Họa sĩ mang hai quốc tịch Việt Nam và Pháp - Vũ Trọng Thuấn tâm sự rằng, ông luôn vẽ với tâm thế của một người Việt, trân trọng vẻ đẹp thuần phác, đơn sơ của phong cảnh, con người Việt.
Họa sĩ Vũ Trọng Thuấn bên bức tranh khổ lớn (12m) đang vẽ dở mang tên Việt Nam. Ảnh: T.TÂN |
Qua màu sắc, những câu chuyện, hình tượng chính trong tác phẩm của ông, có thể nhận ra những nét bình dị, nhẹ nhõm dường như đối lập với ấn tượng mạnh mẽ, gai góc ban đầu bởi những bức tranh trừu tượng kích cỡ lớn.
Họa sĩ Vũ Trọng Thuấn, Việt kiều tại Pháp, trở lại quê nhà lần đầu vào năm 1999, đến năm 2003 có cuộc triển lãm cá nhân “Những tác phẩm mới 2003” tại Nhà triển lãm thành phố Hồ Chí Minh.
Sau đó, ông sống thu mình, dành hết thời gian để vẽ. Dù vậy, tác phẩm sơn mài của Vũ Trọng Thuấn vẫn được chọn, giới thiệu trong một số sách, ấn phẩm tiêu biểu của mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Gần 3 năm nay, ông chọn Đà Nẵng làm điểm dừng chân và thành lập phòng tranh La tour Eiffel (đường Trần Hưng Đạo) - điểm quy tụ, trưng bày, giao lưu, tổ chức các trại sáng tác của giới mỹ thuật Đà Nẵng và khu vực.
“Có nhiều cái quên, nhưng riêng vẽ thì không”…
Sinh ra ở Hải Phòng, 14 tuổi, Vũ Trọng Thuấn theo mẹ di cư vào Nam sinh sống rồi học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình ly tán, cuộc sống khó khăn, ông phải bỏ học giữa chừng. Từ ngày đất nước giải phóng cho đến đầu những năm 1980, ông là cán bộ của Sở Văn hóa - Thông tin thành phố Hồ Chí Minh, sau thì theo vợ qua Pháp định cư cho đến nay. Hiện 6 người con của ông đều sinh sống ở Pháp nên mỗi năm ông dành 2-3 tháng về Pháp thăm các con. Vũ Trọng Thuấn mang hai quốc tịch Việt Nam và Pháp cũng vì thế.
Khi được hỏi vì sao chọn Đà Nẵng là điểm dừng chân sau cùng chứ không phải Hải Phòng hay thành phố Hồ Chí Minh, Vũ Trọng Thuấn nói rằng “vì Đà Nẵng yên bình quá”. Sau nhiều thăng trầm của cuộc đời, ông nhận ra, vẽ vẫn là niềm đam mê, là lẽ sống chưa bao giờ nguội tắt trong ông. Khi ở Pháp, vợ - người đã sinh 6 đứa con cho ông - không chịu nổi “chứng” mê vẽ đến mức ích kỷ của Vũ Trọng Thuấn nên quyết dứt áo khỏi cuộc đời ông.
Giờ đây, ông chỉ muốn tìm nơi yên bình để vẽ. 75 tuổi, Vũ Trọng Thuấn nói rằng mình đã quên nhiều thứ, trừ vẽ. Mỗi ngày, ngoài những buổi “ngẫu hứng” đi du lịch với bạn bè, ông dành hết thời gian để vẽ. Vũ Trọng Thuấn không rượu, bia, thuốc lá… và ngày chỉ ăn hai bữa “cho đơn giản”, cũng để có thêm thời gian vẽ.
Gần cả cuộc đời cầm cọ, Vũ Trọng Thuấn từng thử sức trên nhiều thể loại, chất liệu sáng tác khác nhau, nhưng tranh sơn mài - chất liệu đòi hỏi người sáng tạo phải mất rất nhiều công sức - luôn tạo trong ông nguồn cảm hứng đặc biệt. Bởi theo ông, sơn mài là một trong các chất liệu hội họa truyền thống của Việt Nam. Đây là sự tìm tòi phát triển của nghề sơn truyền thống kết hợp với tinh hoa nghệ thuật hội họa mà thành. “Sơn mài có ưu thế về chiều sâu, lộ ra thứ lớp nhiều màu; khi bức tranh được đánh bóng thì hiệu quả chiều sâu tăng lên rõ rệt, không chất liệu nào sánh kịp. Theo thời gian, sơn màu càng duyên dáng với những thay đổi tinh tế trong màu sắc”, họa sĩ Vũ Trọng Thuấn phấn khích nói.
Muốn xây dựng bảo tàng tranh Việt
Chia sẻ về bức tranh khổ lớn (10m) mang tên Bốn mùa, một trong những tác phẩm tâm đắc của mình, Vũ Trọng Thuấn nói rằng, thực chất đây là “bức tranh 5 mùa”, bởi ngoài 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông của đất trời, còn có những khoảnh khắc giao mùa như Xuân - Hạ là thời khắc rất đẹp, nơi vạn vật sinh sôi nảy nở. “Mà kể ra 5 mùa cũng chưa hết, bởi còn có những mùa của tâm trạng, của lòng người”…, người họa sĩ già triết lý. Họa sĩ Vũ Trọng Thuấn cho biết, trừ các công đoạn chuẩn bị, bức Bốn mùa được ông dồn sức vẽ, sơn và mài liên tục trong 2 năm đầu ông về Việt Nam.
Theo họa sĩ Vũ Trọng Thuấn, dù tranh trừu tượng thì bản chất và gợi hứng trong tác phẩm của ông luôn là những hình ảnh rất thực, cụ thể về con người, phong cảnh Việt Nam, thậm chí rất bình dị, gần gũi như: con trâu, con bò, những vật nuôi… gắn liền với đời sống của người dân Việt.
Một thời họa sĩ Vũ Trọng Thuấn nuôi sống bản thân và gia đình bằng tranh. Từ năm 1964-1965, ông đã có xe tải để chở tranh đi bán, nhưng hơn 20 năm nay thì ông không bán một bức nào nữa. Hàng trăm bức tranh khổ lớn, nhỏ với nhiều mảng đề tài phong phú, dù có người trả giá cao, Vũ Trọng Thuấn vẫn quyết giữ lại. “Cũng như bao người khác, tôi muốn lưu giữ lại điều gì đó có chút ý nghĩa cho đời. Lâu lắm rồi tôi luôn nghĩ về một bảo tàng chuyên trưng bày những bức tranh đậm hồn đất nước, con người Việt Nam. Hiện tại, tôi đã để dành được mấy trăm bức và đang dồn sức hoàn thành bức tranh khổ lớn (12m) mang tên Việt Nam”, Vũ Trọng Thuấn cho biết.
"Xem tranh Vũ Trọng Thuấn, có cảm giác như ông đang mê mải cuộc chơi trốn tìm trong thế giới nội tâm của mình. Nhiều khi cuộc chơi tưởng như vô vọng, ấy là lúc sự tìm kiếm và sự trốn bỡn cợt đổi chỗ cho nhau hoặc cùng nhau lẫn vào hư ảo. Cũng có khi ông nắm được nó, lại buông ra để rồi phấp phổng với một cuộc chơi dằng dặc mới. Thì ra, cái phóng khoáng giữa những trốn tìm về bản ngã." Nhà phê bình mỹ thuật Đặng Trường Lưu |
THANH TÂN