Văn hóa - Giải trí
Đam mê mới sống được với nghề
Tâm sự về con đường nghệ thuật tuồng mình đã đi hơn 20 năm qua, NSƯT Phan Văn Quang nói rằng, nếu không có đam mê, không chịu khó thì anh không thể sống được với nghề.
Một cảnh trong vở diễn Thất trảm sớ. |
Nỗ lực không mệt mỏi
Khác với khi vào những vai kép nổi tiếng, đầy tính cách trên sân khấu như Trần Bình Trọng, Địch Thanh, Hoàng Phi Hổ, Đào Phi Phụng..., ngoài đời, NSƯT Phan Văn Quang (SN 1970) có dáng người thấp, kiệm lời và khá hiền lành.
Anh kể, gia đình anh chẳng ai theo con đường nghệ thuật, nhưng từ nhỏ, không hiểu sao anh lại đặc biệt yêu thích những vở cải lương, hát bội. Cơ duyên làm diễn viên đến với Văn Quang cũng khá bất ngờ. Năm lớp 10, nghe tin Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thi tuyển diễn viên, anh đến thi thử, ai ngờ đậu thiệt.
Những năm sau đó, Văn Quang theo học trường trung cấp, rồi cao đẳng diễn viên tuồng và trở thành diễn viên chủ lực của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. “Dấu ấn trong nghề với tôi là năm 1998, Liên hoan tài năng trẻ toàn quốc diễn ra tại Đà Nẵng, tôi đoạt giải nhì với vai diễn Hoàng Phi Hổ.
Đây là vai diễn khó với sức của tôi, nhất là phải thoát khỏi cái bóng của cụ Nguyễn Nho Tý - người đầu tiên đóng vai này và người thứ hai là thầy Sanh (NSND Trần Đình Sanh). Tâm lý lúc đó rất run nhưng tôi tự nhủ phải làm thật tốt, không phụ lòng các thầy (thầy Sanh, thầy Có) tận tình chỉ dạy”, NSƯT Văn Quang chia sẻ.
Nói về diễn viên tuồng, NSƯT Văn Quang cho rằng, đã chọn con đường này thì đừng nhìn ngang ngó dọc diễn viên, ca sĩ theo loại hình khác có cát-sê ngất ngưỡng, mà hãy nhìn thế hệ cha chú đi trước, nhìn đồng nghiệp ngày đêm khổ luyện trong khu tập thể tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh với kỳ vọng lôi kéo khán giả đến với nghệ thuật truyền thống.
“Nhưng nếu hài lòng với những gì mình có thì người nghệ sĩ cũng khó tiến bộ. Năm 2011, tôi xin cơ quan đi học lớp đạo diễn, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Một phần thỏa niềm ước mơ làm đạo diễn, hai là đóng góp cho nhà hát tuồng - cái nôi đưa tôi đến nghệ thuật ngày hôm nay”, NSƯT Văn Quang nói.
Tuy nhiên, chuyện đi học ở Hà Nội không dễ dàng gì, khi ngoài mức lương cơ bản Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho hưởng 100%, diễn viên Văn Quang phải tự túc từ học phí, đến việc đi lại, sinh hoạt, ăn uống...
“Đôi khi muốn bỏ cuộc nửa chừng vì mình đã làm không ra tiền, không phụ lo cho gia đình mà lại lấy thêm đi học. Nhưng niềm đam mê cứ ám ảnh. Thôi thì cố tiết kiệm trong ăn uống, chi tiêu, nhờ bạn bè ngoài Hà Nội giới thiệu đi biểu diễn. Năm 2013, nhờ đề xuất của nhà hát, của Sở VH-TT&DL, UBND thành phố lo cho học phí, kinh phí đi lại, nhẹ nhõm được chút. Cứ thế, ngoài giờ học là tranh thủ đi diễn kiếm tiền trong 4 năm liền”, NSƯT Văn Quang tâm sự.
Thất trảm sớ - trái ngọt đầu tiên
Những nỗ lực không mệt mỏi của người nghệ sĩ tận tâm với nghề đã thu được trái ngọt đầu tiên. Dù chỉ mới là báo cáo tốt nghiệp khóa đạo diễn, nhưng vở Thất trảm sớ do NSƯT Văn Quang dàn dựng với vai trò đạo diễn là sản phẩm của tình yêu nghề, của tình nghệ sĩ với nhau.
Thất trảm sớ huy động tổng thể 50 diễn viên, nghệ sĩ tập luyện trong vòng một tháng, chưa kể cựu diễn viên Phạm Ngọc Sơn đã ròng rã một năm chuyển thể vở diễn từ văn học kịch, dựa trên những cứ liệu lịch sử sang sân khấu tuồng.
“Để dàn dựng một vở diễn, kinh phí thấp nhất phải 300 triệu đồng. Thất trảm sớ là vở mới hoàn toàn dành cho sân khấu tuồng nhưng chỉ tốn 150 triệu đồng. Bởi anh chị em nghệ sĩ gần như diễn không công, giúp là chính; rồi nhà hát hỗ trợ một nửa, còn một nửa mình chắt chiu mà làm”, NSƯT Văn Quang cho biết.
Thất trảm sớ có nội dung nói về bản sớ gây chấn động xã hội thời nhà Trần do Chu Văn An soạn và dâng lên vua Trần Dụ Tông đề nghị xử chém 7 gian thần. Nhưng Thất trảm sớ không được thực hiện, Chu Văn An đã lui về ở ẩn.
Chọn vở diễn về chủ đề lịch sử để làm báo cáo tốt nghiệp, NSƯT Văn Quang mong muốn khai thác đề tài lịch sử Việt đang rất ít trong sân khấu tuồng, với kỳ vọng khơi gợi tình yêu nước thông qua các vở diễn lịch sử.
Nhưng làm sao để các nhân vật toát lên được tính cách từ chính trực đến gian trá thông qua nghệ thuật mang đầy tính ước lệ như tuồng quả không dễ. Đó cũng là điều mà khán giả có mặt trong đêm công diễn báo cáo tốt nghiệp giữa tháng 11 vừa qua ghi nhận những nỗ lực của NSƯT Văn Quang.
Theo NSƯT Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh: “Hiện tại, đội ngũ sáng tác (viết kịch bản, đạo diễn dàn dựng, nhạc sĩ sáng tác nền nhạc), đội ngũ dàn dựng (họa sĩ thiết kế, kỹ sư thiết kế) gần như con số không. Để dàn dựng chương trình, phải bỏ 300 triệu đồng để thuê đạo diễn và viết kịch bản, vì thế lâu nay chúng tôi có rất ít vở diễn mới. Từ năm 1980 đến nay, nhà hát chỉ có 2 người được cử đi học lớp đạo diễn là NSƯT Cao Đình Liên (nay đã nghỉ hưu) và bây giờ là NSƯT Phan Văn Quang. Do đó, việc NSƯT Văn Quang sắp tốt nghiệp khóa đạo diễn là một tín hiệu mừng cho nhà hát, sân khấu tuồng Đà Nẵng từ nay có thêm một người được đào tạo bài bản, chuyên sâu về đạo diễn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa đối với nguồn nhân lực chất lượng cao vốn đang rất thiếu trong ngành văn hóa nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng. |
NGỌC HÀ