văn hóa
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh xây dựng thiết chế văn hóa, các ngành chức năng cần chú trọng việc xây dựng con người văn hóa. Đó mới là cái gốc rễ cho sự bền vững để Đà Nẵng trở thành thành phố văn hóa, văn minh.
Tiểu thương chợ Hàn cam kết thực hiện ứng xử có văn hóa, giao thương văn minh để góp phần tạo nên hình ảnh đẹp cho Đà Nẵng. |
Ý thức người dân chưa cao
Câu chuyện chàng Tây không cho cô gái đi xe đạp vào phố đi bộ tại Hà Nội gần đây đã gây xôn xao mạng xã hội bởi hành động có ý thức của chàng Tây và sự vô ý thức của người Việt. Từ đó, nhiều câu chuyện về ý thức của người dân được bàn luận. Chị N. (quận Hải Châu) kể, một buổi tối chị ngồi hóng mát ở bờ sông Bạch Đằng, bất chợt gia đình ngồi bên cạnh thu hút mọi ánh nhìn. Chuyện là đứa con trai khoảng 6 tuổi của gia đình này đòi đi vệ sinh, người mẹ liền bảo: “Đứng đại đó đi, có chi mô mà dị”. Đứa bé nằng nặc không chịu, bà mẹ liền quát và bực dọc kéo con ra về.
Góp vào câu chuyện, chị H. (quận Ngũ Hành Sơn) dẫn chứng một hôm đứng cùng con gái trước siêu thị BigC thì thấy một phụ nữ ăn mặc lịch sự, sang trọng thản nhiên lấy vỏ trái thanh trà trên tay vứt tung tóe xuống lòng đường. Con gái thấy vậy liền hỏi chị: “Sao bà lại vứt rác ra đường vậy mẹ? Vứt rác phải vứt vô giỏ chớ”. “Mình ấm ớ chẳng biết trả lời sao với con trẻ”, chị H kể.
Đó chỉ là một trong những chuyện xảy ra xung quanh chúng ta mỗi ngày: từ vượt đèn đỏ khi lái xe, đến thản nhiên hút thuốc nơi cấm, vô tư khạc nhổ nơi công cộng, phóng uế bừa bãi, chen lấn tại các lễ hội… Tất cả đều bắt nguồn từ sự vô ý thức của con người.
Phân tích về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An cho rằng, đó là kết quả của quá trình đô thị hóa không đồng hành cùng sự hình thành một cộng đồng thị dân. Mặc dù Đà Nẵng được xem là thành phố nhượng địa, được quy hoạch và quản lý theo mô thức một thành phố Pháp hiện đại, nhưng trong hoàn cảnh lịch sử xã hội cụ thể, những yếu tố du nhập, áp đặt của chính quyền thực dân nổi trội trong đô thị hóa ở Đà Nẵng. Ở đây, chưa định hình một cộng đồng thị dân đúng với nghĩa của nó và tất nhiên còn rất nhiều khiếm khuyết, bất cập về văn hóa, văn minh đô thị.
Sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã tập trung khai thác và phát triển quỹ đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị theo quy hoạch với hàng trăm dự án. Đô thị hóa cũng không phải là quá trình tự thân vận động, tuần tự nhi tiến, mà có sự phát triển vượt bậc theo các quyết định hành chính. Một vùng được quyết định thuộc dự án, thế là phút chốc xã thành phường; nông dân thành thị dân.
Xây dựng con người văn hóa bắt đầu từ đâu?
Theo quan điểm của các nghiên cứu văn hóa, xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố văn hóa, văn minh, cần chú trọng xây dựng con người văn hóa từ nhiều góc độ.
“Người Đà Nẵng ngày càng đa dạng về gốc gác, tỷ trọng người mới nhập cư hay nhập cư được 1-2 thế hệ sẽ là đa số trong cộng đồng cư dân. Việc nghiên cứu xác định tính cách người Đà Nẵng phải được đặt ra trong hình thái động đó. Việc truyền thông giáo dục để xây dựng văn hóa, văn minh của người Đà Nẵng cũng phải tính đến hoàn cảnh đó”, ông Nguyễn Đình An nêu ý kiến.
Trong khi đó, ông Phạm Phát, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, nhấn mạnh cần xác định xây dựng lớp người Đà Nẵng văn hóa, văn minh; trong đó xác định đối tượng trọng tâm quan trọng nhất là môi trường ở trường học (từ mẫu giáo đến đại học). Thực tế cho thấy, trẻ con được gia đình, nhà trường chỉ bảo sẽ dần dần hình thành thói quen tốt như: bỏ rác đúng nơi, xếp hàng trật tự, nhắc cả người lớn “đèn đỏ dừng lại, đèn xanh được đi”… Sự mẫu mực của người lớn trong hành vi, việc làm, đạo đức là tấm gương thế hệ trẻ noi theo, tin tưởng…
Để bước đầu tác động đến ý thức của người dân, Sở VH-TT&DL ban hành bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn Đà Nẵng với những quy định về chuẩn mực ứng xử dành cho các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các ngành liên quan đến du lịch, người dân Đà Nẵng và khách du lịch trong nước, quốc tế đến lưu trú, tham quan tại Đà Nẵng. Trong đó, quy định cụ thể đối với người dân Đà Nẵng những điều nên và không nên về trang phục, ứng xử, bảo vệ môi trường…
Song, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh bộ quy tắc ứng xử về du lịch, thành phố cũng cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa phổ biến rộng rãi cho người dân.
Đặt vấn đề này với ông Bùi Xuân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, ông cho biết thực hiện chủ trương của Thành ủy, Ban Tuyên giáo đã phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an thành phố, các sở Công thương, GD&ĐT, Giao thông vận tải, Nội vụ, Tư pháp và VH-TT&DL xây dựng một cuốn sổ tay tuyên truyền thực hiện văn hóa, văn minh đô thị. Cuốn sổ tay này đã được phát hành xuống cơ sở và có sức lan tỏa, đi vào cụ thể 8 lĩnh vực rất thiết thực trong đời sống xã hội. Ví dụ như nội dung văn hóa trong học đường, thì học sinh phải biết xưng hô lịch sự, lễ phép; phải biết chào thưa, xin lỗi, cảm ơn…
“Để tài liệu này nâng lên thành một bộ quy tắc ứng xử, cần phải có thời gian, vì bộ quy tắc ứng xử mang tính khoa học rất cao và đòi hỏi có sự thảo luận bàn bạc rất kỹ. Khi nó đã trở thành những quy tắc thì tính pháp lệnh của nó rất cao. Vì vậy, trước mắt, theo 8 nội dung tuyên truyền về xây dựng cách ứng xử văn hóa, văn minh đô thị rồi từng bước chúng ta nâng lên thành bộ quy tắc thì nó khoa học và khả thi hơn”, ông Xuân cho biết.
Với những quyết sách đầu tư cho văn hóa thời gian qua, với những nỗ lực của các ban, ngành, với sự đồng thuận cao của người dân, kỳ vọng tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức của người dân. Qua đó, từng bước xây dựng con người Đà Nẵng văn hóa, văn minh bên cạnh đặc tính mến khách, thân thiện.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ