Văn hóa - Giải trí

Café sáng

Chia sẻ ước mơ

07:45, 09/11/2015 (GMT+7)

Đi dự lễ khai trương công ty của bạn, tôi rất ấn tượng và xúc động trước những lời phát biểu đầy tâm tư, tình cảm của bạn rằng: “Ai mà chẳng có ước mơ. Và tôi cũng vậy. Khi nói ra ước mơ của mình thì mọi người thường cười mỉa mai nhưng ước mơ mà không bị chê cười thì không phải là ước mơ”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nghe bạn chia sẻ, tự nhiên tôi cảm thấy vui mừng cho bạn khi đã biến ước mơ thành hiện thực ở ngoài tuổi 30. Với sứ mệnh của công ty là nâng tầm trí tuệ Việt, bạn mong muốn giúp người Việt trẻ hoàn thiện các kỹ năng làm việc một cách tốt nhất, khai thác khả năng của bản thân và có cuộc sống như họ mong muốn.

Còn tôi cứ mãi nuôi ước mơ của mình từ bé cho đến một ngày chợt nhận ra đã quên nó vì một phần điều kiện không cho phép và một phần không dũng cảm để theo đuổi đến cùng. Nhưng điều quan trọng hơn là tôi đã không chia sẻ ước mơ của mình với mọi người để nhận được sự giúp đỡ, bây giờ thì chợt nhớ về những kỷ niệm đã qua như một dĩ vãng buồn và đầy tiếc nuối. Đặc biệt, ước mơ đó lại trỗi dậy khi tối qua tôi xem bộ phim Trót yêu của đạo diễn Việt Trinh và Châu Thổ.

Chả là hồi nhỏ, tôi cũng không rõ chính xác là vào thời gian nào tôi có niềm đam mê cháy bỏng với điện ảnh. Ước mơ của tôi là muốn trở thành diễn viên được đi đóng phim. Nhưng tôi chỉ giữ ước mơ đó cho riêng mình vì ngại chia sẻ với mọi người. Đơn giản vì đó là nghề hào nhoáng của sự nổi tiếng, bên cạnh đó cần phải hội đủ những yếu tố cơ bản khác như sở hữu ngoại hình bắt mắt, ưa nhìn và có khả năng diễn xuất trước ống kính.

Chỉ nghĩ đến chừng đó thôi là tôi đã thấy ngại để chia sẻ ngay cả với người thân, bạn bè và thầy cô. Hơn nữa, tôi sinh ra và lớn lên ở tỉnh lẻ nên không có cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa - nghệ thuật từ nhỏ. Thay vào đó, tôi lại thỏa mãn nó bằng việc xem nhiều phim; đọc nhiều sách, báo nói về nghệ thuật thứ bảy; sưu tầm nhiều tranh, ảnh của các diễn viên nổi tiếng trong và ngoài nước.

Còn nhớ, hồi đó, cạnh nhà tôi có bác Thành làm ở rạp chiếu bóng. Tôi thường chơi thân với Tâm - con của bác  - nên thỉnh thoảng được Tâm rủ đi xem phim mới ra rạp. Tuy nhiên, mẹ tôi luôn ngăn cấm, thậm chí còn la rầy Tâm là không được rủ tôi đi xem phim vì sợ tôi mê phim mà lơ là việc học. Nhưng vì đam mê phim, thỉnh thoảng tôi vẫn trốn mẹ đi xem. Tôi còn sưu tầm nhiều poster quảng cáo phim mới ra rạp thành từng tập như người ta sưu tầm tem.

Có lần, lớp tôi được nghỉ một tiết học vì cô giáo bộ môn bị ốm. Hôm đó, tôi đem mấy poster ra xem và chia sẻ với các bạn trong lớp nhưng vô tình bị các anh, chị phụ trách đội trực tự quản ghi vào sổ trực tuần vì không giữ trật tự trong lớp. Vào giờ sinh hoạt lớp cuối tuần, tôi tự giác xin lỗi cô giáo chủ nhiệm. Mặc dù cô khen tôi có tinh thần tự giác cao nhưng lại phê bình tội làm mất trật tự trong lớp và tịch thu toàn bộ poster phim.

Tôi nhớ lúc đó cô hỏi: “Làm sao em có những poster này?”. Lẽ ra tôi phải trả lời rằng tôi sưu tầm nhưng sợ cô tịch thu nên nói dối là mua. Cô đã phê bình và khuyên nên để tiền mua sách học thì có ích hơn việc mua những thứ tranh ảnh vô bổ này, làm ảnh hưởng đến việc học.

Cô đâu biết rằng, đó không đơn giản là một sở thích bình thường của một đứa trẻ mà còn là niềm đam mê, ước mơ cháy bỏng của tôi đối với điện ảnh. Ước mơ đó đeo đuổi tôi cho đến khi làm hồ sơ tuyển sinh đại học, tôi đã rất đắn đo có nên thi vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh hay không. Tuy nhiên, như tôi đã nói, vì điều kiện không cho phép và ước mơ không được nuôi dưỡng, phát triển từ nhỏ nên tôi đã không thực hiện niềm đam mê của mình.

Tôi nhớ, lúc đó là vào những năm của thập niên 90, ngành điện ảnh Việt Nam rất phát triển. Những bộ phim thị trường mà người ta gọi là “phim mì ăn liền” thu hút khán giả đến rạp rất đông cùng với những cái tên nổi tiếng một thời như: Việt Trinh, Diễm Hương, Lý Hùng, Mộng Vân, Lê Tuấn Anh, Lê Công Tuấn Anh... Sự kiện diễn viên Lê Công Tuấn Anh tự tử đã làm tôi xao lãng việc học vì tiếc thương một tài năng trẻ ra đi quá sớm.

Tối qua là lần đầu tiên sau gần 20 năm tôi gặp lại diễn viên Việt Trinh trên màn ảnh lớn sau khi xem phim Trót yêu. Hôm nay, nghe bạn chia sẻ về ước mơ, tôi cảm thấy chạnh lòng và nuối tiếc về ước mơ của mình. Khi còn sinh viên Ngoại ngữ, tôi may mắn được học tác phẩm I have a dream (Tôi có một giấc mơ) của Martin Luther King và chúng tôi cũng đã thảo luận sôi nổi về chủ đề này trong giờ học Speaking.

Nếu chúng ta không có ước mơ thì chúng ta không thể làm được những điều lớn lao. Vì vậy, hãy biến ước mơ của mình thành hiện thực bằng việc đừng ngại chia sẻ với mọi người để có được sự ủng hộ và giúp đỡ từ bạn bè, người thân, cộng đồng xã hội, bởi như bạn tôi đã mạnh dạn phát biểu: “Ước mơ mà không bị chê cười thì không phải là ước mơ”.

GIA HUY

.