Văn hóa - Giải trí
Giá trị di sản Hán Nôm tại Đà Nẵng
Sách Di sản Hán Nôm tại Đà Nẵng, do tác giả Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản thành phố Đà Nẵng sưu tầm và biên soạn vừa xuất bản vào đầu tháng 12 này, được giới chuyên môn đánh giá cao. Lần đầu tiên sắc phong, báo thị, chiếu chỉ, lệnh sai, khoán ước, hương ước, bia ký tại đình, chùa, đền miếu và các nhà thờ tộc được tác giả nghiên cứu kỹ lưỡng, hành văn súc tích, dễ hiểu, qua đó giúp người đọc có góc nhìn đa chiều về giá trị văn hóa, lịch sử của loại hình di sản Hán Nôm.
Bìa sách Di sản Hán Nôm tại Đà Nẵng được xuất bản vào tháng 12-2015. |
Sách có bố cục chặt chẽ, mạch lạc, rõ ràng và khoa học với 3 phần. Phần 1, nói về sắc phong, báo thị, lệnh sai, chiếu chỉ và giới thiệu vài sắc phong ở một số làng, xã trên địa bàn thành phố. Phần 2, đề cập khoán ước, hương ước do dân làng biên soạn, quy định những quy tắc ở làng, xã mà mọi thành viên trong cộng đồng phải tuân theo. Phần 3, nói về bia ký hiện còn trên địa bàn Đà Nẵng.
Trong mỗi phần, tác giả Hồ Tấn Tuấn dẫn chứng, phân tích cụ thể dựa trên những tài liệu còn lưu giữ tại hầu hết các đình, chùa, đền miếu và các nhà thờ tộc ở Đà Nẵng. Theo tác giả, tiếp cận những tài liệu này nhờ “may mắn”. “Cách đây 20 năm, khi công tác tại Bảo tàng Đà Nẵng, gắn bó với công việc bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố, chúng tôi may mắn được về nhiều địa phương để tìm hiểu, sưu tầm và nghiên cứu các loại hình Hán Nôm mà nhân dân đã gìn giữ. Lúc bấy giờ, cùng đi với chúng tôi thường có Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Thảng, nguyên cán bộ giảng dạy bộ môn Hán Nôm thuộc khoa Ngữ Văn, Trường Đại học tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học Huế) bởi ông được mời phụ trách phần biên dịch tài liệu Hán Nôm cho đơn vị. Trong quá trình sưu tầm, chúng tôi đã nghiên cứu và tổ chức biên dịch gần 250 sắc phong cùng một số văn bản khác như chiếu chỉ, báo thị, sai lệnh, khoán ước, hương ước và bia ký”, ông Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, giới chuyên môn đánh giá, chính bề dày kinh nghiệm, kiến thức lâu năm trong ngành, sự nặng lòng đặc biệt với các di sản Hán Nôm của tác giả, cộng thêm sự hỗ trợ, biên dịch chuẩn xác của cố Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Thảng đã làm nên giá trị của tác phẩm.
Cụ thể, ở phần 1, tác giả phân tích rõ dựa vào niên hiệu và ngày, tháng ban sắc phong có thể xác định sự thành lập các làng, xã ngày xưa trên địa bàn Đà Nẵng. Chẳng hạn, sắc phong của vua Minh Mạng ban cho làng Thạc Gián có ghi niên hiệu vua Minh Mạng và niên đại vào ngày 17-9 năm Minh Mạng thứ 7. Hay sắc phong giúp hiểu biết về tên địa danh làng, xã và sự thay đổi tên địa danh làng, xã, đơn vị hành chính. Điển hình là sắc phong làng Phước Thuận (nay thuộc xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) được ban ngày 17-9 năm Minh Mạng thứ 7 (1826), cho thấy lúc bấy giờ làng có tên là Phúc Sơn, thuộc tổng Phước Tường Thượng, huyện Hòa Vang. Nhưng sắc phong khác cho thấy đến đời vua Thiệu Trị năm thứ 3 (1842) thì thay đổi thành làng Phước Thuận…
Về khoán ước, hương ước, sau khi nghiên cứu kỹ tài liệu, tác giả xác định các khoán ước, hương ước ngày xưa bao gồm các điều khoản do dân làng biên soạn, quy định việc cúng tế ở làng, mừng thọ lên lão, cưới hỏi vợ, lấy chồng của trai gái trong làng; sự tương thân tương ái, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn; khuyên răn làm những điều tốt, không trộm cắp… Khoán ước và hương ước phản ánh quy tắc ở làng, xã mà mọi thành viên trong cộng đồng buộc phải tuân theo. Điều đáng ghi nhận, nhiều địa phương hiện nay vẫn dựa trên hương ước của làng ngày xưa, lấy những điều hay, lẽ phải, dung hòa với pháp luật hiện hành để xây dựng nếp sống văn hóa.
Về bia ký, qua các bia ký có niên đại vào nửa đầu thế kỷ 17 và vào thời Nguyễn còn lưu lại ở Danh thắng Ngũ Hành Sơn, các đình làng Hải Châu, La Bông, Túy Loan, Bồ Bản…, có thể biết được thời gian xây dựng, trùng tu, tôn tạo các đình làng, đền miếu. Trên bia ghi nội dung nhân dân các làng, xã, nhất là các vị chức sắc có phẩm hàm cao trong làng đóng góp công và của vào việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo… Giá trị của phần bia ký ở chỗ tác giả đã ghi lại những nội dung trên nhiều bia ký quý mà đến nay do tác động của thời gian đã bị mờ, bị hư như bia La Bông thời Minh Mạng, bia ở đình làng Hải Châu không còn đọc được nữa.
“Tôi mất nhiều năm để tổng hợp tư liệu đã cùng thầy Thảng sưu tầm, nghiên cứu. Tôi vẫn nhớ dáng thầy, 75 tuổi, ngồi cả ngày bên bia đá, hay không ngại khó leo trên vách đá Ngũ Hành Sơn sao chép dòng chữ còn lưu lại. Song, công sức của thầy bị người này lấy, người kia lấy vô tội vạ mà không trích nguồn tác giả. Cuốn sách này như một lời tri ân, ghi nhận công sức của thầy đối với di sản Hán Nôm tại Đà Nẵng; đồng thời giúp các nhà nghiên cứu, sinh viên tham khảo, phục vụ công tác nghiên cứu về di sản Hán Nôm, văn hóa, lịch sử, địa danh các vùng đất ở Đà Nẵng”, ông Hồ Tấn Tuấn nói.
NGỌC HÀ